Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyễn Trí với Ma bùn, lưu manh và những câu chuyện khác

09:08, 03/08/2020

Cuốn sách gồm 15 truyện ngắn do NXB Trẻ ấn hành. Bạn đọc quen với Nguyễn Trí sẽ thấy ông vẫn giữ bút pháp quen thuộc: thô mộc, cười cợt, nhưng đằng sau mỗi con chữ là tiếng thở dài, nỗi buồn của tác giả trước thân phận bèo bọt của những người bị 101 lý do xô đẩy xuống đáy cùng của xã hội.

Cuốn sách gồm 15 truyện ngắn do NXB Trẻ ấn hành. Bạn đọc quen với Nguyễn Trí sẽ thấy ông vẫn giữ bút pháp quen thuộc: thô mộc, cười cợt, nhưng đằng sau mỗi con chữ là tiếng thở dài, nỗi buồn của tác giả trước thân phận bèo bọt của những người bị 101 lý do xô đẩy xuống đáy cùng của xã hội.

Bìa sách Ma bùn, lưu manh và những câu chuyện khác
Bìa sách Ma bùn, lưu manh và những câu chuyện khác

Ma bùn, lưu manh và những câu chuyện khác lấy bối cảnh những năm 70 của thế kỷ trước, hòa bình mới được lập lại, dân tứ chiếng, trong đó có lính chế độ cũ dạt về các vùng kinh tế mới, sống bằng đủ cách, bất chấp pháp luật. Truyện đề cập đến nhiều số phận, nhiều tính cách, mỗi nhân vật sa cơ, tụột dốc và nhận lãnh hậu quả theo những cách khác nhau.

Minh Tàn “lăn lê bò toài” qua nhiều nghề: khai thác mây tre trong rừng, dạt về phố thị bán vé số, chạy xe ôm. Chị em Lan - Thúy dân Sài Gòn đi kinh tế mới, không quen lao động nhưng thế cùng phải lượm than hoa, làm rẫy mướn. Minh Bay vốn là thợ hớt tóc, có thói “trộm đạo” lấy của công làm của tư, lấy của người làm của mình. Cần là con em cán bộ miền Nam tập kết, tha hóa biến chất, tiếp tay cho bọn buôn lậu, xà xẻo của công. Nghị là lính đi nghĩa vụ, ra quân về làm phó cho sếp giám đốc lâm trường, sa vào rượu chè hút xách. Những con người ấy lặn ngụp dưới đáy xã hội, sống không nghĩ đến ngày mai. Họ vùi đầu vào trò đỏ đen, lừa lọc, xâu xé, hãm hại nhau, cuối cùng đều phải trả giá, nặng hay nhẹ, có hậu hay không tùy thuộc vào những việc họ làm lúc sa cơ lỡ vận.

Minh Bay sau thời gian ngồi tù, trốn trại ra ngoài, chấp nhận cảnh sống chui nhủi. Minh Tàn giãy giụa kiểu gì cũng không thoát nổi cảnh nghèo. Cần hết thời ỷ quyền thế, xà xẻo vật tư xây dựng, vì gây thù chuốc oán mà sự vụ đổ bể, bị kỷ luật, phải bán nhà trả nợ. Ma men Nghị thì cuối đời sống vất vưởng không vợ con. Chị em Lan may mắn thoát khỏi cảnh làm mướn cực nhọc, quay lại trả nghĩa cho người từng giúp mình trong hoạn nạn… Mỗi nhân vật một hoàn cảnh nhưng có điểm chung: quay cuồng kiếm ăn, níu lấy những cơ hội để vá víu, thay đổi số phận nhưng đều thất bại bởi không bằng cấp, tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu, bị người đời chối bỏ. Có những nhân vật được tác giả xây dựng xuyên suốt nhiều truyện ngắn như: Minh Tàn, Minh Bay...

Bần cùng, đói rách, sa ngã và trả giá… vốn là thế giới nhân vật quen thuộc trong các tập truyện ngắn của Nguyễn Trí. Nhưng ở Ma bùn, lưu manh và những câu chuyện khác, tác giả vẫn phát huy sở trường thu hút bạn đọc nhờ vô số tình tiết sinh động, lối kể chuyện tự nhiên, lôi cuốn và kết thúc bất ngờ. Truyện ngắn Con luốc viết về chú chó thông minh, sống giữa đám du thủ du thực nhưng con vật yêu ghét rạch ròi, sẵn sàng chia sẻ cuộc sống vất vả, đầy bất trắc của con người. Câu chuyện kết thúc bất ngờ khi Luốc tự nguyện để chủ bắt trói, mang đến lò mổ bán lấy tiền đưa vợ đi bệnh viện. Qua hành động quên mình cứu chủ của con Luốc, Nguyễn Trí đúc kết một câu đậm “thế thái nhân tình”: “Đời sống của chúng ta có lắm súc sinh đội lốt người. Nhưng con luốc người lắm bạn ạ” (Con luốc - tr 22). 

Vịt quay kể về cuộc hội ngộ bất ngờ của Minh Tàn với 2 chị em Lan và Thúy. Họ gặp lại nhau khi Lan, Thúy đã khá giả, 2 chị em trả ơn Minh Tàn bằng… con vịt quay, món ăn Lan thèm khát hồi mang bầu trong rừng và được Minh Tàn mua cho ăn. Minh Tàn nổi danh “chịu chơi nhưng không chơi chịu”, bóp mồm bóp miệng mua vịt quay cho bà bầu, mua sữa Ông Thọ cho đứa bé con của Lan, tính cách hào hiệp của anh ta khiến bạn đọc rưng rưng, nó cho thấy trong bất kỳ cảnh huống nào tình người vẫn luôn lấp lánh.

Ông Năm lựu đạn - nhân vật trong  Ngày về là một nhân vật tính cách rặt nông dân Nam bộ. Lỡ nóng nảy đánh người, làm anh ta bị rớt 4 cái răng, ông đền cho nạn nhân tiền trồng răng và nói: “Tao chỉ làm rớt 4 cái nay cho mày 6 cái luôn, vậy là lời rồi” (Ngày về - tr 86). Cũng chính Năm lựu đạn đã giúp gia đình Chí Nhịt Hói tìm ra hài cốt anh ta chết dưới hầm đào vàng nhưng dứt khoát không chịu nhận thù lao vì “đã giúp mà lấy công cũng như không”. Những chi tiết nhỏ được Nguyễn Trí sử dụng rất đắt, làm cho tính cách nhân vật nổi bật lên như được đẽo, gọt bằng con dao sắc vậy.

Nếu tập sách chỉ kể về “ma bùn, lưu manh” thì không có gì mới, chỉ là nói về sự tha hóa của con người. Điều làm nên giá trị của các truyện ngắn của Nguyễn Trí chính là ở “những câu chuyện khác”, đó là “tính người” thắng thế trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, khi bản năng sống và phần nhân tính trong các nhân vật giằng co, đối chọi nhau. Cuốn sách là một nỗ lực mới, thành công mới của Nguyễn Trí trên hành trình khai phá, tìm hiểu những bí ẩn sâu xa trong tâm hồn con người.

Hoàng Ngọc Điệp

Tin xem nhiều