Báo Đồng Nai điện tử
En

Chân dung kịch nói Sài Gòn

09:12, 08/12/2019

Năm 2019, hầu hết các sân khấu ở TP.Hồ Chí Minh đều thực hiện xã hội hóa để nỗ lực "sáng đèn" suốt tháng. Mỗi sân khấu mang một phong cách khác biệt, làm giàu cho "bộ mặt" kịch nói của thành phố.

Năm 2019, hầu hết các sân khấu ở TP.Hồ Chí Minh đều thực hiện xã hội hóa để nỗ lực “sáng đèn” suốt tháng. Mỗi sân khấu mang một phong cách khác biệt, làm giàu cho “bộ mặt” kịch nói của thành phố.

Vở Tiên Nga của IDECAF. Ảnh:H.K
Vở Tiên Nga của IDECAF. Ảnh:H.K

* Những “lão làng” đáng nể

Lâu đời nhất phải kể là Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ với cái tên trìu mến là 5B. Có thể ví đây như một người phụ nữ từng có nhan sắc mặn mà, hấp dẫn, giờ vẫn chín chắn, nghiêm túc, cố bảo vệ phong thái chững chạc của mình. Dù đôi lúc cũng muốn đi cùng thời đại, nên có cười cợt vui vẻ một chút, có tung tẩy một chút nhưng vẫn “trong vòng lễ giáo”. Đôi khi buồn vì những đêm vắng vẻ, chạnh lòng vì nỗi cô đơn, nhưng người phụ nữ này giấu hết nỗi niềm, quyết không bước ra khỏi những nguyên tắc mẫu mực đã xây dựng suốt mấy chục năm.

Ảo và thật, Những giấc mơ lóng lánh, Bên đàng dệt mộng, Gương mặt kẻ khác, Tình lá diêu bông, Tiền là số 1 là những tác phẩm mới nhất để lại ấn tượng rất đẹp. Và Giám đốc NSƯT Mỹ Uyên lặng lẽ “thắp đèn” cho 5B đến khi nào cạn sức thì thôi. Không ai thấy Mỹ Uyên thở dài, chỉ thấy cô sẵn sàng thay vai cho bất cứ diễn viên nào vắng mặt, sẵn sàng nhận vai phụ, đẩy đàn em bước lên vai chính.

IDECAF nối tiếp 5B những ngày đầu của kịch. Nhiều nghệ sĩ tinh hoa của 5B đổ về đây để thành lập một sân khấu mới. Và bây giờ, có thể ví IDECAF như một người đàn ông trưởng thành, vững chãi, cường tráng, con cháu đông đúc, có thể diễn một ngày mấy suất, “đánh trận” cả sân khấu lớn như Nhà hát Bến Thành hoặc “chinh chiến” nơi xa như Mỹ.

Người đàn ông này đặc biệt có nhiều sắc thái, lúc thì nghiêm nghị, sâu sắc với Bí mật vườn Lệ Chi hoặc Tiên Nga, lúc lại trào nước mắt cùng Tía ơi má dìa, Bông hồng cài áo, hoặc dí dỏm, hài hước với Tấm Cám, trẻ thơ hồn nhiên với Ngày xửa ngày xưa, rồi quay ngoắc cái đã thấy châm biếm sâu cay trong Hợp đồng mãnh thú... Người đàn ông này biến hóa khó lường, nhưng cũng tài hoa lạ lùng, liếc mắt đã hớp hồn bao trái tim khán giả. Diễn xuất cũng giỏi mà ca hát, nhảy múa cũng hay, trang phục thì rực rỡ, cảnh trí lộng lẫy. Người đàn ông này sung mãn về kinh phí và nội lực.

Hoàng Thái Thanh cũng có nhiều nghệ sĩ tách ra từ 5B, mà đầu tàu Ái Như - Thành Hội là 2 người kiên trì và thầm lặng đến đáng nể. Cũng lặng lẽ chống chọi với thị trường khắc nghiệt, cũng trung thành với phương châm “tử tế” đã trót đeo mang. Sân khấu Hoàng Thái Thanh như một người phụ nữ còn giữ được chất thôn quê chân chất, hầu hết đều thấy áo bà ba bên cạnh mái nhà tranh, dòng sông, bến nước, cái lu, cây chuối, chiếc ghe… làm người ta hoài niệm một góc quê xa yêu dấu. Và những câu chuyện quê làm người ta mủi lòng, khóc mướt. Người phụ nữ này níu lại chút gì đó của tuổi thơ, của cố hương xa ngái. Sài Gòn phồn hoa náo nhiệt, vậy mà ở đây vẫn tí tách từng giọt thương giọt nhớ với Nửa đời ngơ ngác, Mơ trăng bóng nước, Bao giờ sông cạn… Thi thoảng người phụ nữ này có bước lên Sài Gòn nhưng vẫn giữ nét hiền lành chân chất như trong Sài Gòn có một ngã tư.

* Và những gương mặt trẻ

Sau những “lão làng” đó, là những gương mặt trẻ hơn, mà hiện nay nổi đình nổi đám là Sân khấu Thế giới trẻ. Đây là một “chàng trai” tuổi đang sung sức, đẹp trai, trẻ, khỏe, tươi, nhanh, hiện đại, “chịu chơi” một ngày có thể diễn mấy suất với dàn diễn viên mới toanh, hấp dẫn. Chàng trai này cũng đa năng lắm. Nào bi thương với Đời như ý, hoặc tâm lý xã hội với chuyện phi công lái máy bay bà già trong Bao giờ mẹ lấy chồng, hài hước với Mẹ chồng rắc rối, kinh dị với Mắt âm dương… Nhưng cuối cùng vẫn là những thông điệp nhân văn, khiến người ta cười rồi khóc được. Ngôn ngữ của chàng trai này phù hợp với lớp trẻ, nên họ đi xem rất nhiều. Tuy nhiên phụ huynh cũng dần chiếm lĩnh khán phòng.

Vở Mẹ chồng rắc rối của Sân khấu Thế giới trẻ. Ảnh:H.K
Vở Mẹ chồng rắc rối của Sân khấu Thế giới trẻ. Ảnh:H.K

“Bà bầu” Hồng Vân đem “thương hiệu” của mình gửi vào Sân khấu Phú Nhuận. Và nơi đây cũng giống “bà bầu” lắm, ví như “người phụ nữ” mặn mà, sắc sảo, mang cả chất Nam lẫn chất Bắc, nên quyến rũ lạ kỳ. Từng nổi đình nổi đám với Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Chị Dậu, Đàn bà dễ có mấy tay, Con nhà nghèo… chuyển thể từ các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Hồ Biểu Chánh, là những dấu son đẹp nhất của Phú Nhuận. Chưa kể Nỏ thần là một vở kịch lịch sử hoành tráng chứng tỏ người phụ nữ này mang cả khí chất đàn ông, đủ sức làm chuyện lớn. Nhưng về sau, người phụ nữ này đã giao gần hết sự nghiệp lại cho đàn con, tức dàn diễn viên trẻ, các em vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn, và bây giờ thì đa số là kịch kinh dị. Cho nên nói kịch Phú Nhuận giờ là “trẻ” chắc cũng không sai.

Nói về kịch kinh dị thì không nơi nào qua nổi Kịch Sài Gòn. Cố nghệ sĩ Mạnh Tràng ngay từ đầu đã xác định chọn con đường “chuyên trị” kịch kinh dị bởi anh biết mình làm các thể loại khác sẽ thua các sân khấu khác. Có thể ví Kịch Sài Gòn như anh thanh niên vui tính, thích kể chuyện ma, hù người ta một chút xíu rồi thôi, chứ không có ác tâm gì. Xem kịch ma ở đây tức cười nhiều hơn sợ, có khi lại khóc nữa mới kỳ. Áo đợi người có tình mẹ quá yêu thương, Tử hình có vụ án oan của Nguyễn Thanh Chấn đau nghẹn lòng… Kịch cũng ngắn hơn các nơi khác, đủ cho lớp trẻ đi xem nhanh thư giãn. Một tuần diễn 9 suất, “nuôi” được nhiều diễn viên rất trẻ, thậm chí mới ra trường, thì cũng đáng ghi nhận.

Hoàng Kim

Tin xem nhiều