Báo Đồng Nai điện tử
En

Lễ hội múa rối TP.Hồ Chí Minh lần 2-2019: Để trẻ thơ có những ký ức đẹp

10:12, 17/12/2019

Sau thành công của lễ hội lần 1 diễn ra tháng 8 năm ngoái, lễ hội múa rối TP.Hồ Chí Minh lần 2-2019 với chủ đề Ước mơ xanh tiếp tục được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ từ ngày 27 đến 29-12.

Sau thành công của lễ hội lần 1 diễn ra tháng 8 năm ngoái, lễ hội múa rối TP.Hồ Chí Minh lần 2-2019 với chủ đề Ước mơ xanh tiếp tục được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ từ ngày 27 đến 29-12.

Vở rối Thân phận nàng Kiều của Nhà hát múa rối Việt Nam tham gia Lễ hội múa rối TP.Hồ Chí Minh lần thứ 2-2019. Ảnh: T.Trọng
Vở rối Thân phận nàng Kiều của Nhà hát múa rối Việt Nam tham gia Lễ hội múa rối TP.Hồ Chí Minh lần thứ 2-2019. Ảnh: T.Trọng

* 150 nghệ sĩ múa rối cả nước chào đón du khách

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, sẽ có khoảng 150 nghệ sĩ múa rối đến từ 5 đoàn nghệ thuật múa rối cả nước tham gia gồm: Nhà hát múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát múa rối Hải Phòng và Nhà hát múa rối Tày Thái Hải.

Đặc biệt, 2 nhà hát múa rối Việt Nam và Thăng Long sẽ đưa 2 tác phẩm gây ấn tượng với công chúng trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3 vào phục vụ khán giả phương Nam là Thân phận nàng Kiều (Nhà hát múa rối Việt Nam) và Mơ rồng (Nhà hát múa rối Thăng Long). Ban tổ chức đang tính toán hình thức biểu diễn hợp lý trong chuỗi chương trình, hoặc là nguyên vở, hoặc là trích đoạn.

Sẽ có 3 sân khấu tại lễ hội, bao gồm 2 sân khấu rối cạn và một sân khấu rối nước. Các sân khấu sẽ hoạt động 3 suất/ngày (9 giờ, 16 giờ và 18 giờ). Các nghệ sĩ sẽ biểu diễn đa dạng từ rối nước, rối que, rối lùn đến rối dây… Trước chương trình biểu diễn sẽ có hoạt động diễu hành với hàng trăm nghệ sĩ tham gia trong những hình dạng rối, trang phục bắt mắt, vui nhộn.

* Giao thoa giữa truyền thống và hiện đại

Lễ hội múa rối TP.Hồ Chí Minh năm nay hướng tới sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại nên nhà chế tác Phạm Việt Cường đã đầu tư để tạo ra những biểu tượng con rối Việt Nam và phương Tây. Sẽ có biểu tượng con rối đồi mồi khổng lồ cao 2,5m chở trên lưng ông địa cao 2,5m. Anh Việt Cường cho biết con đồi mồi là hình ảnh con vật vui vẻ có thể vượt đại dương xa xôi đến Việt Nam và vắt vẻo trên lưng đồi mồi là ông địa như biểu tượng của sự may mắn, yên ấm của người dân Việt Nam hướng tới một năm mới vui tươi, an lành. Bên cạnh các biểu tượng thằng Bờm, Sơn Tinh - Thủy Tinh, sẽ có biểu tượng gấu Pooh, vịt Donald, mèo máy Doraemon… để thu hút khán giả nhí.

Sự tiếp nối của nghệ thuật truyền thống

NSND Vương Duy Biên, Tổng đạo diễn chương trình nhấn mạnh, trong chương trình biểu diễn của các đơn vị sẽ chú ý xen kẽ giữa truyền thống và hiện đại. Bên cạnh những tiết mục “đặc sệt” truyền thống để người dân có thể biết về nghệ thuật múa rối dân tộc sẽ có những tiết mục được dàn dựng mang hơi thở thời đại, hoặc có sự giao thoa giữa truyền thống với hiện đại. Với cách kết hợp này, Ban tổ chức mong muốn người ta có thể thấy nghệ thuật truyền thống vẫn tiếp tục được truyền nối, được hòa chung hơi thở thời đại, được đồng hành với cuộc sống.

Lễ hội lần này mang quyết tâm là lễ hội của công chúng chứ không phải là lễ hội của riêng Ban tổ chức. Vậy nên, Ban tổ chức đã lên mọi kế hoạch để có thể “kéo” khán giả lên sân khấu, hòa cùng các hoạt động với nghệ sĩ. Theo đó, kết cấu chương trình năm nay 50% thời lượng dành cho biểu diễn, 50% thời lượng còn lại dành cho giao lưu, tương tác giữa nghệ sĩ với khán giả với mong muốn công chúng sẽ có cơ hội khám phá, tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật múa rối.

Đạo diễn Chánh Trực bày tỏ tham vọng chương trình phải thực sự là ngày hội của khán giả, từ trẻ con tới người lớn. Khán giả vừa được xem chương trình, vừa được chơi với rối, được giao lưu với nghệ sĩ, được chứng kiến tận mắt các nghệ nhân chế tác, tạo hình con rối sau đó còn được tặng quà mang về.

Còn NSND Vương Duy Biên, Tổng đạo diễn chương trình thì chia sẻ, lễ hội được tổ chức để khán giả, đặc biệt là trẻ em có những ký ức đẹp về nghệ thuật truyền thống, lan tỏa tình yêu nghệ thuật múa rối đến với công chúng.

Lễ hội múa rối TP.Hồ Chí Minh đã được phép tổ chức định kỳ hằng năm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ban tổ chức đang cân nhắc chọn 1 tháng cố định trong năm để mọi người dễ nhớ khi nhắc đến Lễ hội múa rối TP.Hồ Chí Minh. Không chỉ tạo không khí lễ hội trong nước, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nghệ thuật múa rối truyền thống mà sắp tới, những người thực hiện chương trình sẽ cố gắng mời được các đoàn múa rối trong khu vực ASIAN đến tham gia, hoặc một số quốc gia khác có hoạt động múa rối nổi bật để lễ hội sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa múa rối Việt Nam với thế giới.          

Trí Trọng

Tin xem nhiều