Báo Đồng Nai điện tử
En

Theo nghiệp văn chương của cha

10:11, 15/11/2019

Cha tôi, nhà văn Bùi Hiển thường nói: "Văn... mông lung", còn nhà thơ Chế Lan Viên thì bảo: "Thơ... lơ mơ". Bởi vậy phần đông con cái các nhà văn, nhà thơ lựa chọn một nghề đỡ vất vả hơn. Có nhiều người cũng khởi đầu với văn chương rồi sau đó rẽ sang nghề khác có dính líu đến văn chương như: làm báo, làm phim. Có người chuyển sang làm hẳn nghề khác rồi thỉnh thoảng quay lại văn chương tí chút.

Cha tôi, nhà văn Bùi Hiển thường nói: “Văn... mông lung”, còn nhà thơ Chế Lan Viên thì bảo: “Thơ... lơ mơ”. Bởi vậy phần đông con cái các nhà văn, nhà thơ lựa chọn một nghề đỡ vất vả hơn. Có nhiều người cũng khởi đầu với văn chương rồi sau đó rẽ sang nghề khác có dính líu đến văn chương như: làm báo, làm phim. Có người chuyển sang làm hẳn nghề khác rồi thỉnh thoảng quay lại văn chương tí chút.

Cố nhà văn Bùi Hiển
Cố nhà văn Bùi Hiển

Tôi cũng không ngoại lệ. Làm nhà giáo dạy học trọn 40 năm, tôi vẫn ôm mộng văn chương, nhưng viết lúc đứt lúc nối, lúc trồi lúc sụt - dù niềm đam mê chưa bao giờ nguội tắt. Mãi đến khi rời hẳn bục giảng, tôi mới có điều kiện đầu tư trở lại cho nghề viết. Có người bạn tò mò hỏi:

- Cha anh là một nhà văn sành sỏi, chắc cụ dạy cho anh nhiều “chiêu” lắm nhỉ?

Tôi tủm tỉm cười thưa: “Chả có ông nhà văn nào lại dạy con từng li từng tí, như một người thợ cả cầm tay chỉ việc cho những thợ mới học việc. Cũng không ông nào bắt con phải viết... y như mình. Thế thì còn gì văn chương nữa”.

Tôi học ở cha mình trước hết từ việc đọc các sáng tác của ông, từ cách miêu tả tinh tế, cách kể chuyện hấp dẫn... Sau đó tôi nhờ ông đọc những bài viết mang tính “tập dượt” của mình. Có cái ông không nói gì, thì biết ngay là hỏng rồi. Có cái ông bảo: “Con viết mới có chủ đích chứ chưa có chủ đề”, thế là tôi phải tìm tòi nâng tầm chủ đề lên. Có lần tôi cũng được ông khen: “Viết có ý vị riêng, dí dỏm kiểu Nam bộ”.

Một lần, tôi được đăng báo bài thơ Với mùa đông. Đọc xong ông bảo: “Người miền Nam đọc có thể hình dung ra mùa đông ngoài này”. Thế là biết ông khen hình tượng thơ đạt. Cũng có lúc ông chỉ “chiêu” cho thật, nhưng hiếm lắm. Có hôm ông bảo: “Phải viết cho ẩn ảo”, nghĩa là cách viết hiện đại, phải đa thanh, đa nghĩa, như cách ông viết Cái bóng cọc. Tôi có để ý nhưng chẳng thể nào học được. Có khi ông đưa một số tác phẩm của một số nhà văn viết theo bút pháp lạnh, nhưng tôi thấy khó theo bởi cái tạng của mình khác. Đặc biệt ông rất nghiêm khắc, chẳng bao giờ lăng xê con mình, lấy uy tín của mình để giúp gửi bài của con đăng chỗ này, chỗ nọ.  Ý của ông là muốn biết bơi phải nhảy xuống nước, phải rèn luyện, tập dượt nhiều thì may ra mới nổi lên được.

***

Ngay từ buổi đầu cầm bút, cha tôi đã có tính “khuynh hướng”. Trong lý lịch Hội viên Hội Nhà văn năm 1980, cha tôi tự khai như sau: “Tôi vào nghề văn tương đối thuận lợi. Truyện ngắn đầu tiên gửi đi (để thử sức), 4 tuần sau thấy in trên Báo Ngày nay, tháng 9-1940. Bất ngờ hơn, trên đầu lại có lời giới thiệu ký tên Thạch Lam. Tháng 12, tôi ra Hà Nội đưa bản thảo tập truyện đến nhà xuất bản, 7 tháng sau, cuốn sách đã in xong và có bán ở các hiệu sách. Tuy nhiên những thành công ấy không làm tôi quá say sưa. Tôi tiếp tục cần cù lặng lẽ viết. Tôi không quan niệm viết văn là một công việc gì đặc biệt (thời bấy giờ có một thứ hào quang bao quanh danh hiệu nhà văn). Thấy gì, cảm nghĩ gì trước các cảnh tượng đời sống thì viết ra, như một người trò chuyện, bình thường thế thôi. Thời kỳ đó, tôi đã cho đăng một số truyện ngắn ở các tuần báo Thanh Nghị, Trung Bắc Chủ nhật, Hà Nội Tân văn, Tiểu thuyết Thứ bảy, Bạn đường... Các truyện xoay quanh các chủ đề: đời sống vất vả và lao động dũng cảm kiếm sống của những người dân chài; hủ tục và mê tín dị đoan ở nông thôn; đời sống nhạt nhẽo, nhỏ nhoi của người công chức. Trong văn học thế giới có một xu hướng miêu tả những “con người bình thường”. Tôi nghĩ tôi thuộc xu hướng đó”.

Ngày 22-11 tới đây là kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Bùi Hiển (22-11-1919 - 22-11-2019). Ông nổi tiếng về truyện ngắn với tác phẩm Nằm vạ (1941) khi mới 22 tuổi, đồng thời có không ít bút ký thu hút người đọc và hàng ngàn trang sách dịch. Ông được tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học và nghệ thuật năm 2001 cho các tác phẩm: Tuyển tập Bùi Hiển, Bạn bè một thuở, Ánh mắt, Ngơ ngẩn mùa xuân. Bùi Hiển mất ngày 11-3-2009 tại Hà Nội, thọ 90 tuổi.

Xu hướng miêu tả những con người bình thường chẳng những được thể hiện trong các sáng tác trước Cách mạng Tháng Tám mà ngay trong các sáng tác thời kỳ chiến tranh và ở cả giai đoạn đổi mới. Tác phẩm của cha tôi không có các nhân vật quan chức, tướng lĩnh, không có bối cảnh xa hoa. Trước năm 1945, nhân vật bình thường của cha tôi là những người dân chài thật thà, dũng cảm, thô lậu, hài hước; những công chức nhỏ nhoi, mòn mỏi.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhân vật bình thường của cha tôi là anh đại đội trưởng hiền lành và mối tình thầm kín với người phụ nữ Huế duyên dáng, khổ đau; là cặp vợ chồng cán bộ gặp vội sau trận càn. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân vật của cha tôi là người con đi chiến đấu xa, là cô nữ tiểu đội trưởng Bích Hường. Phản ánh thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cha tôi viết về em bé chăn trâu, anh chị xã viên hợp tác xã đã qua đổ vỡ, nay chắp nối tình cảm với nhau qua lao động. Qua thời kỳ đổi mới, nhân vật bình thường của cha tôi là ông nhà báo, viên chức cơ quan, anh chàng tiến sĩ. Bối cảnh của những nhân vật bình thường ấy là làng chài ven biển, là TP.Vinh hoang sơ, là cuộc sống gian lao và anh dũng ở Chiến khu Bình Trị Thiên, bình thản và sục sôi chiến đấu ở khu Bốn, là Hà Nội nhọc nhằn, trăn trở đổi mới.

Văn chương - với cha tôi không chỉ là bức tranh sinh hoạt, câu chuyện hấp dẫn mà phải mang tính tư tưởng. Cha tôi viết kỹ, chỉ khi nào nghiền ngẫm vấn đề thật thấu đáo mới đặt bút viết. Văn chương mang tính tư tưởng thường có tuổi thọ cao. Sau này tập trung vào nghề viết tôi thường nhớ tới điều này để nỗ lực.

***

Tôi đã nhiều dịp chứng kiến niềm đam mê, sự miệt mài, dấn thân cho văn chương của cha tôi. Hồi còn bé thơ, một đêm mùa đông buốt giá, tôi chợt tỉnh dậy lúc 3 giờ sáng và thấy cha khoác chiếc chăn bông, ngồi lặng phắc đọc sách bằng tiếng Pháp. Trong chiến tranh chống Mỹ, cha thường xuyên xa nhà. Với chiếc ba lô, cuốn sổ và cây bút, cha có mặt ở dải đất chiến sự ác liệt nhất - tuyến lửa khu Bốn. Khi thì đạp xe từ Hà Nội vào, khi đi nhờ được xe vận tải quân sự, sống trong nhà dân, tá túc ở cơ quan, đi dưới cái nóng bỏng của gió Lào, lội trên bùn lầy nhão nhoẹt. Những chuyến đi như thế thường kéo dài 5-6 tháng, có khi cả năm. Mẹ tôi hễ có dịp lại gửi tiền, đường sữa, bánh kẹo, thuốc lá vào tiếp tế. Mấy mẹ con tôi thường sống trong tâm trạng vừa phấn khởi vì cha thăng hoa trong công việc, có sách in, báo đăng liên tục, lại vừa hồi hộp, bồn chồn. Có lần gia đình nhận tin cha bị trúng bom, đã hy sinh. Cả nhà khóc lặng. Nhưng sau được báo là tin thất thiệt, cả nhà liền mua một con gà về nấu cháo ăn mừng.

Sau những chuyến công tác, trở về Hà Nội cha lại lao vào viết. Khi còn ở C4 khu tập thể Kim Liên, nhiều đêm sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ vợ con, cha khép cửa, đi dọc hành lang, khi mỏi thì ngồi trên bậc cầu thang, điếu thuốc lá lập lòe trên tay, có khi đến tảng sáng mới đặt mình. Có lúc cả nhà đi sơ tán, một mình cha bám trụ. Khu tập thể vắng lặng như một ngôi nhà hoang, thế mà một mình cha cứ ra vào, ghi chép, nghiền ngẫm, viết. Mẹ đã để sẵn mì tôm, trứng, hành tỏi, bếp dầu. Năm 1972, Mỹ ném bom B52 ở Hà Nội, cha ở hẳn trong Nhà xuất bản Văn học - nơi đang làm Phó tổng biên tập. Chiếc xe đạp đi-a-măng đưa cha đến phố Khâm Thiên, làng hoa Ngọc Hà, Bệnh viện Bạch Mai để ra hàng loạt bài ký kịp thời.

Sau năm 1975, gia đình chuyển về khu tập thể Trung Tự. Khi ấy, dù tuổi đã khá cao, cha vẫn xông xáo, đi thực tế đồng bằng sông Cửu Long, Sài Gòn, các tỉnh Tây Nguyên, Huế, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Cha tôi thuộc dạng nhà văn chỉ sáng tác dựa trên những chất liệu thực tế. Tôi ở miền Nam mỗi lần về thăm nhà thấy cha cứ cặm cụi hết việc này đến việc khác với một sự điềm tĩnh đến phi thường. Như một người thủy thủ can trường, vững vàng trước sóng to, gió lớn. Đất nước sau chiến tranh bộn bề nghèo khó, những chuyện tiêu cực, lòng người hoang mang. Nó như những lớp sóng bủa vây căn phòng trên gác bốn, nơi có cái bàn viết của cha. Cha lắng nghe, quan sát, thấu hiểu. Nhưng ông không bực tức, bất mãn. Ông lặng lẽ làm việc, hết việc này đến việc khác, ngày này qua ngày khác, nghỉ ngơi giữa quãng một chút rồi làm việc. Tôi có cảm giác quãng thời gian này dù tuổi cao sức yếu, đời sống khó khăn nhưng cha làm việc rất chất lượng.

Lúc này cha chăm chút cho từng truyện ngắn, những mẩu chuyện vui, dịch sách qua sự lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu, viết bài về các đồng nghiệp với một tấm lòng ấm áp nghĩa tình. Ông thường thăm bạn bè đau yếu, chia sẻ với bạn bè có chuyện buồn, dự tang lễ bạn văn. Ông tham gia Hội đồng Văn xuôi, thường trực Hội Nhà văn, chấm giải thưởng, tuyển chọn tuyển tập, nói chuyện với các học viên Trường viết văn Nguyễn Du, đi trao đổi văn hóa nước ngoài. Việc nào cũng chu đáo, đầy trách nhiệm.

Nghề văn thật là khó để đạt được thành tựu. Tôi thỉnh thoảng còn chểnh mảng, ngại khó. Để đạt được một chút gì của cha quả thật cần nhiều tận tụy và nhiệt huyết hơn nữa.

Bùi Quang Tú

Tin xem nhiều