Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoạt động văn hóa văn nghệ hướng về cơ sở

11:07, 19/07/2019

Từ đầu năm 2019 đến nay, Thư viện Đồng Nai, Bảo tàng Đồng Nai, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh đã tăng số buổi biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, chủ động tổ chức trưng bày sách, tranh ảnh và hiện vật để phục vụ người dân ở các xã nằm xa khu vực thành thị, khu nhà trọ có đông công nhân sinh sống.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Thư viện Đồng Nai, Bảo tàng Đồng Nai, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh đã tăng số buổi biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, chủ động tổ chức trưng bày sách, tranh ảnh và hiện vật để phục vụ người dân ở các xã nằm xa khu vực thành thị, khu nhà trọ có đông công nhân sinh sống.

Thư viện Đồng Nai tổ chức triển lãm sách báo lưu động tại Lữ đoàn Pháo binh 75 (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.TRUYÊN
Thư viện Đồng Nai tổ chức triển lãm sách báo lưu động tại Lữ đoàn Pháo binh 75 (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.TRUYÊN

Sự điều chỉnh này đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa đồng thời hiện thực hóa mục tiêu của ngành Văn hóa đặt ra ngay từ đầu năm là tăng cường hoạt động phục vụ người dân ở cơ sở.

* Đến nơi cần

Theo bà Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, ở các xã vùng sâu vùng xa, hoạt động giải trí cộng đồng, sự kiện vui chơi giải trí rất ít. Vì vậy, đơn vị xác định cần ưu tiên đến diễn phục vụ ở khu vực nằm xa trung tâm huyện, nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như: Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Phú Bình, Tà Lài (huyện Tân Phú), Thanh Sơn, Suối Nho, Túc Trưng (huyện Định Quán), Xuân Tây, Xuân Đông, Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ), Phú Lý, Hiếu Liêm, Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), Bàu Hàm, Sông Thao, Thanh Bình (huyện Trảng Bom), Phước Bình (huyện Long Thành)…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng, thời gian qua, không chỉ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật mà các hội thi, liên hoan văn hóa cấp tỉnh cũng được luân phiên tổ chức ở từng địa phương thay vì chỉ tập trung thực hiện ở TP.Biên Hòa. Từ nay đến cuối năm, các đơn vị sự nghiệp của ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ người dân, nhất là những địa phương vùng sâu vùng xa.

Bà Tôn Thị Thanh Tình, Giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh cho hay đầu năm 2019, đơn vị đã trao đổi với Công đoàn các công ty, chính quyền địa phương để nắm bắt lại nhu cầu thực tế của công nhân, người dân. Từ đó, Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh điều chỉnh tăng số buổi chiếu ở nơi cần và giảm số buổi chiếu ở địa điểm ít nhu cầu. Chẳng hạn, với Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, TP.Biên Hòa), trước đây đơn vị thực hiện chiếu phim vào tối thứ năm hằng tuần, nay số buổi chiếu tại đây giảm xuống chỉ còn 2 buổi/tháng. Hay với các xã Hiếu Liêm, Phú Lý, Mã Đà của huyện Vĩnh Cửu (nơi có các ấp nằm tách biệt nhau và cách rất xa nhau) đều được Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh sắp xếp chiếu phim, biểu diễn văn nghệ tại từng ấp và tổ chức nhiều lần trong tháng.

Riêng với Thư viện Đồng Nai và Bảo tàng Đồng Nai cũng đã có sự điều chỉnh để tổ chức một số chương trình trưng bày sách và triển lãm hiện vật, hình ảnh lưu động ở cơ sở. Trong đó, Thư viện Đồng Nai đã tổ chức 9 đợt phục vụ sách lưu động (gấp đôi số lần phục vụ lưu động so với cùng kỳ năm 2018) dành cho học sinh, sinh viên và đơn vị quân đội ở các huyện, TP.Biên Hòa. Còn Bảo tàng Đồng Nai cũng đã tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý, hình ảnh và hiện vật về văn hóa các dân tộc thiểu số Đồng Nai ở các huyện, thành phố trong tỉnh thay vì chỉ trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai.

* Thiết kế chương trình riêng

Giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết, để thay đổi cách nghĩ của bà con là cái gì miễn phí thì không hay và thiếu sinh động, đơn vị đã tích hợp nhiều loại hình vào một buổi diễn: ca múa nhạc, chiếu phim, triển lãm tranh, ảnh. Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh còn mạnh dạn mời một số giọng ca từng đoạt giải cao ở nhiều cuộc thi âm nhạc để biểu diễn phục vụ bà con. Ngoài ra, khi đến xem chương trình khán giả được tặng nước uống đóng chai, tham gia phần đố vui để nhận quà thưởng là các thiết bị gia dụng.

Không riêng gì Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh mà Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cũng có những sự thay đổi trong tổ chức biểu diễn lưu động. Bà Đồng Thị Quế Anh cho hay, chương trình biểu diễn phục vụ lưu động luôn được đơn vị thiết kế riêng. Chẳng hạn, vở diễn cải lương mới do đơn vị dàn dựng được đánh giá rất cao song không thể đưa nguyên vở diễn đi diễn lưu động vì những yếu tố về mặt kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng và nhất là thời gian dài nên kén người xem. Do đó, đơn vị xây dựng riêng kịch bản với sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại. Trong chương trình lưu động, nhà hát còn kết hợp thêm những tiết mục ảo thuật, xiếc tạp kỹ nhằm thu hút khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Không có sự rộn ràng như các chương trình biểu diễn nghệ thuật, song thời gian qua những chuyến xe sách thông minh đến với các trường học, các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh do Thư viện Đồng Nai thực hiện luôn đón nhận được sự quan tâm của  bạn đọc. Ngoài sách, chuyến xe sách thông minh còn trang bị dàn máy vi tính có truy cập internet và máy chiếu phim dành cho thiếu nhi. Tham gia chương trình các em còn nhận được sách mới khi trả lời đúng câu hỏi do Ban tổ chức đưa ra.

Đánh giá về nỗ lực của các đơn vị trong việc đưa ngày càng nhiều hơn những hoạt động văn hóa văn nghệ về cơ sở trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tân Phú cho hay, những việc làm này đã góp phần nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, nhất là đối với một huyện miền núi như Tân Phú.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều