Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao vị thế của di sản Đồng Nai

10:01, 29/01/2021

Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ban quý tế các đình dâng hương tại đình Phước Lư, P.Quyết Thắng , TP.Biên Hòa. Ảnh: Ly Na
Ban quý tế các đình dâng hương tại đình Phước Lư, P.Quyết Thắng , TP.Biên Hòa. Ảnh: Ly Na

Tính đến ngày 31-12-2020, toàn tỉnh có trên 1.500 di tích đã được kiểm kê phổ thông, 61 di tích được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh). Các di tích đã được chú trọng trùng tu, tôn tạo, phát huy vai trò, vị trí và chức năng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển vùng đất, con người Đồng Nai.

* Quan tâm trùng tu và xã hội hóa di tích

H.Định Quán là một trong những địa phương trong tỉnh làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Ngoài những di tích được ưu tiên trùng tu bằng nguồn ngân sách, hầu hết những di tích phổ thông đều được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa.

Được thành lập từ năm 1974, di tích phổ thông Miếu Quan Âm 116 (xã Phú Vinh, H.Định Quán) ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ để đồng bào người Hoa trên địa bàn huyện chiêm bái. Năm 1997, bằng nguồn xã hội hóa, ngôi miếu đã được xây dựng lại, trùng tu và tôn tạo nhiều hạng mục để người dân đến sinh hoạt.

Phó ban trị sự Miếu Quan Âm 116 Hoàng A Sanh cho biết: “Ngôi miếu có được diện mạo như hôm nay đều nhờ sự tự nguyện đóng góp của cộng đồng dân cư. Không chỉ đóng góp vật chất, người dân còn góp cả công để trùng tu, tôn tạo miếu thành điểm đến sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng; đồng thời tạo nguồn quỹ từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”.

Năm 2020, Đồng Nai có 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh gồm: đình Bình Thiền, đình Hưng Phú, đình Thành Hưng và đình Phước Lư (TP.Biên Hòa). Bảo tàng Đồng Nai đã sưu tầm 118 hiện vật dân tộc thiểu số, 5 hiện vật trôi nổi thuộc nhiều loại hình khác nhau như: vật dụng lao động sản xuất, sinh hoạt, thờ cúng…

TP.Biên Hòa có 241 di tích, danh thắng nằm trong danh mục kiểm kê, 25 di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được thành phố quan tâm bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa thông qua các hình thức như: đóng góp bằng tiền, hiện vật, vật tư và công sức. Đã có nhiều di tích được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa như: chùa Ông, miếu Tổ Sư, chùa Bửu Hưng, chùa Đại Giác…

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân cho biết, thực hiện Quyết định 39 của UBND tỉnh năm 2018 về phân cấp quản lý, ủy quyền quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, thành phố đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trong đó tập trung lực lượng để bảo quản, gìn giữ; xây dựng các kế hoạch nâng cấp sửa chữa những di tích đang có nguy cơ xuống cấp.

“Hiện nay, TP.Biên Hòa đang xây dựng đề án tôn tạo, phát huy Thành cổ Biên Hòa, Nhà hội Bình Trước, lăng mộ Trịnh Hoài Đức, bổ sung các hiện vật, chỉnh trang di tích Nhà xanh. Bên cạnh đó, thành phố cũng rất quan tâm đến phát huy các giá trị, mà cụ thể là biên tập lại nội dung lịch sử từng di tích. Với các di tích đã sửa chữa và nâng cấp, phối hợp với ngành Du lịch để kết nối, quyết tâm năm 2021 sẽ đưa vào các tour du lịch di sản. Qua đó, tuyên truyền và quảng bá đến người dân và du khách về di tích, danh thắng của Biên Hòa” - ông Nguyễn Duy Tân chia sẻ.

Không chỉ H.Định Quán, TP.Biên Hòa quan tâm đầu tư, trùng tu và tôn tạo di tích mà nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã và đang tích cực thực hiện bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để bảo tồn, gìn giữ và quảng bá giá trị của hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh, ngoài nỗ lực từ các cấp chính quyền, rất cần sự chung tay của các tầng lớp nhân dân. Bởi trước khi công nhận di tích, cộng đồng dân cư là đối tượng chủ yếu trong việc phát huy giá trị di tích. Khi được công nhận là di tích, không ai khác, chính cộng đồng dân cư tại di tích là chủ thể phát huy vai trò của di tích.

* Chú trọng áp dụng công nghệ 4.0

Áp dụng thành tựu khoa học công nghệ là câu chuyện ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong đời sống văn hóa, nghệ thuật. Với bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng không là ngoại lệ bởi theo thời gian, tất cả các di sản đều có thể bị hư hại hoặc bị phá hủy do nhiều nguyên nhân từ tự nhiên hoặc con người. Sự liên kết chặt chẽ giữa công nghệ và các giải pháp văn hóa đã và đang mang đến những hướng đi mới trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của dân tộc.

Năm 2020, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được Bảo tàng Đồng Nai triển khai đồng bộ với nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm như: sưu tầm hiện vật, khai quật khảo cổ học, lập bản đồ GIS khảo cổ học… Việc phát huy giá trị di sản được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng đến việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0. Bảo tàng đã xây dựng trang thông tin điện tử (Website), Fanpage riêng của đơn vị để kịp thời quảng bá, đưa thông tin khoa học kịp thời đến với nhân dân. Đặc biệt, thực hiện phim tư liệu Di tích đình An Hòa phát sóng 3 kỳ trên Đài PT-TH Đồng Nai.

Theo Phòng Quản lý VH-TTDL (Sở VH-TTDL), trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Sở triển khai nhiều nội dung quan trọng, trong đó giao Bảo tàng Đồng Nai xây dựng và triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống tại bảo tàng; kế hoạch xây dựng bản đồ GIS khảo cổ học trên địa bàn tỉnh; kế hoạch số hóa dữ liệu hiện vật tại Bảo tàng Đồng Nai… Đây là nền tảng để việc ứng dụng công nghệ mới vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tạo được bước đột phá.

Ly Na

Tin xem nhiều