Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng đời sống văn hóa ở Đồng Nai: Những dấu ấn...

09:09, 03/09/2020

Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, các di tích lịch sử được chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống hiện đại; các loại hình nghệ thuật và làng nghề truyền thống được quan tâm, hồi sinh mạnh mẽ…

Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, các di tích lịch sử được chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống hiện đại; các loại hình nghệ thuật và làng nghề truyền thống được quan tâm, hồi sinh mạnh mẽ…

Đồng Nai thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Trong ảnh: Người dân ở TP.Long Khánh tham gia trò chơi dân gian. Ảnh: L.Na
Đồng Nai thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Trong ảnh: Người dân ở TP.Long Khánh tham gia trò chơi dân gian. Ảnh: L.Na

Đó là những kết quả nổi bật trong xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà ngành Văn hóa đạt được trong thời gian qua. Những kết quả trên góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, khơi dậy niềm tự hào của người Biên Hòa - Đồng Nai, từng bước củng cố, hoàn thiện và phát triển các giá trị văn hóa.

* Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa

Theo Sở VH-TTDL, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã và đang có những bước chuyển biến tích cực, toàn diện. Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến. Đáng ghi nhận là các hủ tục lạc hậu từng bước được hạn chế và xóa bỏ. Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước văn hóa cộng đồng, văn hóa công sở dần đi vào chiều sâu. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao.

Năm 2019, Đồng Nai có 95% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa; 98,01% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 95,02% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Tính đến tháng 8-2020, toàn tỉnh có 99,96% hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 100% ấp, khu phố đăng ký đạt chuẩn văn hóa. Nhiều mô hình văn hóa tự quản ở cộng đồng như: Ngày thứ bảy vì cộng đồng; Phường đạt chuẩn văn minh đô thị, Tổ dân phố không rác; Tổ dân phố không tệ nạn ma túy, mại dâm… được hình thành, phát triển ở các địa phương.

Hệ thống các thiết chế văn hóa ở Đồng Nai ngày càng được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn văn hóa các dân tộc. Tại 11 huyện và thành phố, có hàng chục công trình nhà văn hóa cơ sở được xây mới theo đúng tiêu chuẩn, trở thành điểm hẹn sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, phong trào xã hội hóa thiết chế văn hóa được các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh, thu hút các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư, xây dựng.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Đồng Nai được chú trọng. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.500 di tích phổ thông, 57 di tích xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Chỉ tính riêng 8 tháng của năm 2020, nhiều di tích đã được chấp thuận chủ trương trùng tu, tôn tạo như: Di tích Văn miếu Trấn Biên, mộ cự thạch Hàng Gòn; Khu ủy miền Đông Nam bộ, Địa đạo Suối Linh… Một số công trình đã được đầu tư, tôn tạo nâng cấp, trở thành điểm đến du lịch, địa chỉ đỏ về nguồn tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết, trong quá trình thực hiện các nghị quyết của tỉnh trên lĩnh vực văn hóa thời gian qua, điểm nổi bật nhất mà ngành đạt được là hệ thống thiết chế được đầu tư đồng bộ thông qua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh bước đầu đi vào chiều rộng và chiều sâu, có sức mạnh lan tỏa thẩm thấu đến từng gia đình, cộng đồng dân cư. Phong trào đã góp phần đắc lực nâng cao đời sống kinh tế, xã hội, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để giáo dục, bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp của người Đồng Nai.

“Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và địa phương, đời sống văn hóa, văn minh từ thành thị đến nông thôn; từ công sở đến nơi công cộng, từ gia đình ra ngoài xã hội trên địa bàn tỉnh đã từng bước được định hình,  nâng cao hiệu quả” - ông Lê Kim Bằng nhấn mạnh.

* Cần nỗ lực hơn nữa

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn và hạn chế. Ở nhiều điểm công cộng vẫn còn những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; hoạt động treo, dán quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định được kiểm tra và xử lý nhưng chưa hoàn toàn dứt điểm. Một số chương trình trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng báo cáo theo thành tích. Hệ thống thiết chế văn hóa tuy được đầu tư đồng bộ, nhưng nhiều địa phương phân bố chưa hợp lý, xa khu dân cư...

Đồng bào Tày, Nùng ở H.Tân Phú tổ chức sinh hoạt văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Ảnh: L.Na
Đồng bào Tày, Nùng ở H.Tân Phú tổ chức sinh hoạt văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Ảnh: L.Na

Cũng theo Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng, nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, ngành Văn hóa đã tham gia vào dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 trên cả ba lĩnh vực: văn hóa, thể thao và du lịch. Tất cả những lĩnh vực này ngành cũng đều đề cập tới những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, tạo bước đột phá về chất so với nhiệm kỳ 2015-2020.

“Về lĩnh vực văn hóa, điều ngành quan tâm nhất là hiệu quả, chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa ở cơ sở. Ngành cũng tập trung đi sâu, đi sát vào chất lượng của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, không chú trọng hình thức. Hệ thống chỉ tiêu đã thấp hơn các năm trước. Thấp hơn không có nghĩa là đi thụt lùi mà đi vào thực chất để phản ánh đúng, từ đó mới thấy hiệu quả thực sự của phong trào, tác dụng như thế nào đối với việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian tới” - ông Lê Kim Bằng nói.

Việc đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực văn hóa đã và đang được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức trong cộng đồng dân cư. Điều này cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là sự tham gia tự nguyện, tích cực của mỗi người dân để cùng chung sức, đồng lòng tạo lập môi trường sống vừa văn minh, hiện đại, vừa giữ gìn được sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Qua đó, bảo tồn, phát huy được những nét văn hóa truyền thống của mỗi làng quê trong quá trình phát triển.

Ly Na

Tin xem nhiều