Báo Đồng Nai điện tử
En

Viết về những ngày tháng không thể quên

10:04, 28/04/2020

Xác định văn học - nghệ thuật luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ đến với công chúng, văn nghệ sĩ của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã trở những chiến sĩ chống giặc Covid-19 có hiệu quả.

Xác định văn học - nghệ thuật luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ đến với công chúng, văn nghệ sĩ của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã trở những chiến sĩ chống giặc Covid-19 có hiệu quả.

Văn nghệ sĩ chung tay phòng, chống Covid-19. Ảnh Minh họa: Đào Sỹ Quang
Văn nghệ sĩ chung tay phòng, chống Covid-19. Ảnh Minh họa: Đào Sỹ Quang

Bằng những tác phẩm thơ, văn, hội họa… sâu sắc và dí dỏm viết về những ngày tháng cách ly đáng nhớ, các nhà văn, nhà thơ đã kể những câu chuyện chân thực không thể quên trong dịch bệnh. Từ đó, cổ vũ cho toàn xã hội đoàn kết và có niềm tin cùng chung tay chiến thắng đại dịch.

* Dịch bệnh đi qua, thơ văn ở lại

Không tập trung giao lưu, tọa đàm thơ văn cho thiếu nhi, học sinh, sinh viên như những ngày trước mùa dịch, nhà văn Nguyễn Thái Hải thực hiện đúng quy định về cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài chơi đùa với cháu nội, chăm sóc vườn cây, ông thường xuyên vào internet cập nhật các tin tức thời sự trong nước và quốc tế, giao lưu với bạn bè. Thời gian còn lại, ông tập trung hoàn thành các tiểu thuyết, truyện ngắn đang dang dở.

Nhà văn Trần Thu Hằng, Chánh văn phòng Hội Văn học nghệ Đồng Nai cho biết: “Thời gian qua, Hội nhận được nhiều tác phẩm của hội viên có đề tài về dịch bệnh Covid-19. Điều đó khẳng định các hội viên luôn bám sát hơi thở cuộc sống. Hội tiếp tục động viên, khuyến khích các văn nghệ sĩ chắt lọc những hình ảnh, hình tượng từ cuộc chiến chống dịch này để sáng tác nên những tác phẩm có sức lay động”.

 

 “Những ngày vừa qua, tôi đã sáng tác được 2 truyện ngắn về tình trạng thực hiện cách ly xã hội. Với truyện Phố thời dịch dành cho người lớn, tôi kể về một gia đình cán bộ công chức, họ ở nhà để tuân thủ lệnh cách ly. Với truyện dành cho thiếu nhi, tôi kể về một học sinh lớp 9 phải nghỉ học dài ngày. Vì quá buồn, em đã trốn ra khỏi nhà. Tình cờ, em gặp nơi phát cơm miễn phí cho người nghèo nên đã xin tham gia, góp sức chung tay giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn” - nhà văn Nguyễn Thái Hải chia sẻ.

Với quan điểm văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, góp phần cổ vũ nhân dân vượt qua đại dịch, tác giả Đào Sỹ Quang đã sáng tác truyện ngắn Con gái và nước mắt. Truyện kể lại một cách chân thực cuộc sống của một gia đình lao động nghèo, người cha kiếm sống bằng nghề xem ôm và người mẹ làm kế toán của một khách sạn nhỏ. Theo lệnh cách ly xã hội, họ phải nghỉ làm. Thương cha mẹ, cô con gái những ngày nghỉ dịch ở nhà tự học bài và ôn bài. Tình cờ, người mẹ phát hiện ra trên bàn học của con có một bức tranh vẽ về bố và một bài văn nhỏ. Sau khi đưa cho chồng xem bức tranh và trang viết của con, người chồng chưa bao giờ nói một lời yêu thương cũng phải bật khóc…

“Trong đợt dịch Covid-19, tôi dành thời gian nhiều để viết truyện và vẽ, dự tính sẽ xuất bản tập truyện trong năm nay. Tôi cũng sáng tác một số truyện xoay quanh chủ đề cuộc sống của con người trong dịch bệnh. Tôi cũng đang hoàn thành các tranh vẽ và tập trung để xuất bản tác phẩm một cách sớm nhất. Tôi nghĩ rằng, mỗi người bằng khả năng của riêng mình đều có thể làm được điều gì đó, dù nhỏ bé, để cùng nhau đoàn kết chiến thắng dịch bệnh” - tác giả Đào Sỹ Quang nói.

Bám sát chủ đề chung tay phòng, chống dịch bệnh, tác giả Hoàng Đình Nguyễn đã sáng tác bài thơ Hơn cả sự sẻ chia. Tác giả đã nhìn thấu trong dịch bệnh, việc chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn cần lắm sự thấu hiểu từ tâm hơn là lên giọng ban ơn, kẻ cả. Bằng ngôn từ giản dị, nhẹ nhàng, bài thơ còn thể hiện niềm tin về một ngày không xa, dịch bệnh sẽ đi qua, tình người còn mãi. “Covid đi qua/thêm thấu hiểu tình người rộng lớn/đầy ắp thương yêu, như yêu bởi chính mình/những tấm lòng chịu đựng, hy sinh/để xanh lại cuộc đời, xanh lại những ước mơ…”.

Với bài thơ Chỉ sợ vaccine, tác giả Lê Liên kể câu chuyện Covid-19 làm cuộc sống của cả hành tinh lỗi nhịp. Từ việc trường học vắng tanh, bệnh viện không còn đủ giường và máy thở đến việc công nhân không thể vào nhà xưởng, công ty… Theo tác giả, Covid-19 chính là phép thử, thách thức tình thương và trí tuệ con người. “Covid vô tình nhắc nhở/Em là giặc vô hình/Thắng cả bom nguyên tử/Em chỉ thua vaccine/Đó là tình thương và trí tuệ quyền”.

* Lan tỏa nguồn năng lượng tích cực

Chị Huỳnh Thị Nga (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Mỗi ngày, các phương tiện truyền thông đều đặn đăng tải thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Những bài thơ, truyện ngắn, bức tranh hay ca khúc viết về dịch bệnh thời điểm này rất ý nghĩa. Không chỉ tôi mà người thân và bạn bè của tôi đều chia sẻ, cùng đọc, nghe và thấu hiểu. Cách truyền tải này dễ hiểu, dễ nhớ, giúp mọi người thoải mái, bớt căng thẳng hơn”.

Văn nghệ sĩ giữ khoảng cách mùa Covid-19
Văn nghệ sĩ giữ khoảng cách mùa Covid-19

Còn anh Phạm Văn Bình (xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) cho biết: “Việc nghe, đọc các bài thơ, truyện ngắn về dịch bệnh trên mạng xã hội đã tiếp thêm tinh thần lạc quan cho tôi trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua. Tôi và gia đình đã hạn chế các sinh hoạt cộng đồng. Tôi hy vọng thời gian tới, các văn nghệ sĩ sẽ có nhiều hơn những sáng tác mới về dịch bệnh, lan tỏa để cổ vũ niềm tin, vượt qua đại dịch”.

Bên cạnh sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ, lực lượng vũ trang, những tình nguyện viên ở tuyến đầu chống dịch còn là tinh thần đoàn kết, sẻ chia của người dân, sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. Hòa trong dòng chảy thời sự ấy, văn nghệ sĩ Đồng Nai cũng đã có những tác phẩm thơ văn, nhạc họa đầy cảm xúc, ca ngợi và góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Ly Na

 

Tin xem nhiều