Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân

10:07, 13/07/2020

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh những năm qua đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, khơi gợi được tiềm năng, sức mạnh và sự hợp lực của nhân dân.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh những năm qua đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, khơi gợi được tiềm năng, sức mạnh và sự hợp lực của nhân dân.

Đường Huỳnh Văn Nghệ (P.Bửu Long) là một trong những con đường sáng - xanh - sạch - đẹp của TP.Biên Hòa
Đường Huỳnh Văn Nghệ (P.Bửu Long) là một trong những con đường sáng - xanh - sạch - đẹp của TP.Biên Hòa

Qua phong trào, diện mạo đời sống văn hóa các vùng quê dần thay đổi, nhiều nét đẹp trong cộng đồng dân cư được gìn giữ, phát huy. Từ đó, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

* Sức bật từ sự đoàn kết

Là xã nằm ở phía Tây Bắc H.Nhơn Trạch, Phú Hữu không chỉ được biết đến là địa phương có lịch sử hào hùng trong chiến tranh mà còn năng động, sáng tạo trong thời bình, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Năm 2015, xã Phú Hữu được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh. Hiện, xã Phú Hữu đã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao. Để có được kết quả này, xã Phú Hữu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân bằng nhiều hình thức, tạo được sự đồng thuận, đồng tình hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, người dân xã Phú Hữu phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện trong quá trình thực hiện. Nhiều hộ dân đã hiến hàng ngàn m2 đất, đóng góp tiền và ngày công lao động để xây dựng các công trình đường giao thông, nhà văn hóa ấp, đầu tư cơ sở vật chất trường học... Nhờ vậy, hạ tầng giao thông nông thôn được mở rộng. Các con đường, ngõ xóm được người dân trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan, nâng cao diện mạo nông thôn mới.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2020, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các nội dung của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, 11/11 huyện, thành phố có tỷ lệ 100% ấp, khu phố đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 9/11 huyện, thành phố có tỷ lệ 100% gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Các hoạt động của phong trào được triển khai sâu rộng gắn với nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở cơ sở. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân”.

Tỷ lệ người có việc làm thường xuyên trong độ tuổi lao động ở xã Phú Hữu đạt 99,18%. Tỷ lệ lao động có việc làm được đào tạo hiện nay là 2.277/3.138 người, đạt 72,56%. Kinh tế đang chuyển dần từ nông nghiệp nông thôn sang nông nghiệp đô thị, thương mại dịch vụ mang lại hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người ở xã Phú Hữu không ngừng được cải thiện và tăng dần theo từng năm. Hiện, xã có 1 trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng và 4 nhà văn hóa ấp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững ổn định; hệ thống chính trị được kiện toàn, hoạt động hiệu quả.

Ấp Long Đức 1 (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cũng là điểm sáng trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ông Nguyễn Công Phẩm, cán bộ Mặt trận ấp cho biết, góp sức xây dựng nông thôn mới, từ năm 2013 người dân tích cực hiến đất làm đường giao thông nông thôn, cải tạo hệ thống kênh mương, xây dựng khu văn hóa thể thao ấp với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Đời sống vật chất được cải thiện, người dân hào hứng tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

“Từ việc xây dựng nông thôn mới gắn với văn hóa mới, nhân dân ấp trong đã có đời sống ổn định và từng bước phát triển theo hướng dịch vụ buôn bán, thủ công mỹ nghệ, đa dạng hóa các ngành nghề. Ấp đã có hạ tầng giao thông đạt chuẩn (100% cứng hóa và trên 95% được nhựa hóa và bê tông hóa). Môi trường sinh thái ngày càng xanh - sạch - đẹp; đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được cải thiện, an ninh xã hội được đảm bảo...” - ông Phẩm chia sẻ.

Xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) cũng là một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh và là địa phương có bề dày gần 20 năm thực hiện phong trào với nhiều dấu ấn tốt đẹp. Còn nhớ, sau khi đất nước thống nhất, Hưng Lộc là một xã thuần nông nghèo, thiếu thốn đủ bề. Điệp khúc “được mùa mất giá” cho đến giờ vẫn chưa thôi ám ảnh nông dân Hưng Lộc nói riêng và nông dân Đồng Nai nói chung. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, xã Hưng Lộc đã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới vào năm 2014 và trở thành xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh.

Hiệu quả lớn nhất trong việc xây dựng nông thôn mới ở xã Hưng Lộc có lẽ chính là làm cho người nông dân sống hạnh phúc trên chính mảnh đất của mình, họ không chỉ muốn thoát nghèo mà còn muốn thay đổi, bứt phá. Điều này thể hiện qua việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào, trong đó có xây dựng gia đình kiểu mẫu, tổ nhân dân kiểu mẫu. Nhiều cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả rõ nét như: vận động người dân dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải; làm trụ cờ đúng quy cách; thắp sáng các tuyến đường vào ban đêm; tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế...

* Nâng cao chất lượng đời sống tinh thần

Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, những năm qua TP.Biên Hòa đã vươn lên trở thành đô thị loại I. Không chỉ chú trọng phát triển về kinh tế, TP.Biên Hòa ngày càng quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của người dân. Thiết chế văn hóa được các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư xây dựng. Hằng năm, thành phố tổ chức nhiều hội thi, liên hoan như: ấp, khu phố văn hóa, tuyến đường xanh - sạch - đẹp. Trong đó, có các tuyến đường nổi bật: đường Huỳnh Văn Nghệ (P.Bửu Long); đường Đặng Văn Trơn (P.Hiệp Hòa); đường Dương Tử Giang (P.Tân Tiến); tuyến đường liên tổ 19, 21, 22 (KP.1, P.Long Bình Tân)...

Đặc biệt, TP.Biên Hòa đã xây dựng, chỉnh trang không gian phố đi bộ Nguyễn Văn Trị (P.Hòa Bình) và đưa vào hoạt động từ năm 2017 với những mảng xanh bên dòng sông Đồng Nai. Những năm qua, phố đi bộ trở thành điểm vui chơi, giải trí, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Ngoài những đêm diễn tự do của học sinh, sinh viên trên địa bàn, Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Biên Hòa còn xây dựng nhiều chương trình giao lưu văn nghệ (ca múa, độc tấu âm nhạc) với sự tham gia của các CLB, đội nhóm... phục vụ người dân và du khách tham quan.

Ở các vùng quê nông thôn, đời sống văn hóa cũng có nhiều đổi thay mặc dù đời sống vật chất vẫn còn khó khăn. Chẳng hạn như, H.Vĩnh Cửu là vùng đất bạc màu, hoang hóa. Sau giải phóng, nhân dân H.Vĩnh Cửu đã đồng lòng, đoàn kết phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng quê hương ngày một phát triển. Hiện, toàn huyện đã xây dựng được 1 trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao, 1 thư viện huyện, 1 nhà văn hóa kết hợp triển lãm huyện, 11/12 trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã, đạt tỷ lệ 91,67%; 54/65 nhà văn hóa ấp. Nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ được tổ chức, thu hút sự tham gia của người dân địa phương.

Việc chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cho nhân dân đã khơi dậy những truyền thống tốt đẹp trong mỗi ấp, khu phố, gia đình. Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân ở Đồng Nai vào buổi sáng tinh mơ hay những chiều tà tham gia tập thể dục, vui chơi tại các công viên, phố đi bộ... Cũng không khó bắt gặp hình ảnh người dân đồng thuận, vun đắp xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục con cháu tập trung học hành, lao động sản xuất. Tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt, quốc phòng - an ninh của địa phương được giữ vững... Đó thực sự là những giá trị cốt lõi cần tiếp tục được bồi đắp và phát huy.     

My Ny

Tin xem nhiều