Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân về trên những ngôi nhà cổ

10:02, 02/02/2020

Mỗi khi nhắc đến mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai, ngoài hệ thống các khu, điểm du lịch sinh thái vốn đã nổi tiếng... nhà cổ là một trong những tài sản giá trị tạo nên vẻ đẹp di sản kiến trúc, văn hóa của vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển.

Mỗi khi nhắc đến mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai, ngoài hệ thống các khu, điểm du lịch sinh thái vốn đã nổi tiếng... nhà cổ là một trong những tài sản giá trị tạo nên vẻ đẹp di sản kiến trúc, văn hóa của vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển.

Không gian nhà cổ của gia tộc Ngô Phủ Đường (xã Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Ly Na
Không gian nhà cổ của gia tộc Ngô Phủ Đường (xã Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Ly Na

Những ngôi nhà cổ thuộc các xã Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) hay phường Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa)… được nhiều gia đình, dòng tộc giữ gìn như giữ những nét đẹp văn hóa cho con cháu đời sau.

* Lưu giữ văn hóa truyền thống

Về ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Triều - miền quê cách TP.Biên Hòa chưa đầy 10km, chúng tôi men theo con đường nông thôn mới thẳng tắp liên ấp, liên xã. Dọc hai bên đường, những dãy hoa điệp vàng khoe sắc, những ngôi nhà khang trang san sát hiện ra, thấp thoáng trong đó là một vài ngôi nhà cổ được xây dựng theo kiến trúc xưa. Đầu năm mới, chúng tôi chọn xông đất nhà cổ của gia tộc Ngô Phủ Đường - một ngôi nhà có tuổi đời gần 100 năm. Nơi đây hội đủ tất cả nét thanh bình, yên ả về kiến trúc, không gian “nhà” và “vườn”.

Theo số liệu khảo sát của Bảo tàng Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có khoảng 401 ngôi nhà ở truyền thống được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20. Trong đó, có 76 nhà có niên đại xây dựng trước năm 1900, đa phần tập trung tại một số khu vực từng là thị tứ đông đúc xưa kia như: Bến Gỗ, Cù lao Phố… Đó là những “nhân chứng” của quá trình phát triển, là quá khứ của một làng, một đô thị và rộng hơn là một vùng, một dân tộc.

Chủ nhân của ngôi nhà cổ này là cụ Ngô Văn Son (96 tuổi). Nhà có 3 gian, 2 chái, đòn tay có hoa văn cầu kỳ. Trước bàn thờ tổ tiên, tấm di ảnh Bác Hồ được đặt một cách trang trọng. Dọc các hàng cột trong nhà treo nhiều bức hoành phi, câu đối. Cụ Son mời khách ngồi trên bộ sập gỗ lâu đời đen nhánh, nói không biết chán về những ngôi nhà cổ ở vùng đất Tân Triều. Riêng ngôi nhà của cụ, do bị thời gian bào mòn nên không còn giữ được nguyên gốc nhưng vẫn thuộc hàng “cổ” ở xứ này.

Cụ Son kể nhiều và còn giải thích cặn kẽ ý nghĩa lối kiến trúc đến các vật dụng trong ngôi nhà. Chẳng hạn như nhà thờ, cửa thì thấp mà ngạch lại cao. Đó là bởi để khi bước vào, buộc người ta phải cao chân, cúi đầu, nhắc nhở ngay đây là nơi thờ tự tôn nghiêm, kính cẩn. Những ngày đầu năm, họ hàng tập trung về sum họp tại nhà cổ để làm bánh mứt, cúng kiếng tổ tiên và kể chuyện xưa.

“Ngôi nhà là tài sản cha ông để lại nên chúng tôi hết đời này tiếp đến đời khác sẽ thay nhau gìn giữ, góp phần làm giàu đẹp thêm cho vốn văn hóa của mảnh đất và con người Đồng Nai. Hằng năm, con cháu dòng họ Ngô đều tề tựu về đây thắp nén hương lên bàn thờ, tưởng nhớ công đức của tổ tiên, động viên nhau ra sức học hành, làm ăn xây dựng quê hương” - cụ Son tự hào nói.

Rời xã Tân Triều, chúng tôi về xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), tham quan các ngôi nhà cổ và thưởng thức đặc sản trà Phú Hội. Bên ly trà chiều đang bốc khói, chúng tôi nghe ông Ðào Mỹ Trí Nhân - người trông coi ngôi nhà cổ họ Đào kể chuyện... Cuối thế kỷ 19, gia tộc họ Ðào đã trở thành một “phú gia” của vùng đất Phú Hội. Họ Đào nức tiếng trong vùng với những vựa lúa đầy ắp, những đồi cây ăn trái sum suê, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay qua bao đời khai phá. Ðó cũng là thời điểm ông Ðào Mỹ Thiền (con trai thứ 4 trong dòng tộc họ Ðào) quyết định xây cất ngôi nhà.

Đến năm 1990, khi được gia đình giao cho trông coi nhà, ông Ðào Mỹ Trí Nhân đã dỡ mái ngói móc tây ở những gian buồng nhà trên và nhà dưới để thay thế bằng tấm ngói nhựa trắng để lấy ánh sáng, tạo vẻ thoáng đãng cho những gian buồng. Khuôn viên nhà hiện chỉ rộng khoảng 4 ngàn m2 thay vì trên 5 ngàn m2 như trước đây (1 ngàn m2 đất để làm đường). Nhà trên là nơi thờ phụng, tiếp khách đồng thời là nơi ngủ của các thành viên nam trong gia đình. Nhà dưới là nơi nghỉ và tiếp khách thân thuộc dành riêng cho các thành viên nữ. Mặt trước ngôi nhà, ông xây tường rào bao quanh bằng lưới B40…

* Lan tỏa đến cộng đồng

Trong lời kể chậm rãi của ông Đào Mỹ Trí Nhân, chúng tôi nhận ra một sự nuối tiếc rất thực về sự “biến thiên” của thời gian làm cho ngôi nhà có sự thay đổi đáng kể. “Việc gìn giữ nhà cổ hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, phần vì kinh phí khá lớn, phần vì một bộ phận người trẻ thích những ngôi nhà hiện đại, khang trang hơn những ngôi nhà cổ. Tuy nhiên, không vì thế mà dấu tích văn hóa của ngôi nhà hơn 100 năm tuổi này bị lãng quên. Các thế hệ con cháu họ Ðào chúng tôi đang nâng niu, gìn giữ như một thứ tài sản quý mà ông cha để lại” - ông Đào Mỹ Trí Nhân chia sẻ.

Trước tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, nhiều ngôi nhà cổ ở Biên Hòa - Đồng Nai trở thành những địa chỉ văn hóa phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Trong cái rộng lớn của không gian, cái vô hạn của thời gian, tất cả hòa quyện và được sắp xếp tài tình.

Theo cụ Ngô Văn Son, do tuổi cao, sức yếu, ngôi nhà cổ của gia tộc Ngô Phủ Đường được cụ giao lại cho con trai út Ngô Văn Sơn trông coi. “Hiện tại, con trai út của tôi đã lắp bảng hướng dẫn ngoài cổng, biến nhà cổ gần 100 năm tuổi này thành một điểm dừng chân, tham quan của du khách khi đến Tân Triều. Ngoài tìm hiểu về nhà cổ, du khách có thể tham quan vườn bưởi Út Sơn và các nhà vườn khác, mua bưởi về làm quà cho người thân và bạn bè. Hoạt động này nhằm lan tỏa giá trị văn hóa đến gần hơn với cộng đồng” - cụ Son cho biết.

Du Xuân bên những ngôi nhà cổ, nhất là những buổi chiều tà, mỗi người có thể cảm nhận được một thế giới khác, sâu lắng và bình lặng hơn. Dường như hoàng hôn ở các vùng quê này cũng là một đặc sản tinh thần khiến nhà cổ trở thành nét chấm phá rất riêng, đưa lòng người về với quá khứ, với an nhiên, thanh tịnh.

Ly Na

Tin xem nhiều