Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo văn hóa ẩm thực các dân tộc thiểu số

11:02, 21/02/2020

Dưới bàn tay tài hoa của người lao động, mảnh đất Đồng Nai vốn được thiên nhiên ưu đãi đã sản sinh ra nguồn sản vật phong phú, làm nên nhiều món ăn dân dã, thể hiện rõ tính bản địa, nét độc đáo riêng trong văn hóa ẩm thực.

 

Dưới bàn tay tài hoa của người lao động, mảnh đất Đồng Nai vốn được thiên nhiên ưu đãi đã sản sinh ra nguồn sản vật phong phú, làm nên nhiều món ăn dân dã, thể hiện rõ tính bản địa, nét độc đáo riêng trong văn hóa ẩm thực.

Thưởng thức rượu cần của đồng bào Chơro tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: tư liệu
Thưởng thức rượu cần của đồng bào Chơro tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: tư liệu

Giá trị và sức hút của ẩm thực đồng bào các dân tộc thiểu số là hiển nhiên, trong đó nổi bật vẫn là ẩm thực của người Chơro, Chăm, Châu Mạ, Hoa...

1. Chơro là một trong những dân tộc bản địa cư trú lâu đời trên vùng đất Đồng Nai. Xuất phát từ phong tục, tập quán nên ẩm thực của người Chơro cũng có những nét đặc trưng. Cây lúa, bắp, khoai chẳng biết tự bao giờ đã có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế đối với đồng bào. Từ nguồn thực phẩm này, họ đã chế biến thành nhiều món ăn độc đáo với hương vị đậm đà, khó quên.

Là thế hệ thứ ba vẫn lưu giữ được các món ẩm thực truyền thống của gia đình, chị Thổ Thị Phượng (xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) cho biết, các món ẩm thực truyền thống của người Chơro được gia đình chị gìn giữ từ bao đời nay, mỗi món ăn đều có ý nghĩa riêng và được làm theo mùa. Có những món chỉ lễ, Tết mới làm như: cơm lam, canh bồi, thịt nướng, bánh dày. “Ở đây, bất kể người người Chơro nào hơn 15 tuổi cũng biết làm những món ăn cơ bản ấy để giữ gìn văn hóa của dân tộc” - chị Phượng nói.

TS.Nguyễn Văn Quyết, giảng viên Trường đại học Đồng Nai cho biết: “Những năm gần đây, có nhiều dân tộc từ nơi khác nhập cư vào các vùng có người Chơro, người Chăm ở Đồng Nai sinh sống, như người Kinh và các dân tộc Tày, Nùng, Hoa... Tính chất đa dân tộc này có ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen của từng nhóm cộng đồng. Phong tục, tập quán vì thế cũng ít nhiều có sự thay đổi, nhất là ẩm thực. Nhiều nguyên vật liệu tạo thành món ăn truyền thống đã được mua từ chợ. Cơ cấu món ăn cũng được bổ sung thêm những món của người Kinh”.

Theo bà Thị Thành (ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh), các món ăn truyền thống tượng trưng cho cuộc sống thường ngày của người Chơro có sự hài hòa giữa đất trời, rừng núi. Nhiều món ăn thường được bày biện trên lá chuối. Nếu có khách đến nhà chơi đúng dịp lễ, Tết, đồng bào không quên mời khách thưởng thức cơm lam, thịt xiên que nướng trên bếp than củi. Đặc biệt, rượu cần hay rượu gạo trắng cũng có vai trò quan trọng trong đời sống ẩm thực. Lúa rẫy và chất men làm từ một số loại lá, vỏ, rễ cây rừng đã tạo ra mùi hương đặc trưng cho rượu Chơro.

“Người Chơro chúng tôi có nhiều ngày lễ trong năm. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là lễ cúng lúa mới, cúng thần rừng. Thường thì vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, chúng tôi đều tổ chức nghi lễ cúng tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu, cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau được no đủ. Trong lễ hội, chúng tôi sẽ nấu nhiều món truyền thống, dâng rượu cần tự chế biến cúng thần linh và mời cộng đồng cùng thưởng thức” - bà Thành chia sẻ.

Anh Huỳnh Hồng Hải, một người dân sinh sống tại TP.Biên Hòa chia sẻ, mặc dù đã được nghe nói nhiều nhưng phải đến đầu tháng 2 vừa qua anh mới có dịp về TP.Long Khánh tham gia lễ Sayangva của đồng bào dân tộc Chơro. Tuy bà con tổ chức trong không gian nhỏ của gia đình nhưng bản thân anh được trực tiếp quan sát, thưởng thức các món ẩm thực, anh vô cùng thích thú. “Phải công nhận nhiều món ăn rất ngon, rất hấp dẫn và có mùi vị rất lạ, rất đặc trưng” - anh Hải nói.

2. Với đồng bào Chăm ở Đồng Nai, ẩm thực là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa nhiều màu sắc mang những giá trị truyền thống. Mỗi món ăn là một câu chuyện mà ở đó kết tinh tinh hoa của cả một nền văn hóa truyền thống lâu đời và phong phú. Bởi vậy có không ít người đã vượt những quãng đường rất xa để về vùng dân tộc Chăm ở các huyện Long Thành, Xuân Lộc tham quan và thưởng thức những món ăn mình ưa thích.

Một trong những món đặc trưng của người Chăm là cà ri, cà púa. Cà ri thường được nấu với các loại thịt bò, thịt gà cắt miếng lớn, chiên vàng trước khi nấu. Cà ri có vị béo và cay, thêm đậu phộng giã nhỏ. Cà púa thường ăn cùng với cơm. Chị Mari Ah Kim Loan, cán bộ phụ nữ ấp 6, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) cho biết, văn hóa ẩm thực của người Chăm vừa ngon, lạ lại no và đủ chất.

“Người Chăm ngoài món cà ri, cà púa còn rất thích ăn canh bồi. Canh bồi được nấu từ nhiều loại rau rừng như: bầu, bí, rau sam, cà dĩa. Ngoài ra, người Chăm còn có nhiều món bánh như: bánh ít, bánh cuốn, sakaya, bánh củ gừng, bánh đúc… được làm để phục vụ trong lễ nghi tôn giáo và cưới hỏi” - chị Kim Loan nói.

3. Giá trị ẩm thực của đồng bào các dân tộc ở Đồng Nai đang được nâng lên đáng kể, theo sự phát triển của loại hình du lịch văn hóa sinh thái. Trong nhiều thực đơn ở các điểm đến du lịch dần xuất hiện những món ăn của núi rừng, nghiễm nhiên trở thành đặc sản thu hút du khách.

Là một trong những người tham gia hoạt động giới thiệu văn hóa, ẩm thực người Chơro, già làng Hùng Văn Xứng (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) cho biết: “Ẩm thực bản địa của người Chơro là một điểm thu hút du khách đến với Xuân Lộc, bên cạnh văn hóa cồng chiêng…”.

Nhiều lần đi về vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, qua các con đường dẫn vào bản làng heo hút, ánh mắt trong veo, mái tóc đen láy hay nét e thẹn, ngại ngùng của những đứa trẻ nơi ấy khi gặp người lạ khiến chúng tôi vương vấn. Và còn vương vấn hơn khi được thưởng thức hương vị độc đáo của ẩm thực truyền thống rượu cần, cơm lam, canh bồi. Bởi thế, giữa muôn món ăn của thời hiện đại, ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn có chỗ đứng riêng, được cộng đồng đón nhận.

Ly Na

Tin xem nhiều