Báo Đồng Nai điện tử
En

Giỗ tổ và chuyện "đạo" làm nghề trong nghệ thuật

11:09, 09/09/2019

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến ngày 10 đến 12-8 âm lịch, giới sân khấu trên cả nước đều long trọng tổ chức giỗ tổ ngành nghề của mình. Đây là cách tôn vinh, tri ân tổ nghề và để các nghệ sĩ thành tâm hướng về tổ nghiệp với lòng yêu nghề kính nghiệp.

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến ngày 10 đến 12-8 âm lịch, giới sân khấu trên cả nước đều long trọng tổ chức giỗ tổ ngành nghề của mình. Đây là cách tôn vinh, tri ân tổ nghề và để các nghệ sĩ thành tâm hướng về tổ nghiệp với lòng yêu nghề kính nghiệp.

Trích đoạn cải lương Nỗi lòng Ngọc Hân (Chi hội Sân khấu Đồng Nai) biểu diễn trong chương trình Hội ngộ Nghệ sĩ miền Đông 2019
Trích đoạn cải lương Nỗi lòng Ngọc Hân (Chi hội Sân khấu Đồng Nai) biểu diễn trong chương trình Hội ngộ Nghệ sĩ miền Đông 2019. Ảnh: L.NA

Lễ giỗ tổ sân khấu đều đặn được duy trì với tinh thần tôn sư trọng đạo, giữ đạo làm nghề trong nghệ thuật trên tất cả các lĩnh vực như: âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… Vì thế, công chúng cũng ngày càng quan tâm theo dõi và tham gia vào lễ giỗ tổ của giới sân khấu nhiều hơn.

1. Đối với nghệ sĩ, sân khấu nghệ thuật không chỉ là cái nghề mà còn là một “đạo” sống. Cái “đạo” của tình người, tình nghề, tình đồng nghiệp. Trong đó, nghệ sĩ đặt vào cả cái tâm, tấm lòng vào mỗi lời ca, tiếng hát, từ từng tuồng diễn đến từng khúc nhạc… Với quyết tâm và kiên định với nghề, cần mẫn gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, các nghệ sĩ sân khấu luôn ý thức trách nhiệm của mình với nghệ thuật, với khán giả và với xã hội mà mình đang sống.

Nhiều năm tổ chức hoạt động giỗ tổ sân khấu, mời học trò đồng nghiệp tới dâng hương, nghệ nhân dân gian Phạm Lơ cho rằng, lễ giỗ là ngày hội của tất cả những người làm nghệ thuật, không phân biệt là chuyên hay không chuyên. Vào ngày này, không ai bảo ai mọi người cùng tìm đến với nhau, thành tâm hướng về tổ nghiệp. Trong lễ, người nghệ sĩ đến hát các bài hát, điệu múa, diễn các đoạn sân khấu trước bàn thờ tổ để báo cáo với tổ nghiệp về kết quả của một năm miệt mài lao động, học tập.

“Những đoàn nghệ thuật đi biểu diễn “lưu động” bao giờ cũng có một bàn thờ tổ mang theo. Bàn thờ ấy được đặt ở cánh gà sân khấu trước đêm diễn. Trước khi ra sân khấu, nghệ sĩ chắp tay, vái tổ để  cầu mong sự phù hộ độ trì, vì một mục đích chung là hướng về nguồn cội, về văn hóa của dân tộc” - nghệ nhân Phạm Lơ chia sẻ.

Nghệ sĩ sân khấu, ai cũng có đức tin với tổ nghề. Đó là tín ngưỡng nghề nghiệp. Với NSƯT Nguyễn Thị Bích Ngọc (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai), tổ nghề sân khấu rất linh thiêng. Hơn nữa, ngày giỗ tổ ngành sân khấu đã được Nhà nước công nhận chứ không phải nghệ sĩ tự nghĩ ra. Dịp này, những người làm nghệ thuật có cơ hội hội ngộ, hàn huyên, nhắc nhở nhau làm việc tử tế, sống đúng với “đạo” nghề.

 “Niềm tin vào tổ nghề với tôi là điều gì đó rất khó giải thích. Qua đọc, xem các thông tin trên báo chí tôi thấy ngày lễ giỗ sân khấu trên cả nước diễn ra rất sôi động, tạo được không khí và niềm tin cho nghệ sĩ. Chúng tôi ai nấy cũng đều cầu mong nơi mình làm nghề ngày càng phát triển, có nhiều vở diễn hay, được khán giả yêu thích và gần gũi hơn với đời sống người dân” - NSƯT Bích Ngọc bày tỏ.

2. Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, năm 2019 đã bước sang năm thứ 10 kể từ ngày Đảng, Nhà nước lấy ngày 12-8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Vinh dự, tự hào, giới sân khấu có dịp tôn vinh ngày giỗ tổ, nhìn lại sau một năm để đánh giá về những hạn chế, yếu kém để từ đó khắc phục, đoàn kết phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có nội dung tư tưởng, chất lượng cao.

“Cũng trong thời gian qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động từ Trung ương đến địa phương rất có hiệu quả như: mở trại sáng tác, mở các liên hoan sân khấu trong nước và quốc tế, xét tặng giải thưởng và danh hiệu cao quý cho nghệ sĩ... Các hoạt động vừa nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ vừa động viên nghệ sĩ phát huy truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu, phấn đấu có nhiều tác phẩm phục vụ công chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân” - NSND Lê Tiến Thọ cho hay.

Nói về ngày giỗ tổ sân khấu, nghệ sĩ trẻ Xuân Chúc (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) chia sẻ, chị rất xúc động và biết ơn khi là thế hệ trẻ được học tập, làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, tiếp nối nghệ thuật cải lương của nhà hát. Chị Xuân Chúc bộc bạch: “Với sức trẻ và lòng yêu nghề, tôi sẽ nỗ lực hết mình cùng các nghệ sĩ trong nhà hát mang đến những tiết mục tốt nhất phục vụ người mộ điệu”.

3. Đằng sau ánh đèn sân khấu, người nghệ sĩ trở về với cuộc sống đời thường. Ở đó, họ mang theo những câu chuyện đời, chuyện nghề bình dị và đôi khi “đẫm” cả nước mắt. Trong câu chuyện của mình, phần lớn các nghệ sĩ đều cho rằng, trong giai đoạn hiện nay sân khấu đang phải “cạnh tranh” khốc liệt với các loại hình giải trí hiện đại để đến với khán giả. Việc cố gắng giữ lửa nghề, cố gắng duy trì những vở diễn, tuồng diễn thấm đẫm tính nhân văn là điều rất cần thiết. 

Với nỗ lực làm mới tác phẩm, hướng đến công chúng trẻ tuổi, sân khấu Đồng Nai đang ngày càng thu hút khán giả yêu thích sân khấu nói chung, sân khấu truyền thống nói riêng. Qua sân khấu góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ, nâng cao  đời sống tinh thần, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sáng 10-9, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức chương trình họp mặt kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch). Theo chương trình, các nghệ sĩ cùng nhau dâng hương lên bàn thờ tổ; biểu diễn nhiều trích đoạn sân khấu thể hiện lòng tri ân với bậc tiền nhân; tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ đoạt các giải thưởng vinh dự trong lĩnh vực sân khấu cải lương…

Ly Na

Tin xem nhiều