Báo Đồng Nai điện tử
En

Già làng về cõi Yang

09:05, 03/05/2020

Già làng Năm Nổi đã tắt nghỉ lúc 6 giờ 10 ngày 2-5-2020, nói theo kiểu của Già: "Về cõi Yang". Tôi chỉ đến kịp để vuốt bộ râu mà Già thích được khen là giống râu Cụ Hồ.

Già làng Năm Nổi đã tắt nghỉ lúc 6 giờ 10 ngày 2-5-2020, nói theo kiểu của Già: “Về cõi Yang”. Tôi chỉ đến kịp để vuốt bộ râu mà Già thích được khen là giống râu Cụ Hồ.

Già làng Năm Nổi bên cây chà gạc từng cất giữ thư từ, tài liệu trong thời gian làm giao liên Ảnh: L.NA
Già làng Năm Nổi bên cây chà gạc từng cất giữ thư từ, tài liệu trong thời gian làm giao liên Ảnh: L.NA

[links()]Hỏi về tuổi Già: Giấy tờ ghi là sinh năm 1930, nhưng theo lời Già kể nhiều đồng bào còn nhớ, Già sinh năm Mậu Thìn, ứng với năm 1928. Sinh năm nào thì Già cũng là bậc trưởng lão của làng Lý Lịch, thọ 91tuổi, được đồng bào tin yêu, người người mến mộ. Nói về nguồn gốc của Già: Còn ý kiến khác nhau, nhưng nói cách nào thì Già cũng từ trong lòng dân tộc, mang giá trị văn hóa của đồng bào Chơro, cả đời tự hào, gìn giữ, trao truyền, kết nối để người Chơro ở ấp Lý Lịch được nhiều người biết đến, được thể hiện là chính mình trong vòng tay đại đoàn kết trong cộng đồng đa dân tộc Việt Nam. Bàn về lễ tang của Già, người trong gia đình, trong xã đồng lòng làm theo lời dặn minh mẫn, kỹ lưỡng của Già: Theo đời sống mới, đơn giản, không làm phiền cộng đồng; dấu hiệu tục lệ cổ truyền người Chơro còn lưu giữ là biểu trưng sừng tê giác trên nắp hòm, con heo kiến Già để tạ ơn, một vài thứ để bên mộ khi an táng.

Chỉ có một thứ Già không nhắc đến, đó là ban lễ tang. Vì Già không là đảng viên liên tục suốt hơn 50 năm, nhưng lại là người có Đảng, có Bác Hồ, có giá trị của đồng bào Chơro trong lòng suốt chặng đường dài, lại là người có ơn nghĩa rộng khắp nên nhiều người kiến nghị lập ban lễ tang theo kiểu của dân; nhưng lại có người không đồng ý “đề nghị thực hiện theo quy chế”. Ban lễ tang có hay không, gồm những ai thì đó không phải là việc của Già, và vẫn về cõi Yang, để lại trong lòng người niềm thương tiếc và giá trị sống còn.

Về thành tích kháng chiến, Già khiêm tốn, không kể hết, ít khi tự kể, nhất là kể về mình. Nội dung lý lịch tự ghi của Già do ông Danh lưu giữ vỏn vẹn không đầy 4 trang theo mẫu, chỉ bắt đầu từ năm 1957. Qua trao đổi với nhiều nhân chứng lịch sử, nhiều bậc lão niên kháng chiến, mới biết Già làng Năm Nổi cùng với đồng bào Chơro đã sống, chiến đấu, xây dựng, bảo vệ làng Lý Lịch, góp phần tạo nên thành tích của xã Phú Lý anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (được Nhà nước phong tặng theo Quyết định số 761/KT.CTN ngày 29-1-1996).

Theo ông Tư K’Lư (Già làng X’Tiêng ở Bù Cháp), thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, ở làng kháng chiến Lý Lịch “đã có Năm Nổi nhỏ con mà sức trâu”. Theo tài liệu về thành tích anh hùng của xã Phú Lý, tháng 1-1946, giặc Pháp theo đường sông lên đánh căn cứ cách mạng địa bàn miền núi; dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng, bà con dân tộc đã vận chuyển lương thực, thực phẩm, tên ná, bắt tên Huỳnh Văn Thôi tay sai của giặc Pháp giao cho cách mạng xử lý; đồng bào nhịn phần mình góp phần nuôi dưỡng đoàn C là đội võ trang tuyên truyền đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ quốc dân thiểu số Biên Hòa, nhiều thanh niên làng Lý Lịch hăng hái thoát ly, tham gia du kích; đến tháng 5-1947, ở Lý Lịch có 6 đảng viên Đảng Cộng sản: Huỳnh Văn Dó, Hồng Văn Hà, Hồng Văn Lượng, Huỳnh Văn Rạng, Hồng Văn Huế, Nguyễn Văn Ngộ. Các đảng viên vận động thanh niên trong làng, trong họ tham gia kháng chiến. Từ tháng 9 và 10-1951, ở xã, ngoài lực lượng chủ lực, xã có một tiểu đội vũ trang dưới sự chỉ huy của đồng chí Hai Ngộ - xã đội trưởng. Trong thời gian này, Năm Nổi bắt gặp nữ dân quân Hồng Thị Lịch độ tuổi trăng tròn, chắc là tuổi thanh niên đẹp nhất, hoạt động hăng hái nhất của Năm Nổi được ghi nhận từ đây.

Theo lời kể có nhiều người biết, dân quân kháng chiến làng Lý Lịch nghe đồn lính Pháp to cao, khó chết, không biết có đánh được không, Năm Nổi cùng khoảng 20 tay ná kéo nhau đến bót Cây Đào (Vĩnh Cửu) rình phục bắn lính Pháp. Mũi tên của đồng bào ngâm thuốc độc bằng vỏ cây sé, bắn trúng không chết, nhưng chỉ sau khoảnh khắc, máu sẽ ngưng lưu chuyển, tay chân tê dại, đến voi rừng cũng phải đổ vật ra. Lính Pháp trúng tên, lúc đầu không thấy gì, cười hơ hớ, vài phút sau ngã lăn ra, khóc la kêu trời. Nhóm tay ná kéo về, mừng rỡ, biết là đồng bào có thể đánh Tây được bằng giáo mác, tên ná.

Cuộc đời kháng chiến của Năm Nổi gắn với hoạt động của dân làng Chơro Lý Lịch: Vót chông, làm bẫy, dựng rào bảo vệ làng; trồng lúa, giã gạo, đào củ chụp, dân công, vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ bộ đội. Hết chống Pháp rồi lại đánh Mỹ, Năm Nổi cùng dân làng một lòng hướng về Bác Hồ, theo Đảng, làm cách mạng.

Tháng 7-1957, chi bộ Đảng của xã được thành lập, Năm Nổi làm Bí thư. Đây là một chi bộ độc lập đầu tiên ở miền Đông Nam bộ có nhiều đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, Năm Nổi trở thành hạt nhân đoàn kết nối nhịp giữa đồng bào dân tộc với các đơn vị bộ đội và căn cứ kháng chiến. Các đơn vị Đoàn 814, Đoàn 600, Quân khu 7 và bộ đội huyện, tỉnh đều có ghi công của Năm Nổi cùng dân làng Lý Lịch, và xem ông như “người nhà”. Năm 1966, Đoàn 814 xét tặng ông Bằng khen. Nhiều bằng khen, giấy khen khác ông không nhớ hết. Nhà nước cũng đã tặng nhiều huân huy chương cao quý. Có người hỏi: Ông Năm tự hào nhất về thành tích được khen thưởng gì? Ông không kể về những tấm huân chương, bằng khen, mà chỉ tay về một tờ giấy viết tay, không dấu đỏ, chỉ một dòng “Tặng ông Năm Củ chụp”, ký tên Võ Văn Kiệt. Ấy là kỷ niệm một lần ông Năm đưa đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Thủ tướng Chính phủ về đồi Củ Chụp, đào củ, ôn lại kỷ niệm xưa. Nickname “ông Năm Củ chụp” có từ đó. Kèm theo thư của đồng chí Võ Văn Kiệt là chai rượu, ông Năm xem là của quý, giữ kỹ, chỉ những người tâm giao mới được xem qua, (chưa được uống).

Của quý khác ông Năm cũng trân trọng lưu giữ trên bàn thờ đó là 2 viên sỏi trắng. Hai viên sỏi ấy ông “xin Bác Hồ” từ di tích K9 sau khi đẫm nước mắt nghe kể chuyện Bác Hồ lắng lòng theo tiếng chân của chiến sĩ bảo vệ. Trong lần đầu đi thăm Lăng Bác, trước di hài Bác, ông chắp tay quỳ sụp xuống, nước mắt ràn rụa, lời lẩm bẩm: “Bác ơi! Cả đời theo lời gọi của Bác, nay được thấy mặt Người! Bác ơi!”. Lòng thành của ông Năm gây cảm xúc, chiến sĩ cảnh vệ khó xử, ra hiệu cho đoàn người tránh đi để ông ngồi với Bác thêm chút nữa.

Chuyện về văn hóa, các nhà nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị về với Già Năm đều được Già tiếp đón ân cần, đáp ứng đầy đủ. Các giá trị thuộc văn hóa Chơro được Già kể lại, dẫn giải, phục hiện nhiệt thành. Có những nụ hôn nhồn nhột vì râu nhưng nhớ đời vì ấm tình thương mến (những Hai Một, Sáu Mùi, Năm Du, Tư Tới đều có cảm giác này). Ghi nhận công lao của Già, năm 2009, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng Già làng Nguyễn Văn Nổi danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam”.

 Tôi nhớ mãi, có lần cách đây 11 năm, hơn 30 nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thuộc 4 “hệ” về thăm Nhà dài, suốt đêm tranh luận không dừng về các giá trị văn hóa dân gian, trong đó có chuyện: Nên hay không nên công nhận các bài dân ca của đồng bào được ký âm theo 7 nốt nhạc Tây rồi “karaoke hóa” giao lại cho đồng bào. Việc này liên quan đến công trình kỳ công của nhạc sĩ Trần Viết Bính. Hôm sau, Huỳnh Văn Tới tổ chức cho cả đoàn cùng đồng bào xem công trình sưu tập dân ca Chơro, ký âm, chuyển thể karaoke của nhạc sĩ Trần Viết Bính, đến chỗ hào hứng, Già làng Năm Nổi hồn nhiên vỗ đùi kêu lên: “Nhạc sĩ Bính của mình giỏi thiệt!”. Huỳnh Văn Tới cho dừng ngay cuộc trình diễn: “Thưa quý thầy, câu nói của Già làng Năm Nổi liên quan đến vấn đề quý thầy đang tranh luận. Việc của đồng bào thì lấy đồng bào làm thước đo. Già làng Năm Nổi xác nhận nhạc sĩ Bính là của mình, thì sản phẩm nghiên cứu cũng được đồng bào công nhận của mình...”. Sau lần ấy, không bàn đến nội dung nên hay không nên karaoke dân ca nữa, nhiều thanh niên biết đến dân ca của mình, nhạc sĩ Trần Viết Bính nhận nhiều giải thưởng, và Già làng Năm Nổi thường vuốt râu mỉm cười khi nghe con cháu cất tiếng hát dân ca.

Vậy là, Già làng về với cõi Yang, không có gì bất ngờ, mọi thứ Già đã tính trước, chuẩn bị sẵn. Nhưng nỗi buồn mất mát vẫn nặng lòng với người thân. Những ai thương tiếc Già, chỉ có việc, tiếp tục làm cho giá trị văn hóa người Chơro sống đời như lòng Già hằng mong.               

Ong Mật

 

Tin xem nhiều