Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiết chế văn hóa cơ sở thời công nghệ số

10:11, 16/11/2020

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bên cạnh việc mang đến nhiều thuận lợi trong tiếp nhận các giá trị văn hóa cũng tạo ra những rào cản lớn trong hoạt động của thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bên cạnh việc mang đến nhiều thuận lợi trong tiếp nhận các giá trị văn hóa cũng tạo ra những rào cản lớn trong hoạt động của thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Học sinh Trường THPT Phú Ngọc (H.Định Quán) đọc sách, tìm hiểu kiến thức văn hóa tại Nhà văn hóa. xã Phú Ngọc. Ảnh: Ly Na
Học sinh Trường THPT Phú Ngọc (H.Định Quán) đọc sách, tìm hiểu kiến thức văn hóa tại Nhà văn hóa. xã Phú Ngọc. Ảnh: Ly Na

Điều dễ dàng nhận thấy là tình trạng người dân, nhất là công nhân lao động tự nguyện đến sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa chưa nhiều. Do vậy, việc phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trong thời công nghệ số phát triển hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

* Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù tổ chức nhiều sinh hoạt nhưng thực tế hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh nhiều nơi vẫn còn đơn điệu, chưa thu hút được các tầng lớp nhân dân tại cộng đồng dân cư tham gia.

Theo Phòng Văn hóa - thông tin H.Xuân Lộc, hiện nay các phong trào quần chúng về hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở tuy được quan tâm nhưng phát triển chưa ổn định, không đồng đều và chất lượng chưa cao. Do khó khăn về kinh phí hoạt động, nội dung công tác còn hạn chế, vận động xã hội hóa còn gặp khó khăn nên chỉ mới tập trung vào một số hoạt động mang tính thời điểm, trọng điểm.

Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TTDL), chỉ tính hệ thống thiết chế văn hóa thể thao do ngành Văn hóa quản lý đến thời điểm hiện tại trên cả nước có 67 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 683 thiết chế cấp quận, huyện; 7.194 thiết chế cấp xã, phường, thị trấn; 75.327 làng, thôn, bản, ấp có nhà văn hóa. Riêng Đồng Nai có 11 trung tâm văn hóa thông tin - thể thao cấp huyện, 143 trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng cấp xã, 846 nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố; 14 nhà văn hóa dân tộc. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán Thiều Quang Tân cho biết, hiện nay bộ máy tổ chức của các thiết chế văn hóa ở cơ sở còn mỏng và yếu, đa phần đều kiêm nhiệm. Nhận thức và hành động một số nơi về công trình văn hóa, thể thao, nhất là nhà văn hóa ấp chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ để trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho người dân. Việc phối hợp tổ chức các hoạt động tại trung tâm, nhà văn hóa chưa thống nhất cao, thiếu chặt chẽ. Công tác xã hội hóa còn hạn chế do cơ chế ràng buộc dẫn đến nhà đầu tư không an tâm khi đầu tư các công trình thể thao.

Theo Phòng Văn hóa - thông tin H.Long Thành, hầu hết các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện qua thời gian sử dụng, mặc dù đã được chính quyền địa phương thường xuyên tu bổ, sửa chữa nhưng một số trung tâm, nhà văn hóa hiện đã xuống cấp. Nhiều thiết chế văn hóa ở các xã như: Bình Sơn, Lộc An, Phước Bình, Tam An xây dựng lại nằm xa khu dân cư, gây khó khăn cho việc thu hút nhân dân đến sinh hoạt. Đặc biệt, các trang thiết bị như: âm thanh, hệ thống đèn, chiếu sáng, bàn ghế qua thời gian sử dụng một số lượng lớn đã bị hư hỏng, xuống cấp không thể sử dụng được nữa.

Cán bộ Phòng Văn hóa - thông tin H.Long Thành Đặng Quang Phước bày tỏ: “Tại các thiết chế văn hóa, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mang bản sắc dân tộc, tập quán sinh hoạt truyền thống hầu như đã bị mai một, chỉ còn một số rất ít các hoạt động truyền thống còn duy trì như: lễ hội Sayangva, ẩm thực dân tộc và một vài điệu múa. Bên cạnh duy trì các hoạt động theo truyền thống, đồng bào người Chăm, Chơro, S’tiêng… còn sinh hoạt theo lối sống của người Kinh. Tuy nhiên, các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa, thể thao mang bản sắc dân tộc cần phải được Nhà nước hỗ trợ đồng bào mới tổ chức được”.

* Phát huy các nguồn lực

Để phát huy hiệu quả các thiết chế trong thời công nghệ số phát triển hiện nay, theo Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa Võ Thị Huỳnh Mai, việc đổi mới nội dung, chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân tại các thiết chế văn hóa là hết sức cần thiết. Tại các phường: Bình Đa, Quyết Thắng, Long Bình Tân, Trung Dũng… các trung tâm đã phát huy cao phương thức lấy thu bù chi (cho thuê địa điểm và huy động các nguồn tài trợ của xã hội); đồng thời đa dạng hóa các loại hình hoạt động thu hút nhân dân, nhất là thanh thiếu niên đến vui chơi, sinh hoạt giải trí.

“Nhằm thu hút người dân đến các thiết chế văn hóa sinh hoạt, TP.Biên Hòa đã và đang huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ ở các trung tâm, nhà văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa nhằm đầu tư, lắp đặt các dụng cụ thể thao ngoài trời, nhân rộng các mô hình CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao… giúp người dân rèn luyện sức khỏe, tinh thần, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội” - bà Võ Thị Huỳnh Mai chia sẻ.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, có một bộ phận thiết chế văn hóa ở các xã, ấp, khu phố hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Bởi vậy, trong định hướng hoạt động, ngành Văn hóa đã xác định rõ trách nhiệm của từng tuyến đối với các thiết chế văn hóa.

Với các thiết chế văn hóa ở tuyến tỉnh, ngành sẽ thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa hằng năm; đưa các hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi, giải trí cấp tỉnh về cơ sở. Với tuyến huyện trực tiếp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phải chỉ đạo các thiết chế tổ chức thường xuyên, liên tục và nâng cao hiệu quả của các hoạt động. Còn tuyến xã là tuyến trực tiếp quản lý toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, kinh phí, phải từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục kêu gọi xã hội hóa, tổ chức tốt các hoạt động phục vụ nhân dân.

“Riêng với Sở VH-TTDL, trong nhiệm kỳ 2020-2025 Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy để đưa vào nhóm chỉ tiêu mới so với trước đây, đó là nhóm chỉ tiêu hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở. Trong đó, nêu rõ với các thiết chế văn hóa cấp xã, phường, thị trấn 100% phải hoạt động hiệu quả. Với nhà văn hóa ấp, khu phố 90% phải hoạt động hiệu quả. Sở đưa nhóm chỉ tiêu này vào để thấy được trách nhiệm của hệ thống chính trị của địa phương, từ đó có sự quan tâm hơn nữa để nâng cao hiệu quả hoạt động” - ông Lê Kim Bằng nhấn mạnh.

Ly Na

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích