Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự hào dòng máu Lạc Hồng

04:04, 02/04/2020

Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người Việt Nam cũng đều hướng về giỗ Tổ Hùng Vương như hướng về nguồn cội thiêng liêng và tự hào dòng máu Lạc Hồng...

Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người Việt Nam cũng đều hướng về giỗ Tổ Hùng Vương như hướng về nguồn cội thiêng liêng và tự hào dòng máu Lạc Hồng. Không chỉ ở đất Tổ mà nhiều nơi trong lẫn ngoài nước, ngay tại các gia đình người Việt còn làm bánh, làm cơm cung kính thắp hương dâng lên tiền nhân. Giỗ Tổ trở thành một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh…

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng dâng hương trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đền thờ quốc Tổ Hùng Vương, P.Bình Đa năm 2019. Ảnh: M.Ny
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng dâng hương trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đền thờ quốc Tổ Hùng Vương, P.Bình Đa năm 2019. Ảnh: M.Ny

Đối với người Việt Nam, bất cứ hoàn cảnh nào thì ngày Giỗ tổ Hùng Vương vẫn luôn có ý nghĩa như câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba/ Dù ai buôn bán gần xa/Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười”. Không về được đất Tổ thì mọi người dâng hương tổ tiên trong tâm khảm, có gia đình còn làm mâm cơm có bánh chưng, bánh giầy cúng kính trang nghiêm. Những nơi trên đất nước đã dựng Đền Hùng thì người dân nơi đó tụ về tưởng nhớ tiền nhân.

Lịch sử cho thấy, từ các thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê người Việt đã có phong tục giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10-3 âm lịch hằng năm như quốc lễ. Các triều đình phong kiến giao cho quan dân đất Tổ trông nom, bảo quản, sửa chữa, hương khói, cúng bái đền thờ các Vua Hùng và vùng này được miễn một số sưu thuế. Đến thời Vua Khải Định nhà Nguyễn, Bộ Lễ gửi sắc lệnh ghi ngày 25-7-1917 phái quan hàng tỉnh Phú Thọ hằng năm vào ngày giỗ Tổ phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình dâng lễ vật cúng tế.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh xem giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10-3 âm lịch là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia. Vào năm Bính Tuất 1946, trong lễ giỗ Tổ đầu tiên khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự lễ tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường đại học Bách khoa Hà Nội), còn Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ lên Đền Hùng làm lễ dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm báu. Nghi thức này nhằm tế cáo với tổ tiên về tình hình đất nước đang lâm nguy do thực dân Pháp tái xâm lược và cầu mong tổ tiên phù hộ cho toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng đánh tan quân giặc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quốc thái dân an, ấm no hạnh phúc.

Dù chính thể nào, ở đâu người Việt Nam cũng đều hướng về giỗ Tổ như hướng về nguồn cội dòng giống Lạc Hồng. Chẳng những ở miền Bắc mà trước năm 1975 ở miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10-3 âm lịch với nghi thức quốc gia trang trọng. Đến khi đất nước thống nhất, sau hơn 30 năm dừng ở mức ngày kỷ niệm, từ năm 2007 Chính phủ đã chính thức quy định giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ toàn quốc. Nhiều nơi trong nước đã tiến hành lễ giỗ Tổ. Quy mô lớn nhất vẫn là tại kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang xưa. Ngoài những năm chẵn do Trung ương trực tiếp chủ trì, còn lại mỗi năm tỉnh Phú Thọ phối hợp với các tỉnh, thành khác đại diện ba miền Bắc - Trung - Nam cùng tổ chức.

Lễ rước bánh chưng, bánh giầy tại công viên Văn hóa Hùng Vương, H.Trảng Bom năm 2019
Lễ rước bánh chưng, bánh giầy tại công viên Văn hóa Hùng Vương, H.Trảng Bom năm 2019

Bình thường mùng 10-3 âm lịch tại Phú Thọ, giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng tổ chức làm hai phần lễ và hội, với nhiều hoạt động văn hóa sôi động trong nhiều ngày. Phần nghi lễ trang nghiêm, bao gồm lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, quốc Tổ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, rước kiệu về Đền Hùng… Còn phần hội thì gồm các lễ hội rất phong phú nhằm tôn vinh di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan Phú Thọ. Tuy nhiên, năm nay do đại dịch Covid-19, phần lễ thì hạn chế còn phần hội không tổ chức.

Bên cạnh Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh ở Phú Thọ, nhiều nơi trong nước cũng xây dựng đền thờ các vua Hùng, đặc biệt là Khu tưởng niệm các Vua Hùng rất hoành tráng nằm trong công viên Lịch sử văn hóa dân tộc ở TP.HCM. Và không chỉ trong nước mà kiều bào ở nhiều nước trên thế giới như: Thái Lan, Lào, Nga, Pháp, Đức, Mỹ… cũng tiến hành giỗ Tổ Hùng Vương bằng nhiều hình thức thành kính khác nhau. Đây cũng là hoạt động nằm trong dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại năm 2012.

Nguyễn Phan Huỳnh

Tin xem nhiều