Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ sĩ Lâm Bảo Thịnh: Trót yêu nghệ thuật múa

01:12, 20/12/2019

Là người con của quê hương Biên Hòa, gần như cả cuộc đời mình nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lâm Bảo Thịnh (giảng viên Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai) đã sống, gắn bó và hoạt động nghệ thuật múa sôi nổi ở tỉnh nhà.

Là người con của quê hương Biên Hòa, gần như cả cuộc đời mình nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lâm Bảo Thịnh (giảng viên Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai) đã sống, gắn bó và hoạt động nghệ thuật múa sôi nổi ở tỉnh nhà.

NSƯT Lâm Bảo Thịnh hướng dẫn học sinh Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai tập các bài múa. Ảnh: L.Na
NSƯT Lâm Bảo Thịnh hướng dẫn học sinh Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai tập các bài múa. Ảnh: L.Na

Hơn 40 năm theo đuổi nghề múa, NSƯT Lâm Bảo Thịnh cho rằng đó là định mệnh, là trách nhiệm thay những người đi trước để cống hiến và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ có tình yêu nghệ thuật.

1. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, Biên Hòa còn khó khăn, đời sống văn hóa tinh thần còn nghèo nàn. Bảo Thịnh cũng như nhiều người khác không có cơ hội được tiếp xúc với thế giới của công nghệ hiện đại nhưng mỗi lần xem các đoàn văn nghệ biểu diễn anh cảm thấy trong lòng mình rạo rực, một niềm đam mê khó tả với múa.

Ghi nhận những cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của dân tộc, năm 2007, nghệ sĩ Lâm Bảo Thịnh được phong tặng danh hiệu NSƯT.

Là một trong những người tốt nghiệp khóa múa đầu tiên của Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, Bảo Thịnh về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc tỉnh. Tại đây anh thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn, biên đạo múa và đoạt nhiều giải cao, trong đó có các huy chương tại hội diễn ca múa nhạc toàn quốc như: tác phẩm múa Men lửa (huy chương vàng năm 1985); huy chương bạc năm 2007 múa Mùa sen nở…  Những giải thưởng anh đoạt được khi còn rất trẻ là động lực thôi thúc để anh phấn đấu hơn nữa, yêu nghề hơn nữa.

Vừa biểu diễn nghệ sĩ Bảo Thịnh vừa học lên chương trình đại học tại TP.Hồ Chí Minh, chuyên ngành biên đạo múa. Sau khóa học (năm 2000), anh về công tác tại Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai cho đến nay.

Hơn 40 năm theo nghề múa, 20 năm theo nghề sư phạm, anh đã cùng các nghệ sĩ biểu diễn phục vụ khán giả Đồng Nai; biên đạo và giảng dạy cho nhiều thế hệ, có người đã trở thành đồng nghiệp hay những nghệ sĩ múa có tiếng trong “làng” múa Việt Nam. 

2. Trò chuyện với NSƯT Lâm Bảo Thịnh, chúng tôi càng thêm cảm mến con người anh, hiểu vì sao anh được đồng nghiệp, học sinh, sinh viên yêu mến đến vậy. Anh vui vẻ chia sẻ rằng, trong xu thế hiện nay, múa đương đại đã và đang dần lấy lại vị thế và có “đất” sống. Nếu để ý kỹ, nghệ thuật múa khá gần gũi với cuộc sống, bởi nó “chạm” đến những khía cạnh rất “đời”, rất thân quen với mỗi người. Tuy nhiên, để truyền tải ý tưởng đến người xem, nhất là thực hiện tác phẩm mang bản sắc văn hóa vùng miền không hề đơn giản.

“Đưa chất liệu văn hóa của Biên Hòa - Đồng Nai vào trong từng bài múa để biên đạo và dạy cho học sinh, tôi thường kết hợp nhiều yếu tố, trong đó chú ý vấn đề lịch sử và văn hóa các dân tộc. Thông qua múa, qua âm nhạc và qua những câu chuyện kể, tôi muốn người học, người xem hiểu hơn về ngôn ngữ hình thể, “neo” lại trong họ những khoảnh khắc, niềm vui hay đơn giản là sự trong trẻo của văn hóa nơi họ đang học tập, sinh sống và làm việc” - NSƯT Bảo Thịnh nói.

Từng là học sinh và hiện là đồng nghiệp của NSƯT Bảo Thịnh, cô Cao Hoàng Lê (giáo viên Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai) cho biết, cô theo học múa ở trường và là học trò của thầy Thịnh trong suốt 6 năm. Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, cô tiếp tục theo học múa bậc đại học ở TP.Hồ Chí Minh. Về lại trường, làm đồng nghiệp của thầy Thịnh với cô là cái duyên, mà trong đó có cả sự may mắn.

“Sau khi tôi tốt nghiệp đại học, thầy Thịnh đã giới thiệu tôi về trường “phụ” thầy một số lớp. Nhiều năm đứng lớp cùng thầy, tôi mới cảm nhận rõ hơn sự thân thiện, cởi mở cũng như tâm huyết thầy dành cho nghệ thuật múa. Giờ đây, tôi đã “độc lập” đứng lớp một mình, những bài học mà thầy đã dạy tôi là nền tảng để tôi tiếp tục truyền dạy cho học sinh…” - cô Cao Hoàng Lê bày tỏ.

3. Nhìn lại quãng đường đã vượt qua, NSƯT Lâm Bảo Thịnh rất trân trọng những giọt mồ hôi, nước mắt và cả những nỗi đau mà mình đã đánh đổi để có được như ngày hôm nay. Những trải nghiệm mà anh đã đi qua có cả những niềm vui lẫn nỗi buồn, nhưng điều quan trọng nhất là anh không bao giờ từ bỏ. Thử thách khó khăn với anh chính là động lực giúp anh quyết tâm, hoàn thiện bản thân hơn.

NSƯT Lâm Bảo Thịnh không thích nói nhiều về bản thân, khiêm tốn trước mọi người, trong con người anh luôn ẩn chứa một niềm đam mê cháy bỏng, đó là “cháy” hết mình vì nghệ thuật. Nghe anh say sưa kể về những dự định mà mình đã và sắp thực hiện trước khi nghỉ hưu như tiếp tục cống hiến, mở thêm nhiều lớp dạy múa miễn phí cho người trẻ... mới thấy, người nghệ sĩ ấy vẫn còn rất sung sức, bận rộn. Có lẽ Lâm Bảo Thịnh sinh ra là dành cho công việc và sự sáng tạo không ngừng...

Ly Na

Tin xem nhiều