Báo Đồng Nai điện tử
En

Người mới đến

09:03, 20/03/2020

Xóm Ba Nhà bỗng vui hẳn lên vì có thêm một nhà mới đến. Đấy là vào một buổi trưa trời mới tạnh mưa thì nghe tiếng xe tải gầm lên làm cả xóm đổ ra đường xem. Xe bị lầy, không thể bò qua đoạn đường trơn trượt nhiều ổ voi. Ba ông chạy ra gắng sức đẩy phụ cũng chẳng ăn thua gì.

Truyện ngắn của Đào Hồng Khởi

Xóm Ba Nhà bỗng vui hẳn lên vì có thêm một nhà mới đến. Đấy là vào một buổi trưa trời mới tạnh mưa thì nghe tiếng xe tải gầm lên làm cả xóm đổ ra đường xem. Xe bị lầy, không thể bò qua đoạn đường trơn trượt nhiều ổ voi. Ba ông chạy ra gắng sức đẩy phụ cũng chẳng ăn thua gì. Ông Ba gọi thêm mấy bà và tụi nhỏ góp sức, bánh xe nhích dần, nhích dần... Mọi người tươi cười, áo quần ướt đẫm mồ hôi. Người đàn ông tóc đã bạc nhiều từ tốn nói:

- Cám ơn các ông bà, cô chú và các cháu. Tôi tên An, chân ướt chân ráo tới, còn lạ lẫm, chắc phải nhờ cả xóm giúp đỡ nhiều lắm.

Ông An ở có một mình. Hai ba tuần vợ con đến thăm, ở tối thứ bảy, chiều chủ nhật lại về. Ông có vẻ sống khép kín, về sống ở xóm hơn tháng rồi mới ghé thăm mỗi nhà một lần để chào xã giao. Ở cái nơi heo hút, hiu quạnh này, xong việc rẫy, việc vườn, tối tối ba thằng đàn ông chúng tôi lại gầy độ nhậu, ít khi uống trà nói chuyện suông. Người ta nói trà tam rượu tứ nhưng chúng tôi thì trà tam rượu cũng tam. Có thêm ông An, chúng tôi mừng rơn, song thấy ông ấy ít nói, sống như ở ẩn, chẳng dám mời. Rượu vào lời ra, vô vài ly là chuyện trên trời dưới đất. Hết chuyện tiêu rớt giá, thi cử của sắp nhỏ đến chuyện bên trời Âu... Một hôm đang ngon trớn thì ông Ba có vẻ quan trọng hóa vấn đề, bỏ nhỏ:

- Hai ông có biết gì về ông An chưa?

Tôi nâng ly rượu uống cái ực, cười:

Ảnh minh họa: Còm
Ảnh minh họa: Còm

- Cha ấy sống có vẻ kín kẽ vậy sao mà biết được? Mà thằng nhỏ nhà tui nó nói ổng trước làm thầy giáo gì đó. Chắc về hưu muốn sống yên tĩnh tuổi già ấy mà. Thôi uống đi, nhiều chuyện quá!

- Chú mày cứ để cha Ba nói nghe chơi, chắc cha nổ văng miểng quá! - ông Tư khề khà.

Đưa ly ruợu xoay tua cho ông Ba, tôi gật đầu. Giọng ông Ba nhỏ nhẹ như sợ ai nghe thấy:

- Nghe đâu cha đang làm hiệu trưởng trên tỉnh, sai phạm gì đó bị cách chức. Chả buồn, bị sốc nặng nên xin nghỉ hưu sớm.

- Ông lại nói khoác nữa rồi! - ông Tư làm tôi nghi ngờ, hỏi lại:

- Ông có tung tin vịt không đấy?

- Chính xác trăm phần trăm. Sáng nay có bạn chả xuống thăm, hỏi thăm tôi nhà ổng, nói vậy và nhờ tôi lâu lâu ghé sang chuyện trò.

- Nếu đúng vậy thì thương ông ấy quá! Bọn mình vô tâm thật, hai ông ạ! - ông Tư bùi ngùi. Tôi và ông Ba cũng bùi ngùi. Ba người lặng lẽ nhìn nhau.

Đêm đó, tôi trằn trọc mãi. Câu nói của ông Tư làm tôi thấy như mình có lỗi. Ông An trong thời gian này lẽ ra phải được chia sẻ, động viên để vơi bớt nỗi buồn thì chúng tôi lại vô tâm. Đã một lần vấp ngã tôi biết ông An đang buồn như thế nào. Tôi nhớ lại lúc mình tưởng chừng như khó vượt qua nếu không từ miền Trung trôi dạt đến đất này. Thời ấy, tôi mới hơn ba mươi tuổi, xông xáo, nhiệt tình, có năng lực nên được đề bạt làm giám đốc một xí nghiệp đang trên bờ vực phá sản. Chỉ trong thời gian ngắn, tôi đã đưa xí nghiệp ổn định trở lại và đời sống cán bộ, công nhân khá lên.

Khi xí nghiệp ăn nên làm ra, tôi tự cho mình thời gian để nghỉ xả hơi. Tôi đôn đốc, tin tưởng anh chị em làm việc mà buông lỏng kiểm tra. Thế nên sản phẩm bằng nhiều cách được tuồn ra ngoài bán trộm, xí nghiệp thất thoát hàng tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã tìm ra thủ phạm, tôi bị cách chức vì không làm tròn trách nhiệm của một giám đốc để gây ra hậu quả.

Trưa nay, cả xóm đến ăn đám giỗ ông nội tôi. Cái xóm Ba Nhà xưa nay vẫn thế, cứ nhà ai có đám tiệc là kéo tới hết cả nhà. Nghèo khó vật chất đâu có nghèo khó tình người được. Nhà ai buồn vui tất cả đều vui buồn. Bán anh em xa mua láng giềng gần mà.

Ông An đến mang theo chai rượu ngâm mấy thứ thuốc quý, bắt tay chúng tôi:

- Chào các ông.

Tôi chợt nghĩ, ông vẫn còn thói quen giao tiếp quan cách chưa bỏ được. Định giỡn chơi về điều đó, nhưng sợ đụng vào nỗi buồn của ông tôi lại thôi. Giờ nhìn kỹ, tôi mới để ý, ông già đi rất nhiều so với cái tuổi 57. Có lẽ cú sốc đã lấy của ông đi rất nhiều sức khỏe, tinh thần. Ông ngồi lặng lẽ, ai hỏi gì trả lời nấy, lòng nặng trĩu tâm tư. Tôi có cảm giác ông chưa nguôi ngoai chuyện cũ. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, tuyệt đối tránh hỏi gì về ông, sợ ông buồn.

Mấy bàn tiệc lặng im khi nghe tiếng vợ tôi than:

- Cái dịch cô Vy cô Vịt đang hoành hành hết Trung Quốc, đến tận trời Tây, nước ta đang có tới mấy chục ca nhiễm rồi. Nhà trường vừa thông báo cho tụi nhỏ nghỉ học mấy tuần nữa kìa.

Bà nói vừa xong thì sắp nhỏ cười phá lên. Bà ngỡ ngàng nhìn mọi người, thằng bé nhanh miệng:

- Bà nội ơi, đó là dịch Covid-19 chứ đâu phải cô Vịt!

Trời đang nóng hầm hập. Mái tôn nhà tôi đã cũ nên cái nóng càng dữ dội hơn. Đang mừng vì năm nay tiêu trúng mùa chắc có tiền thay cái mái nhà bằng ngói, đóng học phí cho thằng con út đang học đại học, vậy mà… Ông bà xưa nói: “Mình tính không bằng trời tính” quả không sai chút nào. Tiêu rớt giá thảm hại làm tiêu điều những ước mơ của bao người dân chân lấm tay bùn.

Bất chợt một cơn mưa trái mùa đến mang theo hơi nước dịu mát. Tụi nhỏ và mấy bà đã tàn tiệc, chỉ còn 4 ông già ngồi nhâm nhi rượu, nhâm nhi chuyện đời. Tự dưng chẳng hiểu say hay đồng cảm mà tôi hỏi:

- Ông An này, tôi nghe nói, thầy từ quan về đây ở ẩn?

Cha Ba, cha Tư ngạc nhiên, trố mắt nhìn tôi. Mấy cha không ngờ tôi lại lỡ đụng tới nỗi đau của ông.

Như khơi đúng mạch, đúng tâm sự, ông kể chậm rãi:

- Cuộc đời tôi tưởng chừng sẽ được an nhàn lúc tuổi già, vậy mà chỉ còn ba năm nữa tôi đã trượt ngã…

Tôi đưa tay xiết chặt bàn tay ông:

- Tôi hiểu tâm trạng của ông. Ngày trước tôi cũng phải trải qua những ngày tháng cực kỳ đau khổ...

Chúng tôi uống với nhau thật nhiều. Không phải uống say để quên đi chuyện đời mà còn để san sẻ nỗi lòng, để cái tình thêm thắm thiết. Tôi vỗ vai ông:

- Tụi nhỏ xóm Ba Nhà, ấy Bốn Nhà chứ, chúng quý ông dữ lắm. Chúng đang tạm nghỉ học vì dịch Covid-19, ông rảnh ôn bài cho tụi nó học giúp bọn tôi, được không?

- Ừ, tôi sẽ dạy. Cám ơn các ông đã hiểu, thông cảm cho tôi. Còn được cầm phấn dạy là tôi hạnh phúc lắm.

Tôi nhìn vào mắt ông, ắp đầy trong đó là vô vàn những trăn trở về nghề, về đời. Mưa đã thôi rơi, trời bừng sáng như niềm tin của ông về quãng đời còn lại ở nơi xa xôi này…

Đ.H.K

Tin xem nhiều