Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

09:04, 22/04/2019

Công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nhằm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nhằm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nhiệm vụ này được khẳng định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, đặc biệt được quy định cụ thể tại Quyết định số 217 và 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI).

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện xã hội dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh quy định về chính sách, số lượng cán bộ trung tâm văn hóa - thể thao, học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa ấp và dự thảo quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện xã hội dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh quy định về chính sách, số lượng cán bộ trung tâm văn hóa - thể thao, học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa ấp và dự thảo quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham mưu Ban TVTU ban hành 3 quy chế, quy định cụ thể hóa gồm: Quyết định số 801-QĐ/TU ngày 14-10-2014 ban hành quy định thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 729-QĐ/TU ngày 12-9-2014 của Ban TVTU ban hành quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Quyết định số 728-QĐ/TU ngày 12-9-2014 của Ban TVTU về việc ban hành quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền ở địa phương các cấp trong tỉnh với nhân dân.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức giám sát 23 cuộc với 7 nội dung là việc thực hiện một số chế độ, chính sách, chương trình, dự án liên quan đến công tác dân tộc; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan; giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại một số dự án kinh tế, xã hội; việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các cơ quan trên địa bàn tỉnh.

Qua giám sát, đã có 157 kiến nghị đối với các cơ quan được giám sát và UBND tỉnh; các kiến nghị đều được UBND tỉnh và các cơ quan ghi nhận, tiếp thu và có văn bản chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện các kiến nghị của Mặt trận. Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị, thành phố tổ chức giám sát 79 nội dung tại 159 đơn vị. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: giám sát tình hình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện chính sách giảm nghèo; về bồi thường, giải tỏa tái định cư…

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND thực hiện gần 350 cuộc giám sát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách pháp luật tại 35 đơn vị cấp huyện, sở, ngành. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân giám sát 25 cuộc về việc tuân theo pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù. MTTQ các huyện, thị, thành phố phối hợp thường trực HĐND, các đoàn thể tổ chức giám sát 240 cuộc. MTTQ cấp cơ sở phối hợp với HĐND xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát 520 cuộc về việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của HĐND…

Hoạt động phản biện xã hội, đã tổ chức phản biện xã hội ở cấp tỉnh được 8 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh và cấp huyện 27 dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và HĐND. Năm 2015, MTTQ các cấp đều được cấp ủy giao chủ trì phản biện văn kiện đại hội Đảng tổng hợp hàng ngàn lượt ý kiến, đề xuất điều chỉnh nhiều giải pháp quan trọng trong các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. MTTQ các cấp đã tham gia xây dựng chính sách pháp luật, nhất là tham gia sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015; tổ chức nghiên cứu, tham gia ý kiến đóng góp trên 30 dự thảo luật; tích cực tham gia vào các dự thảo chương trình, đề án của địa phương, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân... Trong 5 năm, đã góp ý 29 dự thảo nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đặc biệt là đã tổ chức 3 hội nghị để góp ý xây dựng đối với các ngành Công an, Y tế và Tư pháp.

Hiện nay, hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ các cấp đã trở thành hoạt động thường xuyên, có tác động thực tế, mang tính đột phá để thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật...; kiến nghị và những giải pháp nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, thực tế cũng còn không ít khó khăn, hạn chế. Nhiều cơ sở còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung giám sát; phản biện xã hội còn ít, chủ yếu mang tính chất góp ý. Còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm; việc nêu chính kiến còn hạn chế; việc triển khai ở một số nơi nội dung giám sát, đề cương giám sát, kiến nghị sau giám sát không rõ ràng, còn chung chung, chất lượng cuộc giám sát chưa cao. Việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong thời gian tới, MTTQ các cấp cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Tiếp tục quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, mục đích, quan điểm, tính chất, nội dung của Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Thường xuyên bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng về quy trình, phương pháp giám sát nhân dân cho cán bộ MTTQ và các đoàn thể để thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; đặc biệt đối với lĩnh vực quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng xây dựng các dự án, các vấn đề liên quan đến quyền dân chủ của nhân dân.

Tổ chức giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền thông qua việc nắm bắt tình hình các tầng lớp nhân dân, qua đó lựa chọn một số vụ việc phức tạp, bức xúc, giải quyết kéo dài để nghiên cứu, giám sát và kiến nghị chính quyền các cấp quan tâm giải quyết; đồng thời giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc mà MTTQ đã kiến nghị, qua đó góp phần xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Trần Minh Giám

(Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh)

Tin xem nhiều