Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà văn Đào Sỹ Quang: Biến trăn trở thành niềm vui sống

10:10, 28/10/2019

Nhà văn Đào Sỹ Quang (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) là một cây bút văn quen thuộc ở TP. Biên Hòa.

Nhà văn Đào Sỹ Quang (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) là một cây bút văn quen thuộc ở TP. Biên Hòa.

Chân dung tự họa của nhà văn Đào Sỹ Quang
Chân dung tự họa của nhà văn Đào Sỹ Quang

Có chứng kiến anh “tác nghiệp” trong những chuyến đi sáng tác mới thấy Đào Sỹ Quang là người rất xông xáo và chủ động. Anh chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng, luôn ghi chép, chụp ảnh, quay phim và ghi âm cẩn thận, bám lấy con người, sự kiện đến cùng.

* Luôn tự tin và nỗ lực

Cảm động nhất là hằng năm, vào dịp đầu tháng 9, anh lại cùng một người bạn với lá cờ Tổ quốc đi xe máy về cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) để dự lễ giỗ Bác Hồ… Đã nhiều năm như thế, Đào Sỹ Quang trở thành “người quen” của nhiều vùng đất. Trong anh đầy ắp kỷ niệm, trăn trở về con người và cuộc sống. Vóc dáng bé nhỏ, gầy còm của anh dường như không đủ sức chất chứa những điều ấy, nhất là khi biết anh vốn là thương bệnh binh, mang trọng bệnh nhiều năm và phải thường xuyên ghé thăm Viện Tim  TP.Hồ Chí Minh.

Nhà văn Đào Sỹ Quang chia sẻ: “Trên những bước đường sáng tạo của mình, tôi gặp được những người bạn lớn cả trong nghề nghiệp và trong lý tưởng sống, là những nghệ sĩ chân chính xuất thân từ những người lính từ trong chiến trường, là những người sống chết với nghề, với bạn bè, anh em”.

Song cũng từ đây, bạn bè, đồng nghiệp có thể nhìn thấy một Đào Sỹ Quang lạc quan, hiền lành, hóm hỉnh, luôn tìm ra khía cạnh vui tươi, tích cực trong cuộc sống và cả trong sáng tạo. Không có một sức khỏe tốt nhưng anh luôn tự tin và nỗ lực. Nơi căn gác nhỏ và trên những nẻo đường sáng tác, anh luôn cần cù, chăm chỉ, nghiêm túc với công việc, không bỏ sót một cơ hội nào để nắm bắt thực tế và ghi nhận nó. Đó cũng là lý do để tác phẩm đầu tay, tập truyện ngắn Sự đời (Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2013) đã được Ủy ban Liên hiệp toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải khuyến khích.

Với tập truyện này, anh viết bằng niềm mê đắm, sau những năm “chạm ngõ văn chương” và bắt đầu cuộc hành trình dài để chinh phục nó. Tiếp đó, tập truyện Viên đạn cuối cùng và tập truyện ký Đất và người là sự trải nghiệm theo những năm tháng cuộc đời và những nẻo đường quê hương, đất nước. Càng đọc càng thấy sự thao thức, trăn trở của nhà văn dành cho cuộc sống, cho quê hương, nhưng là những câu chuyện đời thường được viết bằng một giọng văn chương không hoa mỹ.

* Nhiều cảm xúc

Không hoa mỹ và không xa lạ, đó cũng là phong cách sáng tác của Đào Sỹ Quang trong những tập truyện sau đó của anh. Mới đây nhất là Đối mặt của Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu tháng 10-2019, vừa được trình làng, Đối mặt đã được đón nhận với nhiều cảm xúc mới lạ. Nhà văn Bùi Quang Tú nhận xét về tác giả: “Như một nhà nông bám chặt vào mảnh đất chữ nghĩa”; và về tác phẩm: “Viết không rườm rà, đi thẳng vào câu chuyện, giống như chiếc xe đua rồ ga, cua quanh thế nào đó để nhanh về tới đích… Tình huống câu chuyện hấp dẫn ở chỗ, cách dùng ngôn ngữ vùng - miền, kết hợp ngôn ngữ thời đại khá linh hoạt” (Đôi nét về tác giả).

Và một điểm độc đáo của tập sách, là chính tác giả ký họa cho truyện ngắn của mình. Những chuyến tác nghiệp dày đặc trên khắp các nẻo đường đất nước không chỉ là cơ hội để Đào Sỹ Quang học hỏi, nâng cao tay nghề viết lách, mà còn là dịp học hỏi các họa sĩ Đồng Nai về nghề ký họa.

 Ai cũng biết ký họa là một bộ môn khó của nghệ thuật hội họa, và Đào Sỹ Quang (bút danh Còm) đã có đủ niềm đam mê, trí tưởng tượng, lòng kiên trì… để có được những tác phẩm thực sự có giá trị. Bởi trong anh không chỉ có sự yêu thích chung chung, mà từ những ngày đi bộ đội, sát cánh với đồng đội trên chiến trường Quảng Trị, sau đó là những ngày tháng rất dài điều trị vết thương… anh đã từng dựa vào trí nhớ để vẽ Bác Hồ, vẽ chân dung đồng đội - tấm chân dung để truy điệu bạn dưới hầm sâu…

Mai Sơn

 

Tin xem nhiều