Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩa tình quán cơm 2 ngàn đồng

09:04, 10/04/2019

Xem truyền hình thấy người dân một số địa phương mở quán cơm tình thương 2 ngàn đồng, chị Nguyễn Thị Loan (chủ khách sạn - cà phê 616 ở KP.1, phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh) trao đổi với nhiều người về ý tưởng mở quán cơm phục vụ người nghèo, những người khó khăn, cơ nhỡ không nơi nương tựa.

Xem truyền hình thấy người dân một số địa phương mở quán cơm tình thương 2 ngàn đồng, chị Nguyễn Thị Loan (chủ khách sạn - cà phê 616 ở KP.1, phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh) trao đổi với nhiều người về ý tưởng mở quán cơm phục vụ người nghèo, những người khó khăn, cơ nhỡ không nơi nương tựa.

Quán cơm tình thương 2 ngàn đồng, địa chỉ tìm đến của những người có hoàn cảnh khó khăn lúc đói lòng
Quán cơm tình thương 2 ngàn đồng, địa chỉ tìm đến của những người có hoàn cảnh khó khăn lúc đói lòng

Khi trao đổi ý tưởng của mình với những người quen biết, có một số người bàn ra nhưng chị Loan không nản lòng, tiếp tục tìm cách mở quán cơm 2 ngàn đồng ở địa bàn chị đang sinh sống, bởi chị biết còn những cảnh đời khó khăn, những người bán vé số dạo, người tàn tật, người già không nơi nương tựa rất cần những bữa ăn ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng mà chưa thể tự lo cho mình được.

Nghĩ thế, chị Loan tập hợp một số người cùng chí hướng quyết tâm triển khai quán cơm 2 ngàn đồng. Nhóm của chị Loan tìm đến các địa phương đã tổ chức thành công những quán cơm 2 ngàn đồng để học hỏi kinh nghiệm. Tận mắt chứng kiến tình cảm yêu thương của những người mở quán cơm đối với người nghèo khó và được xã hội đồng tình ủng hộ, nhóm của chị Loan càng quyết tâm mở quán cơm 2 ngàn đồng với tinh thần san sẻ một phần gánh nặng cho những hoàn cảnh khó khăn.

Sau khi chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, đầu tháng 6-2018, quán cơm 2 ngàn đồng đã được nhóm chị Loan khai trương. Tiếng là quán cơm 2 ngàn đồng, nhưng thật ra “khách hàng” có bao nhiêu tiền thì góp bấy nhiêu, không trả tiền cũng chẳng sao. Bữa cơm 2 ngàn đồng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng với các món mặn, canh, xào, tráng miệng; đồng thời thay đổi thực đơn mỗi ngày để người ăn không nhàm chán và gắn bó với quán nhiều hơn.

Để tạo niềm tin cho cộng đồng xã hội, ban đầu các thành viên trong nhóm góp công, góp của để mở quán như: chị Loan cung cấp địa điểm, dụng cụ… để mở quán, chị Hạnh chịu trách nhiệm nấu ăn, chị Thúy lo việc tổ chức, chị Hà, chị Ngọc lo việc phục vụ…

Chị Loan cho biết, từ thứ hai đến thứ sáu, quán nấu 150-200 suất cơm/ngày và phục vụ thực khách từ 10 giờ 30 đến 12 giờ 30. Bà con nhận được phiếu ăn được nhóm phục vụ chu đáo.

Thời gian đầu, sức của quán không thể bán đại trà mà chỉ có thể nhắm đến một nhóm người thực sự có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, qua tìm hiểu từ nhiều nguồn, quán lên danh sách những người thật sự khó khăn để mời đến quán và cấp phiếu cho họ. Quán cũng không trực tiếp thu tiền mà đặt một thùng kính, ai ăn xong thì tự tay bỏ tiền vào thùng. Sở dĩ quán lấy giá 2 ngàn đồng/phần là để người đến quán không cảm thấy là mình đi xin, mà họ tự trả tiền cho phần cơm mình đã ăn.

Điều đáng mừng là quán cơm 2 ngàn đồng mới mở cửa ít ngày đã có nhiều mạnh thường quân tìm đến ủng hộ, cùng với quán làm việc thiện qua việc ủng hộ bằng tiền, hiện vật, thực phẩm… đảm bảo cho quán duy trì hoạt động tốt. Riêng tôi, ngày đầu tiên đến quán cũng đã ủng hộ 100kg gạo (trị giá 1,5 triệu đồng) để động viên nhóm.

Nhiều người đến ăn không khỏi ngỡ ngàng với cung cách phục vụ của quán. Ông Trần Lâm, người bán vé số dạo nhận được phiếu ăn từ các tình nguyện viên đã đến “ăn thử”. Sau khi ăn xong, ông Lâm tâm sự: “Không ngờ quán phục vụ tận tình như vậy. Phần cơm chỉ có 2 ngàn đồng nhưng đầy đủ thức ăn và ăn rất ngon, bà con lao động chúng tôi vô cùng cảm ơn”.

Còn ông Tám xích lô (phường Xuân Trung, TX.Long Khánh) cho biết: “Cả tuần nay tôi chạy xích lô không được cuốc nào. Sáng đẩy xe ra chiều đẩy về nên tiền trong túi tôi cũng gần cạn. Tôi đến quán cơm tình thương 2 ngàn đồng này ăn 2 bữa rồi, thấy ngon, phần ăn có món mặn, canh, rau xào, chuối, trà đá”. Em Nguyễn Văn Duy (14 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh, bán vé số dạo) cho hay: “Em mong quán duy trì được lâu để trưa nào cũng được ăn cơm với giá 2 ngàn đồng”.

Đó cũng là cảm cảm xúc của nhiều người đến quán ăn, họ bày tỏ niềm vui và mong quán tiếp tục phát triển để bà con khó khăn có chỗ tìm đến lúc đói lòng.

Nhằm mở rộng phạm vi hoạt động và đối tượng phục vụ, quán đã có thêm hoạt động có ý nghĩa là phục vụ cơm trưa cho học sinh ở trọ tại TX.Long Khánh. Ngoài việc phục vụ những người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, người già, tàn tật, nhóm chị Loan đã quyết định dành thêm 100 suất cơm trưa cho sinh viên, học sinh ở trọ tại TX.Long Khánh.

Chị Loan cho biết: “Thấy các em học sinh, sinh viên ở trọ tại Long Khánh trưa đi học về còn phải tự lo cơm nước vất vả quá nên nhóm dành thêm 100 suất cơm cho các em, góp phần chia sẻ những khó khăn, để các em yên tâm học tập… Không chỉ dừng lại ở 100-200 suất, nếu có nhu cầu từ các em học sinh, sinh viên và phụ huynh, nhóm sẽ phục vụ hết mình trong khả năng có được”.

Từ ngày có quán cơm 2 ngàn đồng, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn yên tâm hơn với bữa trưa đạm bạc nhưng ấm áp tình thương yêu, ai cũng mong quán cơm được duy trì mãi nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn cho các đối tượng còn khó khăn trong cộng đồng.

Sau khi quán cơm tình thương 2 ngàn đồng ra đời và đón nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng xã hội, đến nay trên địa bàn TX.Long Khánh đã phát triển thêm một số quán cơm tương tự. Ai cũng biết “Hạnh phúc là cho đi và cho đi là còn mãi mãi”, nhưng để các quán cơm 2 ngàn đồng tồn tại và phát triển, rất cần sự chung tay của mọi người, của các mạnh thường quân. Nếu được sự quan tâm động viên của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể xã hội sẽ là động lực để những quán cơm tình thương 2 ngàn đồng đầy nghĩa tình này được hoạt động tốt, góp phần mang đến niềm vui, hạnh phúc cho những cảnh đời còn khó khăn trong xã hội.

Phạm Lê

Tin xem nhiều