Báo Đồng Nai điện tử
En

'Báu vật'… thời chiến

10:12, 04/12/2020

Hơn 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật, lá thư trong kháng chiến được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai đã tái hiện những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.

Hơn 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật, lá thư trong kháng chiến được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai đã tái hiện những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.

Một số hiện vật trưng bày trong triển lãm Ký ức và kỷ vật thời chiến tại Bảo tàng Đồng Nai
Một số hiện vật trưng bày trong triển lãm Ký ức và kỷ vật thời chiến tại Bảo tàng Đồng Nai

Đây là những kỷ vật không thể nào quên trong cuộc đời của mỗi người lính bộ đội Cụ Hồ, được bảo tàng sưu tầm, giới thiệu đến công chúng.

* Từ những vật dụng bình dị…

Trong các hiện vật thời chiến do Bảo tàng Đồng Nai sưu tầm, tuyển chọn, có nhiều hiện vật là đồ dùng cá nhân của các chiến sĩ như: những lá thư, quân trang, quân dụng, chiến lợi phẩm thu được của lính Mỹ, ca inox, bình toong (bi đông), đèn pin quéo, la bàn. Mỗi hiện vật là một câu chuyện cụ thể, gắn liền với cuộc đời người lính trong những năm tháng đầy gian khổ, chiến đấu anh dũng vì Tổ quốc.

Trong số các kỷ vật được trưng bày, có chiếc cà men của ông Phan Minh Viện được đơn vị cấp vào năm 1974 khi ông được điều động vào lực lượng bộ đội chủ lực, chi viện cho chiến trường miền Nam. Ông Viện sử dụng cà men để đựng thức ăn trong những chuyến hành quân, chiến đấu hay công tác dài ngày tại mặt trận phía Nam, căn cứ Chiến khu Đ từ tháng 1-1974 đến ngày 30-4-1975. Kỷ vật được ông lưu giữ cho đến lúc ông mất (năm 2002), sau đó được vợ ông là bà Nguyễn Thị Nghĩa cất giữ làm kỷ niệm. Trên nắp cà men có khắc dòng chữ “Đại thắng mùa xuân 75” và hình ngôi sao 5 cánh.

Sáng 4-12, Bảo tàng Đồng Nai đã tổ chức khai mạc triển lãm Ký ức và kỷ vật thời chiến nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2020). Triển lãm trưng bày hơn 200 hình ảnh, hiện vật trong kháng chiến cũng như những trang thư gửi về từ chiến trường miền Đông Nam bộ và hậu phương gửi ra tiền tuyến. Triển lãm trưng bày, phục vụ các tầng lớp nhân dân tham quan, tìm hiểu đến hết ngày 15-1-2021.

Đó còn là chiếc bình toong - chiến lợi phẩm của ông Phùng Văn Nhữ thu được trong đợt chống càn tháng 12-1969 tại căn cứ cách mạng núi Sóc Lu. Sau khi giành thắng lợi, quân ta thu gom được rất nhiều chiến lợi phẩm của Mỹ. Bình toong là minh chứng lịch sử ghi dấu chiến công của đội du kích xã Bàu Hàm, H.Thống Nhất. Ông Phùng Văn Nhữ đã sử dụng bình toong để đựng nước trong những ngày kháng chiến cho đến lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Chiếc la bàn của ông Dương Ngọc Út ngụ tại xã Phước Thái, H.Long Thành trưng bày trong bảo tàng do ông thu được khi tham gia trận chống càn vào Lữ đoàn 173 của Mỹ (tại chòi Đông, H.Long Thành, nay là xã Bình Sơn, H.Cẩm Mỹ). Sau khi thu được, ông Út tận dụng để tiếp tục sử dụng và thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị thuộc Đại đội 12 (Đại đội pháo binh), Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 thuộc Quân khu 7 chiến đấu trên chiến trường Biên Hòa - Long Thành từ năm 1965 đến ngày đất nước thống nhất.

Theo ông Dương Ngọc Út, giai đoạn 1965-1975, chiếc la bàn là vật dụng quan trọng trong hoạt động ở đơn vị pháo binh của ông. Đặc biệt, sau năm 1968, địch bủa vây, càn quét liên tục, hoạt động cách mạng của ta thời gian này phải bí mật. Vừa chỉ đạo, vừa xây dựng căn cứ, vừa chiến đấu. Ngoài ra, bộ đội còn phải di chuyển liên tục trong vùng rừng để hoạt động cách mạng. Vì vậy, chiếc la bàn là vật dụng để xác định hướng đi và tọa độ trên bản đồ tác chiến để tập kích quân địch.

* ...Đến những trang thư xúc động

Nếu trong chiến tranh, những dòng thư mà người lính gửi về quê nhà cho gia đình, cho bạn bè hay người yêu đều rất đỗi riêng tư thì hiện nay, khi chiến tranh đã lùi xa, những bức thư tay ấy đã trở thành “di sản” tinh thần quý giá. Mỗi dòng thư là những dòng cảm xúc chân thực nhất từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, có sự phơi phới của niềm lạc quan chiến thắng, có ăm ắp nỗi nhớ niềm yêu, và cũng có cả những phút giây buồn thương, đau đớn...

Trong thư chị Chín Lý gửi thăm chị Hai ngày 31-3-1971 đã bày tỏ: “Anh Hai hy sinh trong giai đoạn sắp kết thúc chiến tranh, giờ phút cuối cùng của anh Hai và Sơn rất dũng cảm. Anh em còn phải học tập gương dũng cảm của anh Hai và Sơn, bản thân em luôn nỗ lực phấn đấu trả thù cho anh Hai và Sơn. Còn kẻ thù thì hạnh phúc và tình nghĩa chị em, anh em còn bị chúng cướp mất”.

Hay trong thư anh Trần Minh Hải gửi người yêu nơi xa, ngày 16-8-1972 có viết: “Em thương nhớ! Một điều rất tiếc là khi cuộc chiến chưa thanh bình, quê hương còn chìm đắm trong khói lửa, bão táp, nhiều đứa trẻ phải xa cha, chồng cách vợ thì tình thương mình làm sao có được hạnh phúc hỡi em. Ngày này, năm này trên quê hương đất mẹ tiếng súng quân thù còn vang nổ, đường kháng chiến còn đây, anh là người chiến sĩ còn phải trải thân mình ngoài mưa bom bão đạn, hy sinh và thương tật nó đã nằm trong quy luật cuộc chiến”.

Theo Bảo tàng Đồng Nai, để có được một hiện vật, lá thư trưng bày trong triển lãm, người làm công tác sưu tầm phải tiến hành nghiên cứu, tìm các tài liệu và lập kế hoạch sưu tầm chi tiết, lập hồ sơ pháp lý và hồ sơ khoa học bám sát quy chế, quy định của Nhà nước. Qua đó, đưa các câu chuyện lịch sử đến gần nhân dân, nhất là giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về những hy sinh, gian khổ nhưng đầy anh dũng, tự hào của cha ông. Từ đó, tiếp bước và có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.              

Ly Na

Tin xem nhiều