Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm mẹ

11:10, 25/10/2019

42 tuổi, khỏe mạnh, dễ nhìn. Vậy mà Thơm vẫn ế.

Thực ra Thơm cũng yêu vài bận nhưng chẳng nên cơm cháo gì. Cuối cùng chị bỏ hẳn tham vọng kiếm chồng. Nhưng không chồng, đàn bà vẫn cần có con, để sớm tối hủ hỉ. Nghe bạn bè mách nước, Thơm gửi đơn xin vào làm mẹ ở một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi.

42 tuổi, khỏe mạnh, dễ nhìn. Vậy mà Thơm vẫn ế.

Thực ra Thơm cũng yêu vài bận nhưng chẳng nên cơm cháo gì. Cuối cùng chị bỏ hẳn tham vọng kiếm chồng. Nhưng không chồng, đàn bà vẫn cần có con, để sớm tối hủ hỉ. Nghe bạn bè mách nước, Thơm gửi đơn xin vào làm mẹ ở một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi.

Sang thu. Trung tâm nhận về một bé gái nhỏ thó, gương mặt tròn, tên Trà.

Con Trà được “biên chế” vào trung tâm cùng 9 đứa trẻ khác. Nó ít nói, ít cười. Một lần, Trà bị cảm. Thơm nấu nước lá xông cho con bé.  Nó gầy trơ xương, hai bả vai nhỏ xíu nhô lên. Thơm bảo nó cúi đầu xuống, trùm mền, nó răm rắp làm theo. Từ hôm ấy, Thơm thấy như có mối dây ràng buộc giữa chị và con bé. Chị nảy ra ý nghĩ táo bạo: xin Trà làm con nuôi.

Bà giám đốc trung tâm sửng sốt:

- Xin con nuôi? Cô sẽ thay tôi nay mai. Tính bỏ sao?

- Dạ. Em chấp nhận - Thơm quả quyết. 

Bà giám đốc ỉu xìu:

 - Thôi được. Tôi chấp thuận. Nhưng cô vẫn phải làm thủ tục đàng hoàng. Để sau này khỏi lôi thôi.

Hình minh họa: Còm
Hình minh họa: Còm

Ngày đưa Trà về nhà, chị chở nó ra chợ, sắm đồ mới. Lúc trở về, nó ngồi trước xe honda của Thơm, líu lo như chim. Mái đầu nhỏ nhắn của nó nép sát vào ngực Thơm. Mùi tóc mới gội của Trà thoảng lên mũi làm chị nao nao. Lần đầu tiên, Thơm nếm trải cảm giác lâng lâng hạnh phúc được làm mẹ một đứa trẻ của riêng mình.

Ngày đầu dẫn con đi học, Thơm bồi hồi. Trà mặc váy đồng phục, áo trắng, cặp sách có chú mèo Doraemon đeo sau lưng. Bàn tay nhỏ mềm như lá non nắm tay mẹ thật chặt. Cô giáo xếp Trà ngồi bàn trên cùng, nó nhấp nhổm nhìn ra ngoài cửa, mắt dáo dác tìm mẹ. Thơm đưa tay vẫy con, chị cười mà hai mắt nong nóng…

Con Trà hay đái dầm. Đêm nói mớ từng tràng. Có hôm đang ngủ nó bỗng ngồi bật dậy, òa khóc. Thơm ôm lấy nó, vỗ về. Trà nằm nghiêng, cái mông nhỏ xíu nhọn ra, hai bàn tay ấp dưới má. Cũng có hôm nó nằm dang tay chân, choáng hết nửa giường. Thơm hì hụi vần nó nằm thẳng lại, chị băn khoăn tự hỏi không biết trong giấc mơ, con bé gặp phải chuyện gì.

- Mẹ ơi. Theo trai là sao? Một hôm hai mẹ con đang ăn cơm, Trà bỗng hỏi mẹ.

Nó đã học lớp hai. Được mẹ chăm chút, nó đã có da có thịt, mái tóc tơ óng mượt. Thơm nhìn con gái, ngạc nhiên. Sao con hỏi vậy? Ai nói gì con à? Con bé dẩu môi. Hồi đó nội hay nói vậy. Nội nói mẹ không thương con, bỏ theo trai. Thơm nhíu mày. Con đừng nói linh tinh. Ăn cơm đi.

Trà lẳng lặng ăn hết chén cơm. Nhìn nó, Thơm bỗng thấy trong lòng bất an.

Sáng chủ nhật, Thơm tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Con Trà sang chơi nhà hàng xóm. Bỗng có tiếng chó sủa. Thơm nhìn ra. Một người đàn bà lạ. Chị ta thập thò ngó ngiêng vào nhà Thơm. Thấy Thơm đi ra, người ấy lúng túng:

- Chào chị. Em muốn hỏi thăm nhà… chị Thơm.

- Tôi đây. Cô là ai? Thơm hỏi. Thấy chị ta có vẻ muốn nói điều gì đó, Thơm mời chị ta vào nhà.

- Em tên Nhung, nhà ở Lâm Đồng. Em là… mẹ ruột cháu Trà.

Mẹ ruột? Thơm bàng hoàng. Chị nhìn người đàn bà chằm chằm:

- Tôi không hiểu, cô nói gì? Cô là ai?

- Em là mẹ ruột cháu Trà - Người đàn bà nhắc lại - Nhà em lúc trước ở quê. Chồng em chẳng may qua đời, lúc đó em còn quá trẻ, nhà lại không còn đồng xu cắc bạc nào. Em quẫn, bỏ bé Trà lại cho nội nó nuôi để đi làm ăn… Vừa rồi, em về quê. Đi khắp nơi tìm con. Người ta giấu tên chị. Khó khăn lắm em mới tìm được tới đây.

Thơm cảnh giác:

- Sao tôi có thể tin cô chứ?  Nói thì dễ…

- Em có cái này… Người đàn bà nói, mắt rơm rớm. Chị ta mở túi, lục tìm trong chiếc bóp, lấy ra tấm hình một đôi vợ chồng trẻ và đứa bé gái. Bức hình hơi nhàu nhưng vẫn rõ người vợ là vị khách còn đứa trẻ là bé Trà. Thơm cau mày:

 - Trà là con tôi. Cô đã bỏ rơi nó. Bây giờ lại xưng xưng đến đòi con. Ai cho cô cái quyền ấy? Cô… đi đi. Đừng để tôi phải làm lớn chuyện - Thơm nói, quyết liệt tống khứ người khách ra cửa. Vừa lúc đó, con Trà ào vào nhà. Người đàn bà thảng thốt kêu lên: “Trà. Con của mẹ”. Chị ta ôm chầm lấy con bé. Trà hoảng sợ. Nó giằng tay chị ta ra, chạy lại nép vào lòng Thơm. Sự việc xảy ra nhanh đến nỗi phải mất một lúc Thơm mới định thần. Chị bảo Trà đi lên gác, con bé vừa chậm chạp lê bước lên cầu thang, vừa quay lại nhìn trộm người đàn bà.

Sau một hồi năn nỉ lẫn đe nẹt, Thơm mời được vị khách ra khỏi nhà. Chị ta sụt sịt một lúc rồi miễn cưỡng đứng dậy, lủi thủi xách túi đi ra.

Buổi tối, khi hai mẹ con đi ngủ, Trà thắc mắc về người đàn bà. Thơm gạt đi “Cổ nhầm đó mà. Thôi con ngủ đi”. Trà nằm im, rồi nó vòng tay ôm cổ Thơm, ngủ thiếp.

Suốt đêm Thơm trằn trọc. Chị cảm thấy ngôi nhà hạnh phúc của mình chao đảo. Thơm vùi đầu vào gối, cố gạt đi những dự cảm không vui.

Sáng nay Thơm đưa con gái đến trường rồi đi chợ. Ngôi chợ chồm hổm đối diện với nhà Thơm, chìm khuất giữa dãy ki-ốt tạp hóa. Sau cơn mưa, đường sá lầy lội, nát bấy. Bỗng có tiếng gọi “Chị ơi. Chị ơi”. Người đàn bà trẻ chạy theo Thơm, níu lấy áo chị “Chị ơi. Em xin chị. Chị vào đây cho chúng em nói chuyện đã”. Thấy không thể đôi co giữa đường và cũng không thể lẩn tránh người khách khó chịu, Thơm cau có đi theo chị ta. Quán cà phê bên hông chợ. Một người đàn ông đã ngồi đó. Đôi dép tổ ong và ống quần anh ta bết bùn đất. Chiếc áo thun xám bị nước mưa thấm ướt loang lổ. Thấy Thơm, anh ta lộ vẻ vui mừng:

- Chào chị. Em là chồng của Nhung. Mấy ngày nay không nghe tin gì của vợ, em sốt ruột, mới chạy từ Lâm Đồng về đây.

Thơm ngồi xuống ghế, bực bội:

- Cô chú đừng lằng nhằng. Trà là con tôi. Tôi có giấy tờ hợp pháp hẳn hoi.

Người đàn ông nhìn vợ rồi nhìn Thơm:

- Xin chị thông cảm. Vợ em nó cũng thương con lắm. Khóc suốt. Ngặt nỗi làm ăn khó khăn. Năm nay trúng cà phê, vợ em đòi về tìm con, em mới đồng ý. May mà tìm được. Chúng em muốn đón cháu Trà về cho nó có chị có em. Xin chị làm phúc. Chúng em mang ơn chị.

- Thế mấy hôm rồi cô ở đâu? Thơm buột miệng hỏi. Chị lo sợ người đàn bà… rình bắt bé Trà.

- Dạ. Em thuê nhà trọ gần đây. Chờ cháu đi học về…

Hóa ra cô ta chực ở đây cả tuần, để nhìn con bé! Thơm đột nhiên cảm thấy miệng khô đắng. Chị liếm môi, đưa mắt nhìn vợ chồng người khách. Đối với Thơm, họ là những kẻ phá quấy. Nhưng thật lạ lùng, ngay trong lúc này, đáng lẽ phải oán ghét họ thì chị lại thấy lòng nao nao. Hẳn họ đã suy tính kỹ trước khi đến đây…

- Bây giờ cô chú cứ về, để lại đây cho tôi địa chỉ liên lạc. Có gì tôi sẽ gọi. Thơm khó nhọc nói. Nỗi lo sợ lẫn tức giận đang dâng lên trong lòng chị.

 - Dạ… Dạ. Chúng em xin đội ơn chị - người đàn bà vội vàng đáp. Mắt cô ta bừng lên niềm hy vọng.

Thơm bỏ đi thật nhanh, không quay đầu lại.

Mình điên thật rồi. Lẽ ra mình phải bảo chị ta cuốn xéo. Đã chối bỏ quyền làm mẹ thì ráng chịu. Chứ trách ai? Dầu gì mình cũng đã nuôi bé Trà mấy năm. Đã mến chân mến tay nó. Trà ơi. Mẹ không thể mất con. Con là tình yêu, là hy vọng của mẹ. Thơm thổn thức, ôm xiết con vào lòng. Trong bóng tối, nước mắt chị âm thầm chảy. Trà ngủ say, một chân gác lên người Thơm, mặt nó dụi vào ngực chị như để tìm hơi ấm. Nó nào biết trong lòng Thơm đang vật vã giằng xé.

Từ ngày có Trà, cuộc sống của Thơm đầy ắp niềm vui. Thơm không còn thấy trống trếnh, hẫng hụt. Nhưng từ đâu đó trong cõi thẳm sâu của ý thức, một ý nghĩ cứ nhoi nhói trồi lên. Thơm thoáng nghĩ đến Thủy, con nuôi bà hàng xóm nhà chị. Thủy cũng bị bỏ rơi từ ẵm ngửa, được bà mẹ nuôi hết lòng nuôi nấng, dạy dỗ. Vậy mà năm 18 tuổi, chỉ cần một lần mẹ ruột đến tìm, Thủy đã xách gói về nhà bà ta, mặc cho người mẹ nuôi như đứt từng khúc ruột. Phải chăng tình mẫu tử thiêng liêng không gì có thể chia lìa? Và tiếng nói của huyết thống dù nhỏ bé yếu ớt đến mấy vẫn đầy uy lực?

Nghe chuyện con gái, mẹ Thơm thở dài. Vậy là tò vò nuôi nhện. Má tin trước sau gì con nhỏ cũng tìm về mẹ ruột. Thôi thì… trả con cho người ta. Coi như mình nuôi giùm.

Thơm im lặng. Mắt chị mở to mà như không thấy gì. Đầu óc trống rỗng. Hồi sau, như chợt tỉnh, chị đứng dậy chào mẹ, lủi thủi đi về…

Buổi tối, Thơm ngồi soạn quần áo, tư trang của con gái, nước mắt rơi lã chã. Tay chị vuốt ve từng cái quần, cái áo, con búp bê có hàng mi cong. Chị xếp cả chiếc máy đánh trứng và hàng chục hũ đựng sữa chua vào trong chiếc túi đựng “tài sản” của Trà. Những thứ này Thơm mua để dùng cho con gái, giờ với chị, nó đã thành vô nghĩa...

                       ***

Thơm trở lại trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi. Cuối mùa mưa. Cỏ dại và dây leo tràn ra cả lối đi. Khung cảnh quen thuộc đến nao lòng. Tim Thơm đập rộn lên khi thấy thấp thoáng bóng bọn trẻ đằng sau những ô cửa sổ. Một đứa nào đó vừa kêu váng lên “A mẹ Thơm. Mẹ Thơm về…”.

H.N.Đ

Tin xem nhiều