Báo Đồng Nai điện tử
En

Đam mê giữ lửa đờn ca tài tử

10:07, 02/07/2021

Bề ngoài dễ gần, lối nói chuyện duyên dáng, bà Nguyễn Thị Nguyệt (nghệ danh Minh Nguyệt, ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành) đã để lại nhiều ấn tượng với người khác trong những lần trò chuyện. Không chỉ đam mê đờn ca tài tử (ĐCTT), có giọng ca ngọt ngào, bà Nguyệt còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện ở trong và ngoài tỉnh.

Bề ngoài dễ gần, lối nói chuyện duyên dáng, bà Nguyễn Thị Nguyệt (nghệ danh Minh Nguyệt, ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành) đã để lại nhiều ấn tượng với người khác trong những lần trò chuyện. Không chỉ đam mê đờn ca tài tử (ĐCTT), có giọng ca ngọt ngào, bà Nguyệt còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện ở trong và ngoài tỉnh.

Bà Minh Nguyệt (bìa trái) trong một buổi biểu diễn đờn ca tài tử trên sân khấu. Ảnh: Ly Na
Bà Minh Nguyệt (bìa trái) trong một buổi biểu diễn đờn ca tài tử trên sân khấu. Ảnh: Ly Na

* Đam mê nghệ thuật ĐCTT

Yêu thích và mê ĐCTT từ nhỏ nhưng mãi đến năm 2016, bà Nguyệt mới tham gia phong trào văn nghệ quần chúng, tham gia vào CLB ĐCTT H.Long Thành. Bà cho biết, vào những năm 1980, đa số người dân ở nông thôn đều mê ĐCTT, bà cũng không ngoại lệ. Mỗi khi có các đoàn nghệ thuật về quê biểu diễn, bà cùng với bà con trong xã hẹn nhau đi xem và say sưa thưởng thức. Nghe mãi thấy hay, rồi bắt đầu thích và “nhập tâm” các bài bản ĐCTT.

Thi thoảng trong các chương trình văn nghệ ở địa phương, bà Nguyệt thường ngâm những câu vọng cổ, biểu diễn một vài bài bản của 20 bản tổ của ĐCTT. Nhiều người đã dành lời khen bà có chất giọng trong, hay và có năng khiếu nghệ thuật. Nhờ vậy, bà đã mạnh dạn đăng ký tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do đoàn thể ở ấp, xã tổ chức. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ được một thời gian ngắn bà Nguyệt đành tạm gác lại sở thích để chuyên tâm lo kinh tế cho gia đình, chờ khi cuộc sống ổn định sẽ tiếp tục “tầm sư học đạo”.

Anh Phạm Văn Đức, chuyên viên Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Long Thành nhận xét: “Bà  Minh Nguyệt không chỉ là “cây văn nghệ” tiêu biểu của xã Bình Sơn và H.Long Thành mà còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội, thiện nguyện. Bà Minh Nguyệt cùng với nhiều anh chị em ở địa phương đã góp phần duy trì, phát triển các CLB, đội nhóm văn nghệ. Nhờ vậy, phong trào văn nghệ quần chúng của H.Long Thành ngày càng phát triển, tạo sự đoàn kết, gắn bó và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”.

“Mới đầu, khi tham gia vào CLB ĐCTT Long Thành, tôi chỉ biểu diễn một vài bài bản và chương trình giao lưu nhỏ. Dù thế, tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc vì được đứng trên sân khấu hát cho mọi người nghe. Vừa biểu diễn, vừa học hỏi thêm những người xung quanh. Từ đó, tôi tham gia các sinh hoạt văn nghệ, giao lưu tài tử, cải lương trong và ngoài tỉnh thường xuyên hơn. Nói đúng hơn, đó như là cái duyên đưa tôi quay lại với tình yêu ĐCTT thuở xưa” - bà Nguyệt bộc bạch.

Ngoài biểu diễn ĐCTT, bà Nguyệt còn hát cải lương, bolero… Trước thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà cùng với các thành viên trong CLB tích cực luyện tập, tham gia nhiều hội thi, hội diễn ĐCTT trong và ngoài tỉnh, đoạt nhiều giải thưởng, từ giấy khen của huyện, bằng khen của tỉnh đến huy chương vàng của Bộ VH-TTDL. Bà cho rằng, việc tham gia các hội diễn lớn không chỉ giúp bà cọ xát với thực tế, nâng cao khả năng ca diễn mà còn có ý nghĩa lớn trong bảo tồn nghệ thuật ĐCTT. Các giải thưởng là động lực giúp bà cố gắng luyện tập, đi diễn nhiều hơn để lan tỏa bộ môn ĐCTT.

Theo bà Nguyệt, tài tử, cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và Nam bộ nói chung. Mặc dù dịch Covid-19 khiến hoạt động biểu diễn tạm ngưng nhưng bà và những người yêu ĐCTT ở địa phương vẫn luôn tự luyện tập. Các bài bản bà diễn chủ yếu lấy cảm hứng từ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, về tình yêu đôi lứa, quê hương, gia đình. Những bài bản ấy luôn hướng con người sống nhân ái, biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và yêu lao động để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ.

* Góp sức đưa phong trào văn nghệ đi vào chiều sâu

Nhằm đưa phong trào văn nghệ ở địa phương đi vào chiều sâu, nhiều năm nay bà Nguyệt đã đứng ra vận động kinh phí tổ chức các sân chơi ngay tại xã. Mỗi lần có đủ kinh phí, bà làm tờ trình gửi UBND xã xin duyệt tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng ngay tại Bình Sơn, giúp bà con, nhất là công nhân trong nông trường cao su trên địa bàn yêu thích ca hát có thêm điểm vui chơi, giải trí.

“Xuất phát từ thực tế và được chính quyền địa phương ủng hộ, nhiều lần tôi cùng với một số người bạn vận động kinh phí để tổ chức một số hội thi bolero. Các hội thi thu hút đông người dân tham gia. Nhìn cách mọi người biểu diễn, say sưa ca hát, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi như nhìn thấy chính bản thân mình trong đó” - bà Nguyệt nói.

Ngoài phong trào văn nghệ quần chúng, bà Nguyệt còn cùng với những người bạn thành lập Nhóm thiện nguyện Minh Nguyệt. Ngoài số kinh phí do các thành viên trong nhóm tự đóng góp, bà còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ, tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ mồ côi, khuyết tật và người già neo đơn. Các điểm đến của mỗi chuyến thiện nguyện không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn lan rộng nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

“Mỗi năm 2 lần, nhóm chúng tôi tìm hiểu những hoàn cảnh cần được giúp đỡ hay những địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ, hạn hán, dịch bệnh… Sau đó, nhóm tổ chức các chuyến xe đến thăm, động viên và tặng quà. Hơn 5 năm qua, đã có hàng ngàn suất quà được chuyển đến những địa chỉ cần đến” - bà Nguyệt cho biết.

Ở tuổi 59, bà Nguyệt vẫn đang tham gia nhiều hơn các hoạt động phong trào của địa phương. Chờ khi dịch bệnh được khống chế, bà sẽ tiếp tục mang lời ca, tiếng hát của mình góp phần khơi dậy tình yêu ĐCTT, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của quê hương Đồng Nai.

Ly Na

Tin xem nhiều