Báo Đồng Nai điện tử
En

Khơi dậy giá trị văn hóa cộng đồng

10:12, 28/12/2020

Định Quán là một trong những huyện miền núi của Đồng Nai, có trên 200 ngàn nhân khẩu. Đây là địa bàn sinh sống xen kẽ giữa người Kinh và đồng bào các dân tộc Châu Mạ, Chơro, Khmer, Mường, Tày, Nùng...

Định Quán là một trong những huyện miền núi của Đồng Nai, có trên 200 ngàn nhân khẩu. Đây là địa bàn sinh sống xen kẽ giữa người Kinh và đồng bào các dân tộc Châu Mạ, Chơro, Khmer, Mường, Tày, Nùng...

Phụ nữ dân tộc Mường (ấp Tân Lập, xã Phú Túc, H.Định Quán) tìm hiểu cách làm các dụng cụ lao động truyền thống tại nhà văn hóa dân tộc. Ảnh: L.Na
Phụ nữ dân tộc Mường (ấp Tân Lập, xã Phú Túc, H.Định Quán) tìm hiểu cách làm các dụng cụ lao động truyền thống tại nhà văn hóa dân tộc. Ảnh: L.Na

Việc gìn giữ truyền thống của dân tộc luôn được chính quyền địa phương và người dân nơi đây chú trọng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng.

* Những mô hình hoạt động hiệu quả

Nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống người Mường trên vùng đất Tân Lập, xã Phú Túc, chính quyền địa phương và nhân dân đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt. Điển hình là xây dựng, phát triển đội văn nghệ dân gian dân tộc Mường và CLB cồng chiêng. Mô hình này hoạt động càng hiệu quả khi nhà văn hóa dân tộc đi vào hoạt động, thu hút đông đảo bà con tham gia. Không chỉ sưu tầm vốn văn hóa dân gian của người Mường, đồng bào nơi đây còn tổ chức dàn dựng, biểu diễn những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc đã bị mai một như: múa cây bông, đánh cồng chiêng...

Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Tân Lập Nguyễn Đăng Dung cho biết: “Các mô hình CLB, đội nhóm văn nghệ trong ấp hiện hoạt động rất sôi nổi, không chỉ người già mà còn có cả trẻ em. Riêng với các nghề thủ công truyền thống ấp cũng thành lập từng tổ, nhóm như: tổ nấu rượu cần, nhóm chế tác dụng cụ hay nhóm may trang phục truyền thống trưng bày ở nhà văn hóa để cùng sinh hoạt cộng đồng. Đồng bào Mường ai nấy đều lấy làm tự hào khi bản sắc văn hóa của dân tộc mình được gìn giữ và truyền cho các thế hệ con cháu”.

Với đồng bào Tày xã Thanh Sơn, hát then đàn tính là một trong những nét sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu. Để bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, người Tày nơi đây thành lập đội hát then đàn tính. Mới đầu, đội chỉ có 5 người nhưng đến nay, số thành viên tham gia sinh hoạt hơn 10 người. Địa điểm sinh hoạt chủ yếu ở nhà văn hóa ấp 8.

Chị Hà Thị Mận (36 tuổi) thành viên đội then đàn tính nói rằng, với người Tày di cư từ miền Bắc vào vùng đất Định Quán, dù ít, dù nhiều ai cũng biết hát then và sử dụng cây đàn tính. Đây là món ăn tinh thần nhiều năm qua được bà con trân trọng và giữ gìn. Bà con thường biểu diễn trong các ngày lễ, tham gia các hoạt động văn nghệ, phục vụ các đoàn đến tham quan, tìm hiểu văn hóa Tày ở địa phương.

Tại Nhà văn hóa dân tộc Chơro (xã Túc Trưng) lưu giữ nhiều bộ nhạc cụ, các vật dụng trong lao động sản xuất, ma chay và cưới hỏi. Phó trưởng ban quản lý Nhà văn hóa dân tộc Điểu Hoàng cho biết, hiện tại nơi đây lưu giữ hơn 200 vật dụng, trong đó nổi bật là các bộ cồng chiêng, ché rượu cần, váy áo, khố, gùi, bộ cối - chày được làm với kích cỡ lớn nhỏ khác nhau để giã gạo...  Đặc biệt, mô hình đội cồng chiêng được thành lập với hơn 12 thành viên tham gia.

Đến nay, đồng bào Chơro đã đưa tiếng cồng chiêng trở lại trong hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần giữ gìn nét văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân ở xã Túc Trưng tham gia công tác sưu tầm, sáng tác âm nhạc bằng tiếng Chơro như nhạc sĩ Điểu Được; nghệ nhân Điểu Liệt chế tác đàn Chinh K’la truyền thống; hay vợ chồng già Điểu Thanh và Điểu Thị Gánh (ấp Suối Dzui) hiện vẫn đang tích cực lưu giữ nghề đan gùi truyền thống.

“Ngoài các mô hình, những thành viên trong các đội, nhóm sinh hoạt tại nhà văn hóa còn hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong những buổi sinh hoạt, biểu diễn, Ban quản lý nhà văn hóa thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con, giúp mọi người hiểu biết và chấp hành pháp luật. Phối hợp với chính quyền địa phương để có định hướng gắn bảo tồn văn hóa dân tộc với phát triển du lịch” - ông Điểu Hoàng chia sẻ.

* Quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng H.Định Quán luôn quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 3 nhà văn hóa dân tộc gồm: 2 nhà văn hóa dân tộc Chơro tại ấp 5, xã La Ngà và xã Túc Trưng; Nhà văn hóa dân tộc Châu Mạ tại KP.Hiệp Nghĩa, TT.Định Quán và Nhà văn hóa dân tộc Mường ấp Tân Lập, xã Phú Túc với kinh phí trên 25 tỷ đồng. Hiện tại, H.Định Quán đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xây dựng nhà văn hóa dân tộc Tày - Nùng ở xã Thanh Sơn.

Bên cạnh nhà văn hóa dân tộc, tại các ấp, khu phố có đông đồng bào dân tộc sinh sống, H.Định Quán cũng đã tích cực xây dựng các nhà văn hóa ấp, khu phố, thường xuyên bổ sung trang thiết bị, xã hội hóa các hạng mục tại nhà văn hóa. Riêng đồng bào Khmer ở KP.Hiệp Nhất, TT.Định Quán đã xây dựng được một ngôi chùa khang trang là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho bà con.

Phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán cho biết, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được các địa phương quan tâm, riêng ở quy mô cấp huyện tổ chức 2 năm/lần. Hiện, huyện đã khôi phục và tổ chức thường xuyên các lễ hội như: Yang coi và Yang Bơnơm của đồng bào Châu Mạ ở KP.Hiệp Nghĩa; Sayangva của đồng bào Chơro xã Túc Trưng; lễ Tả Tài phán của người Hoa ở xã Phú Vinh và Phú Lợi; lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày - Nùng ấp 8, xã Thanh Sơn.

Đặc biệt, H.Định Quán thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cồng chiêng, múa dân gian cho đồng bào dân tộc Chơro, Châu Mạ, Mường, Khmer với sự tham gia của đông đảo già làng, người uy tín và thanh thiếu nhi. Già làng K’De (KP.Hiệp Nghĩa, TT.Định Quán) chia sẻ: “Bà con rất phấn khởi khi được chính quyền quan tâm, mở nhiều lớp truyền dạy dân ca, đánh cồng chiêng, dạy làm cây nêu, nấu cơm lam, rượu cần, đan gùi... Bà con tham gia học sử dụng chính các hiện vật trưng bày, lưu giữ ở nhà văn hóa dân tộc như: cồng chiêng, váy áo, những chiếc gùi...”.

Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán Thiều Quang Tân nhấn mạnh, việc chăm lo đời sống đồng bào, đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng của các dân tộc trên địa bàn huyện không chỉ cho thấy sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, chính quyền địa phương trong bảo tồn, gìn giữ nét đẹp truyền thống mà còn giúp đồng bào tự nhận thức được trách nhiệm bản thân. Từ đó, bà con các dân tộc cùng nhau đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Ly Na

Tin xem nhiều