Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại học định chế giáo dục cao thay đổi thế giới từ Trung cổ đến hiện đại

10:02, 09/02/2020

Đó là tên cuốn sách mới xuất bản gần đây của tác giả Nguyễn Xuân Xanh - tác giả của nhiều cuốn sách về Albert Einstein, đồng chủ biên về các sách lịch sử khoa học và giáo dục đại học, khai phóng.

Đó là tên cuốn sách mới xuất bản gần đây của tác giả Nguyễn Xuân Xanh - tác giả của nhiều cuốn sách về Albert Einstein, đồng chủ biên về các sách lịch sử khoa học và giáo dục đại học, khai phóng.

Đại học là một định chế giáo dục cao đã đồng hành cùng nhân loại trong suốt 9 thế kỷ qua. Đại học và quốc hội là sản phẩm của thời Trung cổ ở châu Âu. Người Hy Lạp hay La Mã đã có nền học thuật rất cao, nhưng họ chưa hề định chế hóa. Lịch sử đại học được đánh dấu bằng hai thời điểm khởi đầu quan trọng có tính cách mạng là thế kỷ 12, khi đại học được khai sinh ở châu Âu và thế kỷ 19, khi mô hình đại học mới Berlin ra đời. Cả hai loại đại học nêu trên đều là dấu mốc có ảnh hưởng quyết định lên dòng chảy của lịch sử nhân loại.

Cuốn sách được chia làm 3 phần: Lịch sử, Tư liệu lịch sử và Tiểu luận. Phần Lịch sử, tác giả đã hệ thống hóa một cách khoa học về đại học thời Trung cổ ở châu Âu cách nay 9 thế kỷ, sự ra đời của Đại học Berlin 1810, những ảnh hưởng của đại học thế giới và về đại học ở Việt Nam. Đây cũng là phần có rất nhiều những chi tiết thú vị về Trung Hoa và Nhật Bản du nhập đại học Đức…

Phần thứ 2 với tựa đề: Tư liệu lịch sử ngồn ngộn những tư liệu quý giá từ giáo dục cổ đại Hy Lạp đến giáo dục Đức… Phần Tiểu luận đề cập đến 3 đề tài. Thứ nhất là sự hình thành các giai đoạn tiến hóa của đại học Hoa Kỳ từ thời lập quốc đến thế kỷ 20. Thứ hai là tiểu sử tác giả Clark Kerr của cuốn sách Các công dụng của đại học. Theo tác giả thì Clark Kerr là “một tượng đài giáo dục đại học có lẽ có nhiều đóng góp nhất trong lịch sử”. Thứ ba là về College Hoa Kỳ, đây là phần chủ yếu nói về giáo dục đại học Mỹ.

Có lẽ hiếm có một cuốn sách nào gần đây gây được sự chú ý trong giới khoa học, giới nghiên cứu như cuốn sách này. Cuốn sách đã nhận được rất nhiều đánh giá tích cực của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học như GS.Đàm Thanh Sơn, Đại học Chicago, Mỹ; GS.Lâm Quang Thiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD- ĐT; GS.Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản; PGS.Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore...

Cuốn sách, như trang bìa đã giới thiệu trang trọng: “Đại học là một định chế giáo dục cao phát triển tri thức của châu Âu Kitô giáo Trung cổ, một hiện tượng rất đặc thù không một nền văn minh nào khác có, đánh dấu sự thức tỉnh tinh thần của một nền văn minh mới của thế giới sau đêm dài một ngàn năm vắng bóng học thuật, và tiếp nối truyền thống tri thức Hy Lạp cổ đại”.

Đây là một cuốn sách đúng như nhận định của GS.Đàm Thanh Sơn: “Cuốn sách ra đời đúng lúc việc chấn hưng giáo dục đại học trở thành một vấn đề nóng hổi ở Việt Nam”.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều