Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch: Nghĩ về đạo hiếu của người Việt từ truyền thuyết Chử Đồng Tử

08:04, 20/04/2021

"Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba". Câu ca dao ấy đã đi vào lòng biết bao thế hệ người Việt, để rồi cứ khi tháng 3 về, người Việt ở khắp mọi nơi lại hướng về đất Tổ...

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca dao ấy đã đi vào lòng biết bao thế hệ người Việt, để rồi cứ khi tháng 3 về, người Việt ở khắp mọi nơi lại hướng về đất Tổ linh thiêng, nơi khởi nguồn của dân tộc Việt.

Cô và trò Trường mầm non Hòa Hưng (P.An Hòa, TP.Biên Hòa) tổ chức làm bánh nhân Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3-2021. Ảnh: My Ny
Cô và trò Trường mầm non Hòa Hưng (P.An Hòa, TP.Biên Hòa) tổ chức làm bánh nhân Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3-2021. Ảnh: My Ny

Truyền thống thờ cúng tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đạo hiếu của người Việt đã được hình thành và nuôi dưỡng từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Truyền thuyết dân gian về câu chuyện của Chử Đồng Tử là minh chứng về đạo hiếu của người Việt đã được hình thành từ rất sớm và được lưu truyền tới ngày nay.

* Người con đại hiếu

Theo truyền thuyết dân gian, Chử Ðồng Tử là một người con rất có hiếu. Truyện Nhất Dạ Trạch trong Lĩnh Nam chích quái của tác giả Trần Thế Pháp thời nhà Trần ghi về cuộc đời buổi sơ thời của Chử Ðồng Tử như sau: “Tại làng Chử Xá, có người tên Chử Vi Vân, sinh được con trai đặt tên là Chử Ðồng Tử, cha từ con hiếu, nhà gặp hỏa hoạn, của cải sạch không, còn lại một khố vải cha con ra vào thay nhau mà mặc. Tới lúc cha lâm bệnh, bảo con rằng: “Cha chết cứ để trần mà chôn, giữ khố lại cho con”. Con không nỡ làm theo, dùng khố mà liệm cha. Chử Đồng Tử thân thể trần truồng đói rét khổ sở, đứng ở bên sông hễ nhìn thấy thuyền buôn qua lại thì đứng ở dưới nước mà ăn xin, khi thì câu cá độ thân, không ngờ thuyền Tiên Dung xốc tới...”.

Cũng bởi đức hiếu hạnh này nên Chử Ðồng Tử mới có thể gặp được Tiên Dung khi nàng công chúa này lại chọn đúng nơi Chử Ðồng Tử ẩn vùi thân dưới cát. Thế là cả hai thành vợ thành chồng.

Thường, lời dặn của những người trước khi qua đời bao giờ cũng thiêng liêng, thống thiết. Những người con có hiếu, việc trước tiên phải làm là làm đúng những lời trăn trối lại. Trong câu chuyện này, Chử Đồng Tử đã làm ngược lại lời cha dặn lúc lâm chung, nhưng lại trở thành đại hiếu.

* Dân tộc lễ nghĩa, văn minh

Truyền thuyết về Chử Đồng Tử là câu chuyện về thời Hùng Vương của nước Việt gắn với sự ra đời của nhà nước Văn Lang của các vua Hùng mà cứ đến ngày 10-3, tất cả con dân Việt lại tổ chức một ngày giỗ chung - giỗ Tổ. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng Lạc Long Quân “lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh ra trăm trứng là Tổ của Bách Việt). Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển. Phong con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi vua”.

Một tiết mục văn nghệ trong ngày giỗ Tổ tại công viên văn hóa Hùng Vương, H.Trảng Bom năm 2019. Ảnh: My Ny
Một tiết mục văn nghệ trong ngày giỗ Tổ tại công viên văn hóa Hùng Vương, H.Trảng Bom năm 2019. Ảnh: My Ny

Cũng Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, Hùng Vương là con trai Lạc Long Quân, lên ngôi vua, đóng đô ở Phong Châu, nay là P.Bạch Hạc, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (...) chia nước thành 15 bộ”. Hậu Hán thư chép: vào thời Chu Công nhiếp chính 6 năm (tức năm 1109 trước Công nguyên) đã có sứ giả của nước Việt Thường sang tiến cống chim trĩ trắng, mãi tới khi “đức nhà Chu suy vi rồi mới dần dứt tuyệt với Việt Thường”.

Về thời gian ra đời của nhà nước Văn Lang, về số năm trị vì của các vua Hùng vẫn là điều mà các nhà khoa học cần nghiên cứu tiếp. Chỉ có một điều không thể phủ nhận là sự tồn lại của nhà nước Văn Lang, nền văn hóa Văn Lang là có thật. Điều này đã được khảo cổ học chứng minh qua các di vật cụ thể của nền văn hóa Đông Sơn. Cùng với truyện Phù Đổng Thiên VươngSơn Tinh Thủy Tinh, truyện Chử Đồng Tử là những câu chuyện cổ tích về thời Hồng Bàng của dân tộc Việt Nam, khẳng định dân tộc Việt Nam đã thành lập một quốc gia thống nhất, có giáo hóa, lễ nghĩa, văn minh trước khi người Trung Quốc sang xâm lược và đô hộ.

“Cây có cội, nước có nguồn, con chim có tổ, con người có tông” (ca dao). Từ đạo hiếu của Chử Đồng Tử đến truyền thống thờ cúng tổ tiên, trong đó có ngày giỗ Tổ chung là nét đẹp trong văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nét đẹp ấy, truyền thống ấy nay vẫn được các thế hệ cháu con kế thừa, bồi đắp. Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để mỗi người dân đất Việt tưởng nhớ, tri ân công đức cao dày của tổ tiên, nhớ nghĩ về cội nguồn, đạo lý dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu thương nòi giống bởi cùng chung hai tiếng gọi thiêng liêng tha thiết “đồng bào”.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều