Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

10:06, 14/06/2021

Không đứng ngoài cuộc chiến chống dịch Covid-19, văn nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh đã tích cực sáng tác nhiều tác phẩm mới, chú trọng tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa.

Không đứng ngoài cuộc chiến chống dịch Covid-19, văn nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh đã tích cực sáng tác nhiều tác phẩm mới, chú trọng tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa.

Tiểu phẩm Trách nhiệm không của riêng ai do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh dàn dựng, phát trên các kênh YouTube, Facebook. Ảnh: L.Na
Tiểu phẩm Trách nhiệm không của riêng ai do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh dàn dựng, phát trên các kênh YouTube, Facebook. Ảnh: L.Na

Bằng những lời ca, tiếng hát, tiểu phẩm... lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền đã lan tỏa thông điệp nhân văn, yêu thương, sẻ chia cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh.

* Covid-19 đi vào sân khấu

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đã xây dựng các tiểu phẩm kịch ngắn, kịch vui và phát sóng trên mạng xã hội nhằm tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Các kịch bản: Niềm tin chiến thắng Covid, Trách nhiệm không của riêng ai… xoay quanh những tình huống, câu chuyện xảy ra trong mùa dịch Covid-19 như: chuyện cách ly vùng dịch, cách ly xã hội, đi làm thời dịch, tích trữ lương thực, tụ tập vui chơi… đã được chuyển tải đến khán giả một cách sinh động. Đặc biệt, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời thoại dí dỏm với các hoạt cảnh giúp người xem dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thuộc.

Đặt thẳng vấn đề đại dịch Covid-19, tiểu phẩm Trách nhiệm không của riêng ai (tác giả và đạo diễn Trần Đức) phản ánh người thật, việc thật và tình hình dịch bệnh đang diễn ra ở địa phương. Tiểu phẩm lồng ghép câu chuyện gia đình ông Tư ở nông thôn. Các con của ông làm nghề giáo và nghề hướng dẫn viên du lịch đều phải nghỉ ở nhà để phòng dịch. Vì vậy, cuộc sống rơi vào khó khăn, họ phải đi vay mượn để trang trải trước khi chờ đến ngày lãnh lương. Cao trào của câu chuyện diễn ra khi khu phố nơi ông sinh sống có một người đi về từ vùng dịch và dương tính với Covid-19 khiến toàn bộ người dân ở đó phải cách ly. Thay vì ở yên trong nhà, nhiều người nháo nhào, tụ tập lại tìm hiểu thông tin…

Diễn viên Cao Thép chia sẻ: “Bản thân tôi khi vào vai dân quân tự vệ trong tiểu phẩm Trách nhiệm không của riêng ai cảm thấy trách nhiệm của người diễn viên. Vừa lột tả được tâm trạng lo lắng khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vừa phải nắm bắt được những nội dung, quy định phòng, chống dịch để tuyên truyền, vận động bà con cũng như gia đình yên tâm, tránh hoang mang, lo sợ. Trong cuộc chiến lâu dài này, mọi người không chỉ thực hiện nghiêm thông điệp 5K mà còn phải bình tĩnh, biết đoàn kết, chung sức đẩy lùi dịch bệnh”.

Những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca dương tính với Covid-19 tăng, số lượng người tử vong chưa có dấu hiệu dừng lại, nghệ sĩ Hoàng Tiến Điểm cũng xây dựng 2 vở hài kịch: Trong tâm dịchATM lòng tử tế. Trong đó, hài kịch ATM lòng tử tế lấy cảm hứng từ truyện ngắn Phố thời dịch của nhà văn Nguyễn Thái Hải đăng trên Báo Đồng Nai. Ở đó, một nhà khoa học đã phát minh ra máy ATM để đo lòng tử tế của con người. Bất cứ ai được máy đo và công nhận là người tử tế sẽ được tặng một phần quà. Từ đây, nhiều câu chuyện bi hài đã diễn ra, ngay cả việc “tố” nhau để trở thành người tử tế.

“Những tiếng cười hóm hỉnh từ các hài kịch của tôi chuyển tải rất nhiều thông điệp, ngợi ca tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào của dân tộc trong những ngày chống dịch. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức phòng, chống dịch” - nghệ sĩ Hoàng Tiến Điểm nói.

* Lan tỏa thông điệp phòng, chống dịch

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, các hoạt động tuyên truyền lưu động, chiếu phim phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa đã tạm hoãn. Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, trung tâm đã đẩy mạnh cổ động trực quan, chạy xe loa trên khắp các tuyến đường từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, thực hiện các kịch bản, dàn dựng và ghi hình, phát thông qua kênh Zalo, Facebook, YouTube.

“Trước khi dịch bệnh bùng phát mạnh như hiện nay, các diễn viên của trung tâm đã chia nhỏ từng nhóm tổ chức luyện tập, đưa các tác phẩm nghệ thuật lên sân khấu. Hình thức sân khấu hóa được trung tâm kết hợp giữa các tiết mục ca múa nhạc với tiểu phẩm kịch ngắn, kịch vui. Trung tâm kỳ vọng, những chương trình nghệ thuật phát sóng qua mạng xã hội không chỉ là món ăn tinh thần cho người dân trong mùa dịch mà qua đó lan tỏa thông điệp phòng, chống dịch Covid-19” - bà Thanh Tình nhấn mạnh.

Anh Phạm Văn Đức, chuyên viên Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Long Thành cho hay: “Từ đầu năm 2021, trung tâm đã xây dựng chương trình nghệ thuật tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Sau khi có văn bản của UBND tỉnh về tạm ngưng các hoạt động biểu diễn, trung tâm đã thay đổi hình thức tuyên truyền. Hiện tại, 2 xe loa của trung tâm đang tiếp tục chạy tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, chờ đến thời điểm thích hợp khi dịch lắng xuống sẽ tiếp tục hoạt động biểu diễn nghệ thuật, phục vụ bà con”.

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho biết, trong bối cảnh Việt Nam và thế giới chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, văn nghệ sĩ tỉnh nhà luôn nhận thấy trách nhiệm của mình, góp sức tuyên truyền chủ đề này. Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai luôn khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ sáng tạo. Đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật ở các thể loại như: âm nhạc, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu… ra đời, được giới thiệu rộng rãi trên báo, đài và mạng xã hội. Các tác phẩm đã và đang góp phần tuyên truyền phòng, chống dịch một cách hiệu quả.

Ly Na

Tin xem nhiều