Báo Đồng Nai điện tử
En

'Tìm lại' Trung tâm văn hóa Suối Tre

04:10, 08/10/2019

Trung tâm văn hóa Suối Tre nằm cách trung tâm TP.Long Khánh chừng 3km về hướng Tây Bắc. Nơi đây là điểm dừng chân, tham quan, check-in lý tưởng khi đến với TP.Long Khánh.

Trung tâm văn hóa Suối Tre nằm cách trung tâm TP.Long Khánh chừng 3km về hướng Tây Bắc. Nơi đây là điểm dừng chân, tham quan, check-in lý tưởng khi đến với TP.Long Khánh.

Không gian xanh của Suối Tre thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh tham gia giao lưu, trải nghiệm
Không gian xanh của Suối Tre thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh tham gia giao lưu, trải nghiệm

Theo nhiều tài liệu ghi chép, Trung tâm văn hóa Suối Tre được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, khi những người Pháp đến Long Khánh lập đồn điền cao su. Sau năm 1954, khi người Pháp rút về nước, khu Suối Tre được giao lại cho nhiều chủ và hiện do Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý.

* Khu Suối Tre và sự hồi sinh…

Nét đẹp của Trung tâm văn hóa Suối Tre không chỉ ở mặt “phong thủy” với khí hậu ôn hòa mà còn có những ngôi nhà cổ với kiến trúc từ thời Pháp thuộc. Khuôn viên trung tâm có những bậc cấp nhân tạo, những hàng cây xanh ngắt, tỏa bóng. Đặt chân đến đây, ắt hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng, làm sao sau bao thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn giữ được không gian xưa, thuần túy cổ kính, đẹp nao lòng đến thế.

Đường đi vào Trung tâm văn hóa Suối Tre rộng rãi. Bên trong, những nét truyền thống đặc trưng như kiến trúc, không gian xanh… cơ bản vẫn in dấu văn hóa xưa. Những cây cổ thụ sống đến hàng trăm năm, điềm tĩnh nhìn khách thập phương về chiêm ngưỡng. Đặc biệt, những ngôi nhà cổ do người Pháp xây ở đây thường theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ đều một trệt một lầu với nhiều gian phòng. Tường nhà được sơn màu nâu vàng, các cửa chính và cửa sổ đều bằng gỗ, mái lợp ngói đỏ.

Với người dân, du khách, nhất là công nhân cao su, Trung tâm văn hóa Suối Tre là điểm lựa chọn cho những chuyến nghỉ ngơi, dã ngoại hoặc chụp ảnh cưới. Mặc dù đã đến nhiều lần, nhưng lần nào cũng mang lại cho chị Phạm Thị Hoa (Nông trường cao su Long Thành) những cảm xúc khác nhau. Chị Hoa cho biết, từng đi nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nhưng chưa thấy nơi nào đẹp và thơ mộng như ở Suối Tre.

“Công nhân chúng tôi thường tới Trung tâm văn hóa Suối Tre thực hiện các bộ ảnh cưới và thư giãn cuối tuần. Cảnh ở đây đẹp như một bức tranh. Không khí thì trong lành. Đứng giữa cỏ cây, hoa lá chúng tôi như quên đi những mệt mỏi của cuộc sống thường ngày. Nơi đây còn có không gian sách của thư viện với hàng chục ngàn bản sách và báo, rất phù hợp cho các gia đình có con nhỏ giải trí, tìm hiểu kiến thức văn hóa, lịch sử” - chị Hoa chia sẻ.

* Bảo tồn và phát huy giá trị

Trung tâm văn hóa Suối Tre hiện có hơn 10 ngôi biệt thự nghỉ dưỡng của các ông chủ người Pháp trước kia, nay các công trình này vẫn là một tổng thể hoàn chỉnh có liên hệ mật thiết với cảnh quan. Tuy nhiên, một số người lo lắng số phận của các ngôi biệt thự sẽ rơi vào tình cảnh như Nhà chủ Công ty cao su SIPH  (còn gọi là Nhà Tây núi Thị - một di tích bị xuống cấp, không thể phục hồi) hoặc sẽ bị thay đổi công năng hoặc bị thương mại hóa…

Bí thư Đảng ủy Tổng công ty cao su Đồng Nai Vũ Thị Mỹ Lệ cho biết: “Với phương châm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vốn có, chúng tôi tin, Trung tâm văn hóa Suối Tre sẽ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, nhất là công nhân cao su, làm đẹp thêm một điểm đến của xứ Đồng Nai”.

Bí thư Đảng ủy Tổng công ty cao su Đồng Nai Vũ Thị Mỹ Lệ cho biết, từ khi tiếp quản Trung tâm văn hóa Suối Tre, công ty đã tích cực gìn giữ và phục hồi lại nguyên vẹn giá trị văn hóa vốn có của khu Suối Tre. Công ty đã tổ chức nhiều đợt trùng tu, tôn tạo nhà truyền thống, nhà nghỉ dành cho khách, khu vui chơi, giải trí... “Lần trùng tu lớn nhất là vào năm 2015 nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Tổng công ty cao su Đồng Nai. Năm nay, công ty đang tiếp tục bảo dưỡng các ngôi nhà lầu Tây, cải tạo cảnh quan xung quanh nhằm chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Cao su Việt Nam (28-10-1929 - 28-10-2019). Qua đó, góp phần gìn giữ văn hóa, phong cảnh của khu Suối Tre” - bà Lệ nói.

Cũng theo bà Vũ Thị Mỹ Lệ, vài năm trở lại đây, người dân và du khách đến Trung tâm văn hóa Suối Tre tham quan, cắm trại, tìm hiểu về văn hóa lịch sử ngày một tăng lên. Vì thế, công ty đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các đoàn trải nghiệm và hòa mình vào không gian sống xanh của nơi đây. Các đoàn đến đăng ký địa điểm, cắm trại qua đêm chỉ bỏ ra một khoản phí rất nhỏ cho tiền điện nước và dọn dẹp vệ sinh.

Trong quy hoạch, Trung tâm văn hóa Suối Tre sẽ được cải tạo thành một khu du lịch văn hóa tầm cỡ, hướng đến mục tiêu hình thành điểm du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng, phục vụ ẩm thực… để khai thác hết nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Mong rằng, dự án sớm được triển khai và đi vào hoạt động nhằm góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, đưa Trung tâm văn hóa Suối Tre trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách khi đến Đồng Nai.

Bài: Ly Na

Ảnh: Hoàng Long

Tin xem nhiều