Báo Đồng Nai điện tử
En

Chút vui buồn tháng Giêng…

10:03, 01/03/2019

Tết cổ truyền vừa đi qua, "hơi xuân" còn sót lại gợi cho ta nghĩ đến những chuyến du hành…

Tết cổ truyền vừa đi qua, “hơi xuân” còn sót lại gợi cho ta nghĩ đến những chuyến du hành…

Người dân lễ chùa sáng mùng 1 tết tại chùa Pháp Quang (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán).
 

Một người bạn thân gọi điện, hào hứng rủ tôi đi lễ chùa, nhân thể “dạo” một vòng quanh các lễ hội. Bạn khoe ngoài Bắc có một ngôi chùa “khủng” nổi tiếng… thiêng, ai cầu gì được nấy. Thấy tôi ậm ừ, có vẻ không mặn mà, bạn nghiêm giọng cảnh báo: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, bồ không chịu sắm sanh đồ lễ đi chùa thì Trời, Phật nào ban tài, lộc cho…”

Câu nói của bạn làm tôi… chạnh lòng. Thời thơ ấu, tôi hay theo mẹ đi chùa ngày rằm, mùng một. Ngôi chùa nhỏ bé đơn sơ, xung quanh là khuôn viên trồng cau và nhãn. Mẹ đi lễ chùa chỉ có chút hương hoa và trái cây vườn nhà. Người thủ từ nhận lễ và cho lại tôi phẩm oản gói bằng giấy bóng xanh đỏ. Đến bây giờ tiếng mõ lốc cốc, tiếng tụng kinh đều đều trong không gian yên bình chốn làng quê vẫn còn làm tôi bồi hồi.

Từ ngày thành cư dân Đồng Nai, Tết đến tôi cũng đi vài ngôi chùa ở Cù lao Phố hay nội ô Biên Hòa. Nét đẹp cảnh quan và vẻ yên tĩnh rất đặc trưng của nơi thờ tự luôn khiến tôi cảm thấy tâm hồn thư thái và thật may là những nơi tôi đến đều không có cảnh người người đội những mâm lễ “khủng”, chen lấn, xô đẩy nhau, xì xụp vái lạy xin Đức Phật ban cho nhiều tài lộc. Không hiểu sao, càng ngày càng có nhiều người tôn sùng thái quá những giá trị vật chất. Khắp các vùng miền nơi nào cũng có cảnh người ta quay cuồng vì hai chữ “tài lộc”, thậm chí những hình vẽ chú heo Kỷ Hợi cũng… ngậm một xấp tiền 500 ngàn đồng!

Mùa xuân đi trẩy hội, đi chùa là nét đẹp văn hóa của người Việt. Nhưng dân gian có câu “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa. Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày”. Xin đừng quên trong lúc ta mải mê hội hè, đình đám thì thế giới vẫn tiếp tục phát triển, bỏ chúng ta tụt lại phía sau. Và cửa thiền vốn dĩ là chốn thanh tịnh cũng không phải nơi con người có thể cầu xin mọi thứ, tôi luôn tin rằng mỗi người đều là “kiến trúc sư ” của chính cuộc đời mình.

Hoàng Ngọc Điệp

Tin xem nhiều