Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyến đi nhiều trải nghiệm…

10:08, 09/08/2019

Mong ước từ lâu nhưng tôi chưa một lần được đặt chân đến Ninh Thuận. May mắn, ước mơ của tôi đã thành hiện thực vào cuối tháng 7 vừa qua, khi tôi theo chân các bạn trẻ và các nghệ sĩ tạo hình Ban Mỹ thuật và Ban Sáng tác trẻ Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai đi dự Trại sáng tác VHNT trẻ lần thứ 4 tại bãi biển Ninh Chữ nổi tiếng của Ninh Thuận.

Mong ước từ lâu nhưng tôi chưa một lần được đặt chân đến Ninh Thuận. May mắn, ước mơ của tôi đã thành hiện thực vào cuối tháng 7 vừa qua, khi tôi theo chân các bạn trẻ và các nghệ sĩ tạo hình Ban Mỹ thuật và Ban Sáng tác trẻ Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai đi dự Trại sáng tác VHNT trẻ lần thứ 4 tại bãi biển Ninh Chữ nổi tiếng của Ninh Thuận.

Các tác giả tham gia Trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ tại tỉnh Ninh Thuận tháng 7-2019
Các tác giả tham gia Trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ tại tỉnh Ninh Thuận tháng 7-2019

Cái may đầu tiên của chúng tôi trên đất Ninh Thuận là được ở ngay tại nhà nghỉ của cặp vợ chồng “người nhà”: chồng là nhà báo Hồng Việt, cựu phóng viên Đài PT-TH Đồng Nai, vợ là chị Thùy Oanh - nguyên cán bộ Công ty phát hành sách Đồng Nai. Nhà nghỉ của anh chị mới xây còn nồng mùi sơn, đầy đủ tiện nghi, lúc nào cũng sẵn bình nước sôi và trà ngon, ai thích cứ việc thưởng thức.

Ngày thứ hai ở Ninh Chữ, các thành viên trại sáng tác đã đến thăm Hội VHNT tỉnh Ninh Thuận. Những cây bút trẻ Đồng Nai lần đầu tiên được gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ vùng gió cát, trong đó có chị Nguyễn Thị Kim Hòa - một cây bút trẻ khá nổi tiếng. Ấn tượng thật khó quên khi chúng tôi được bạn mời tham quan Trung tâm bảo tồn phát triển văn hóa Chăm, nơi trưng bày rất nhiều tác phẩm gốm Bàu Trúc đặc sắc, có niên đại hàng trăm năm. Một bạn trẻ của Hội VHNT Ninh Thuận còn nhiệt tình đưa chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất và giới thiệu sản phẩm gốm Bàu Trúc, để được mục sở thị kỹ thuật làm gốm của bà con người Chăm.

Ninh Thuận là “vương quốc” của nho nên anh bạn cũng đưa chúng tôi tới vườn nho nổi tiếng của ông Ba Mọi. Khu vườn rất rộng, nho đã qua mùa thu hoạch, chỉ còn những chùm trái nhỏ xíu trên giàn. Dù vậy khách tham quan vẫn đông. Ông Ba Mọi rất hiếu khách, ông ngồi kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện về vùng đất nho nổi tiếng. Khách đến thăm cơ sở trồng nho của ông được mời ăn nho và táo miễn phí. Ngoài nho, vùng đất nắng lửa này phù hợp với cả táo xanh, đặc biệt là măng tây, một sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Ninh Thuận còn giữ được cụm ba tòa tháp Chăm mang tên tháp Po Klong Garai hầu như nguyên trạng, với màu đất nung nguyên thủy. Đứng dưới chân tòa tháp kiến trúc tinh tế, độc đáo, người ta không thể không tự hỏi, bằng cách nào người xưa có thể tạo nên những kiệt tác kiến trúc bền vững hàng thế kỷ trong sự hà khắc của thiên nhiên. Có thể thấy, ngành du lịch Ninh Thuận rất có ý thức bảo vệ di sản văn hóa và cảnh quan môi trường. Từ trên tòa tháp nhìn xuống, chỗ nào cũng ngút ngát màu xanh, dù Ninh Thuận nổi tiếng là vùng đất khô hạn, rất ít mưa.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi tham quan vịnh Vĩnh Hy, một địa điểm khá nổi tiếng của biển Ninh Chữ. Chiếc tàu du lịch có đáy lót kính trong suốt để du khách có thể ngắm một hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên là rạn san hô xao động như một rừng sao sa dưới lòng biển. Bãi tắm Ninh Chữ mới được khai thác, chưa có nhiều nhà hàng, khách sạn san sát như những bãi tắm nổi tiếng khác, khách tắm biển cũng chưa đông nhưng hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển. Đặc biệt, khu chợ “chồm hổm” bán hải sản tươi sống thì thật tuyệt vời vì tôm cá còn nguyên mùi tanh nồng của biển. Những con cá bớp lớn, đặc biệt là loại cá có màu đỏ tươi lần đầu tiên tôi được thấy nằm dài trên sàn gỗ trông thật ngon mắt. Tiểu thương chợ cá Ninh Chữ còn nguyên vẻ mộc mạc chân quê, bán buôn cởi mở, gần như không nói thách. Họ nhiệt tình giúp khách du lịch trữ hải sản vào những thùng xốp có đổ đá nhỏ lên trên, với cách bảo quản ấy hải sản giữ được sự tươi ngon nhiều giờ.

Trại sáng tác ở biển Ninh Chữ chỉ dài 4 ngày nhưng  là cơ hội trải nghiệm rất bổ ích cho các bạn trẻ đang sinh hoạt tại Ban sáng tác trẻ của Hội VHNT Đồng Nai. Thông qua trại sáng tác, với việc tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp sinh động của thiên nhiên, sự đa dạng của cuộc sống mưu sinh trên vùng đất khắc nghiệt, các em hiểu  được những giá trị sống, tăng thêm tình yêu đối với đất nước, con người Việt Nam.

Ở trại, ngoài thời gian tham quan, trải nghiệm thực tế, các bạn trẻ được hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn, góp ý sửa chữa, hoàn thiện tác phẩm. Hội đồng thẩm định gồm nhà văn Khôi Vũ (văn xuôi), nhà thơ Lê Thanh Xuân (bộ môn thơ), họa sĩ Phạm Công Hoàng (bộ môn mỹ thuật). Sau 4 năm duy trì hình thức trại sáng tác trẻ, Hội VHNT Đồng Nai đã có trên 30 bạn trẻ có năng lực sáng tác văn học và mỹ thuật chững chạc, bước đầu tác phẩm thể hiện dấu ấn riêng. Một lãnh đạo Hội VHNT Ninh Thuận nhận xét, không phải tỉnh nào cũng có được một lực lượng kế cận đầy tiềm năng như Ban Sáng tác trẻ Đồng Nai. Đó thật là điều đáng mừng.

Hồng Ngọc

Tin xem nhiều