Báo Đồng Nai điện tử
En

Sôi nổi phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở

10:10, 09/10/2020

Nhằm mang đến nhiều sân chơi cho các tầng lớp nhân dân sau dịch Covid-19, ngành Văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn nghệ, thể thao.

Nhằm mang đến nhiều sân chơi cho các tầng lớp nhân dân sau dịch Covid-19, ngành Văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn nghệ, thể thao.

CLB Dân ca quê hương (xã An Viễn, H.Trảng Bom) thường xuyên tổ chức sinh hoạt, giao lưu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Ảnh: M.Ny
CLB Dân ca quê hương (xã An Viễn, H.Trảng Bom) thường xuyên tổ chức sinh hoạt, giao lưu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Ảnh: M.Ny

Các hội thi, hội diễn góp phần tạo niềm vui và phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt khi nhiều sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước đang đến gần.

* Khởi sắc...

TP.Biên Hòa là địa phương có phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh. Hiện thành phố có 18 CLB văn hóa văn nghệ sinh hoạt định kỳ mỗi tuần 2 buổi với sự tham gia của hơn 150 người; 50 CLB thể dục thể thao như: dưỡng sinh, võ taekwondo, bóng chuyền, yoga...thường xuyên tổ chức giao lưu qua các hội thi, hội diễn.

Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các hoạt động tập trung đông người nhưng trong 9 tháng của năm 2020, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hàng trăm hội thi, hội diễn như: hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh, hội thi tuyên truyền lưu động, hội thi bolero; chiếu phim miễn phí. Các hoạt động biểu diễn có sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh, cán bộ ấp, khu phố, các hội đoàn thể…

Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Cao Thép cho biết, phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, đang từng bước khởi sắc. Biểu diễn ở cơ sở không chỉ góp phần tích cực trong tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước mà còn bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa địa phương.

Hiện, trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố hoạt động rất tích cực, đẩy mạnh thông tin lưu động về với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Điển hình như các huyện: Cẩm Mỹ, Long Thành, Định Quán… có hàng trăm mô hình CLB, đội nhóm văn nghệ ở các ấp, khu phố cũng hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như: CLB Quan họ (H.Trảng Bom), CLB Dân ca hương quê (TP.Biên Hòa), CLB đờn ca tài tử H.Nhơn Trạch…

* Cần được quan tâm nhiều hơn

Thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, anh Nguyễn Bòn (cán bộ Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Cẩm Mỹ) cho rằng, không khỏi chạnh lòng khi một số chương trình được đầu tư công phu, chất lượng nhưng có ít khán giả đến xem.

“Không chỉ các chương trình của cơ sở mà có những chương trình lớn cấp tỉnh tổ chức, số lượng khán giả chỉ vài chục người theo dõi. Điều này khiến những người làm công tác văn hóa, văn nghệ rất trăn trở” - anh Bòn chia sẻ.

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay khiến một bộ phận, nhất là người trẻ, dường như đang thờ ơ với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống. Nhiều người cho rằng, đời sống văn hóa, văn nghệ ở cơ sở tập trung phần lớn vào độ tuổi từ 40-70.

Tuy nhiên, để phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở ngày càng lan tỏa, theo anh Đặng Quang Phước, cán bộ Phòng Văn hóa thông tin H.Long Thành, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trong các tầng lớp nhân dân. Đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân.

“Ngoài việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các hoạt động biểu diễn thì cần mở các lớp tập huấn; phát hiện, nuôi dưỡng hạt nhân phong trào ở cơ sở…nhằm phát huy khả năng sáng tạo trong nhân dân” - anh Phước chia sẻ.

My Ny

Tin xem nhiều