Báo Đồng Nai điện tử
En

Nữ cán bộ Mặt trận xã gần dân

09:04, 05/04/2019

Có dịp về xã Bảo Quang (TX.Long Khánh), mọi người sẽ thấy sự thay đổi của một xã nông thôn mới nâng cao với những công trình như: trường học, trạm xá, trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng, những tuyến đường bê tông, đường điện trải dài đến tận tổ, ấp… Đặc biệt, những tuyến đường hoa hoàng yến vàng nở rộ hai bên đường tạo nên cung đường đẹp, làm mát lòng người khi ngắm nhìn.

Có dịp về xã Bảo Quang (TX.Long Khánh), mọi người sẽ thấy sự thay đổi của một xã nông thôn mới nâng cao với những công trình như: trường học, trạm xá, trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng, những tuyến đường bê tông, đường điện trải dài đến tận tổ, ấp… Đặc biệt, những tuyến đường hoa hoàng yến vàng nở rộ hai bên đường tạo nên cung đường đẹp, làm mát lòng người khi ngắm nhìn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang (TX.Long Khánh) Lương Thị Bảo Thùy thăm hỏi, động viên một hộ nghèo được nhận bò chăm sóc từ mô hình “Hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo"
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang (TX.Long Khánh) Lương Thị Bảo Thùy thăm hỏi, động viên một hộ nghèo được nhận bò chăm sóc từ mô hình “Hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo"

Một người bạn của tôi từ TP.Hồ Chí Minh về chơi đã thốt lên rằng: “Mình không nghĩ một xã vùng nông thôn mà in đậm nhiều màu sắc, nhân dân trồng và chăm sóc nhiều hoa đẹp đến thế”.

* Ý tưởng nở hoa

Trước sự tò mò của bạn, tôi thêm tự hào về xã Bảo Quang của mình ngày càng văn minh, phát triển, sáng - xanh - sạch - đẹp qua xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn vào năm 2014 và xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2018. Là người sinh sống, công tác tại địa phương, tôi cảm nhận sâu sắc sự thay da đổi thịt của địa phương qua năm tháng và các phong trào. Cho nên, tôi mạnh dạn tỉ tê với bạn rằng, để có được những cung đường đẹp như vậy, chị Lương Thị Bảo Thùy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tôi đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Từ đó, chị nảy ra ý tưởng biến những khoảng đất trống ven đường đầy cỏ dại thành những mảng xanh lý tưởng.

Xã Bảo Quang có diện tích tự nhiên 3.497,5 hécta, dân số trên 11 ngàn người, dân cư phân bố đều 5/5 ấp và các vườn rẫy. Việc vận động nhân dân tự giác dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh làm xanh - sạch - đẹp lề đường, mặc dù địa phương nhiều lần phát động nhưng chưa duy trì được như ý muốn. Vì vậy, chị Thùy đã nảy sinh ý tưởng thành lập mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường gắn với tuyến đường kiểu mẫu”.

Chị Thùy cho hay, mục đích của mô hình này nhằm phát huy tính tự quản của nhân dân ở cộng đồng dân cư, mỗi người dân là một tuyên truyền viên, tự nhắc nhở người thân, hàng xóm cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường và là tấm gương để người khác noi theo trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp.

Để triển khai thực hiện, chị Thùy đã xây dựng kế hoạch liên tịch giữa Ban thường trực MTTQ xã với UBND xã về việc phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020 và thành lập các mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường gắn với tuyến đường kiểu mẫu”. Kết quả, đã thành lập được 10 mô hình trên địa bàn 5 ấp với 525 thành viên. Các thành viên nòng cốt của mô hình đã đứng ra vận động nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, công lao động mua hoa trồng và lắp đặt trụ cờ Tổ quốc với kinh phí gần 150 triệu đồng. Hiện nay, mô hình này không chỉ được duy trì thường xuyên mà còn nhân rộng ra.

* Liên tục sáng tạo

Từ thành công của mô hình đầu tiên được địa phương, nhân dân đánh giá cao và nhiệt tình ủng hộ, chung tay, góp sức đã thôi thúc chị Thùy không ngừng có những ý tưởng sáng tạo mới, phù hợp thực tế địa phương và đáp ứng mong mỏi của các tầng lớp nhân dân. Chị không ngại những hôm trời mưa bão, những buổi họp ban đêm về tận tổ, ấp hay nhà dân để gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Khi được nhân dân đồng tình, ủng hộ chị lại đeo bám, tiếp tục ra mắt các mô hình mới như: “MTTQ xã chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo”; “Tiếng kẻng đoàn kết và giữ gìn an ninh trật tự”; “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; “Tuyến đường tự quản về an toàn giao thông”; “Các tôn giáo trên địa bàn đồng hành cùng công tác khuyến học, khuyến tài; tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Tiết kiệm nuôi heo đất - san sẻ yêu thương”; “Cộng đồng các dân tộc thiểu số tiếp sức các em đến trường”. Các mô hình này đang phát huy hiệu quả tốt.

Điển hình như mô hình “Cộng đồng các dân tộc thiểu số tiếp sức các em đến trường”, mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các thành viên trong mô hình đã đóng góp tổng cộng 20,8 triệu đồng bằng tiết kiệm chi tiêu của bản thân để tặng học bổng, xe đạp và tập, bút cho 57 con em đồng bào. Mô hình “Các tôn giáo trên địa bàn đồng hành cùng công tác khuyến học, khuyến tài hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn”, các tôn giáo trên địa bàn xã đã đóng góp tổng cộng 18,5 triệu đồng để hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; học sinh, sinh viên “học giỏi, sống tốt”. Mô hình “MTTQ xã chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo” đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp 1,6 tỷ đồng để xây tặng, sửa chữa nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ những trường hợp bị bệnh nan y, tai nạn đột xuất; tặng học bổng; hỗ trợ chi phí học tập tiếp sức đến trường và hỗ trợ sản xuất (như bò giống và giống cây chanh không hạt…) để giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Chị Thùy bộc bạch, để thành lập và duy trì được các mô hình của Mặt trận, chị luôn tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, sự quan tâm ủng hộ của Mặt trận cấp trên và chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể xã; đồng thời dành thời gian xuống địa bàn gặp gỡ những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong đồng bào dân tộc thiểu số, các vị chức sắc tôn giáo, các mạnh thường quân để trao đổi tình hình địa phương, tranh thủ sự hiến kế, ủng hộ, đóng góp các nguồn lực vật chất, tinh thần để đề ra những giải pháp phù hợp, thiết thực, hợp lòng dân nhằm chăm lo lợi ích thiết thực cho nhân dân. Từ đó nhân dân ngày càng tin tưởng, ủng hộ và tham gia vào các mô hình do chị phát động.

Có hôm chị Thùy kể với tôi, sau cuộc họp dân chị đã cảm ơn một bác cao tuổi trong ấp đã hưởng ứng nhiệt tình mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường gắn với tuyến đường kiểu mẫu” và đóng góp tiền để mua hoa, lắp đặt trụ cờ Tổ quốc ngay tại cuộc họp. Lúc này, bác ấy nói: “Tôi phải cảm ơn cô mới đúng chứ, bởi vì cô đã xuống tận tổ, ấp để vận động nhân dân trồng hoa làm đẹp nhà và đẹp ấp nữa”.

 Là người công tác cùng cơ quan với chị Thùy, tôi cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc của chị; những nụ cười rạng rỡ của các cô chú, bác, anh, chị và các thầy cô giáo, cùng những em học sinh… khi tham gia các mô hình. Bên cạnh đó, tôi còn cảm nhận riêng về chị rất nhiều điều trong quá trình công tác, bởi chị là người luôn truyền cảm hứng cho tôi và các đồng nghiệp về sự tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì công việc, tận tâm phục vụ nhân dân, không ngại mọi khó khăn, thử thách. Tôi nhớ hoài điều chị thường tâm sự, chị cảm thấy hạnh phúc với những gì chị đã làm để phục vụ nhân dân xã nhà.

Phạm Thị Tuyến

Tin xem nhiều