Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ những ngày giáp Tết

11:12, 24/12/2019

Khi những đợt không khí lạnh tràn về thành phố công nghiệp nhỏ xinh, đường phố ngập tràn sắc đỏ của màu áo ông già Noel báo hiệu một năm sắp hết, cũng là lúc trời đất giao thời, chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Năm nào cũng vậy, những ngày cuối tháng 12, người phương Nam lại có dịp được nhấm nháp một chút hương vị của mùa đông.

Khi những đợt không khí lạnh tràn về thành phố công nghiệp nhỏ xinh, đường phố ngập tràn sắc đỏ của màu áo ông già Noel báo hiệu một năm sắp hết, cũng là lúc trời đất giao thời, chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Năm nào cũng vậy, những ngày cuối tháng 12, người phương Nam lại có dịp được nhấm nháp một chút hương vị của mùa đông. Sáng sớm, mọi nẻo đường hanh hao vì gió. Nhà nhà người người khăn khăn áo áo. Trẻ em đến trường với mũ len, găng tay, nô nức, hứng khởi, xuýt xoa tận hưởng niềm thú vị hiếm hoi này.

Những ngày Tết, được mẹ chồng tin tưởng, giao phó luôn trọng trách “nội tướng” trong nhà, tôi trực tiếp lo việc bếp núc, bày biện lễ nghi, mâm quả, bánh trái. Anh xã phụ trách tất cả những việc cần đến “cơ bắp”, sức khỏe: quét trần nhà, rửa bể nước, cuốc đất trồng hoa… Bọn trẻ lăng xăng trên nhà, dưới bếp, trong sân, ngoài ngõ, chạy qua chạy lại, lúc phụ mẹ lau khô lá dong, khi lại phụ cha dọn rác quanh nhà, thoắt cái đã lại chạy theo bà ra vườn nhổ cây mùi già mang vào nấu nước lá thơm gội đầu, rửa mặt. Không gian rộn rã tiếng nói, tiếng cười.

Năm nào cha mẹ chồng tôi cũng để một khoảnh vườn nho nhỏ trồng lá dong, dành ra dăm ba sào ruộng cấy lúa nếp, chỉ để cuối năm con cháu ở xa về, cả nhà lại quây quần gói bánh, đồ xôi. Mỗi lần nhìn chiếc lạt buộc không còn chắc từ đôi tay gầy gò, run run, ngắm tấm bánh ông gói, lòng tôi như nghẹn lại. Càng ngày, những chiếc bánh càng không còn vuông thành sắc cạnh như những năm tôi mới về làm dâu của cha mẹ nữa… Dành riêng cho bọn trẻ là mấy tấm bánh bé con, nhỏ xinh ông nội gói bằng tất cả tình yêu thương cháu con, gia đình, bằng trách nhiệm của một người con quê hương với bản sắc văn hóa dân tộc. Những chiếc bánh chưng tuổi thơ đã và đang là cả một bầu trời ký ức nuôi dưỡng tâm hồn tôi, là hành trang tôi mang theo suốt cuộc đời, khiến cho tôi chưa đi đã nhớ, chưa về đã thương. Giờ đây, món quà ấm áp, yêu thương ấy sẽ lại đồng hành cùng các con, nhắc các con nhớ về cội nguồn - quê hương, phong tục, tập quán, truyền thống bao đời của đất nước với nền văn minh nông nghiệp lúa nước được dựng lên từ các vua Hùng.

Giống như biết bao những gia đình khác ở Việt Nam, chúng tôi háo hức chờ mong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Cả nhà cùng nhau dọn dẹp trang hoàng nhà cửa tống cựu nghinh tân, bày biện hương hoa, trà quả, lễ bạc tâm thành mời tổ tiên, ông bà đã khuất về đón giao thừa... Sau thời khắc thiêng liêng ấy, vợ chồng tôi chúc tuổi ông bà, cả nhà sum vầy bên mâm cơm tân niên, rồi sửa soạn đi chúc Tết họ hàng, bà con bên nội rồi sang ngoại, theo thứ tự từ trên xuống dưới, thăm hỏi thầy cô, bè bạn. Mỗi nhà một chút, một chút, nhưng đầy đủ không quên một nơi nào. Tôi mong mỏi, chờ đợi mãi không gian đoàn tụ ấy, có đi xa đến phương trời nào cũng không quên trở về đón tết theo truyền thống như vậy, chưa bao giờ thay đổi bằng những chuyến đi du lịch hay hình thức nào khác.

 Đơn giản vậy thôi, mà suốt 12 tháng tất bật với công việc, gia đình tôi chờ đợi những ngày ngắn ngủi này. Mệt mỏi là có đấy, lo toan cũng có đấy, nhưng không gì đánh đổi được niềm hạnh phúc khi gia đình đoàn tụ, những người con xa nhà được về với quê hương, nguồn cội, con cháu được thấy ông bà luôn khỏe mạnh, yêu đời, ông bà mỉm cười mãn nguyện nhìn cháu con ngày một lớn khôn, ngoan ngoãn, trưởng thành. Dù cuộc sống có hối hả, xô bồ đến mấy, chỉ một bữa cơm đoàn viên, gia đình quây quần bên nhau trong mùi trầm hương ấm áp và linh thiêng lan tỏa vào ngày xuân mưa bay lất phất, cũng đủ khiến những người con xa xứ như tôi ao ước, tìm về...

Huyền Quy

Tin xem nhiều