Báo Đồng Nai điện tử
En

Chợ ở miền đông Nam bộ - một góc nhìn

09:03, 29/03/2019

Miệt mài trong nghiên cứu, TS.Lê Quang Cần (hiện công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) vừa cho ra mắt công trình nghiên cứu độc lập đầu tiên Chợ ở miền Đông Nam bộ - một góc nhìn do Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh xuất bản, phát hành đầu năm 2019.

Miệt mài trong nghiên cứu, TS.Lê Quang Cần (hiện công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) vừa cho ra mắt công trình nghiên cứu độc lập đầu tiên Chợ ở miền Đông Nam bộ - một góc nhìn do Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh xuất bản, phát hành đầu năm 2019.

Nội dung sách gồm 392 trang là những chuyên khảo của tác giả khi tập trung nghiên cứu chợ ở miền Đông Nam bộ trong nhiều năm qua.

* Nguồn tư liệu đa dạng

Tác giả là người nghiên cứu, giảng dạy lịch sử tại Đồng Nai, đã nỗ lực rất nhiều trong những chuyến điền dã, thu thập tư liệu tại các chợ ở tỉnh, thành khu vực này. Qua những đối chiếu, tra cứu từ những góc độ tiếp cận đã cung cấp cho người đọc nguồn tài liệu khá đa dạng về chợ ở miền Đông Nam bộ. Đó là những góc nhìn về chợ trong quan điểm tiếp cận từ văn hóa học, dân tộc học, nhân học, kinh tế học, đô thị học, lịch sử, xã hội… Có những điều tưởng chừng như đơn giản trong cách gọi dân gian là chợ nhưng nội dung toát lên những cách nhìn, đánh giá sâu sắc, kỹ càng, thấu đáo trong các đặc điểm liên quan của vị trí địa lý, môi trường, tiềm năng kinh tế, lịch sử, nét văn hóa của làng, của dân cư, của những con người tham gia trong sinh hoạt tại đó.

Đối với Đồng Nai, công trình này là nguồn tài liệu hữu ích cho nghiên cứu về lịch sử văn hóa, kinh tế… trong dòng chảy lịch sử hơn 320 năm tính từ mốc năm 1698 khi vùng đất này chính thức đặt dưới sự quản lý trực tiếp của chúa Nguyễn. Một cách nhìn khái quát về quá trình phát triển của chợ trong lịch sử hình thành của vùng đất, sự gia tăng dân cư, vai trò các chợ trong mỗi giai đoạn lịch sử như các chợ làng, chợ dinh, chợ phủ, chợ đồn điền, chợ căn cứ cách mạng, chợ đô thị, các chợ danh tiếng một thời như thương cảng Cù lao Phố vốn sầm uất một thời ở đất phương Nam.

* Nhiều thông tin thú vị

Chợ đóng một vai trò quan trong trong sự phát triển của làng xã từ buổi ban đầu cũng như quá trình đô thị hóa sau này của Việt Nam. Nơi chốn gọi là chợ đó - xưa nay không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa trao đổi hàng hóa với nhau mà còn diễn ra những hoạt động, duy trì, bảo lưu những nét đẹp văn hóa của cộng đồng của một địa bàn, khu vực cụ thể. Có thể nói một cách nôm na, chợ ở Việt Nam phản ánh những chiều kích đa dạng sắc màu trong lịch sử, văn hóa của cộng đồng dân cư, của đất nước Việt Nam.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, những trung tâm mua bán hiện đại hình thành nhưng chợ từ làng quê cho đến phố thị vẫn còn hiện diện cho thấy sức sống mãnh liệt trong đời sống xã hội. Thậm chí, có những chợ quê, chợ truyền thống với nét độc đáo trở thành nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, trở thành những điểm đến tham quan lý thú.

Khi tiếp cận từ di sản, tác giả giới thiệu những nét văn hóa của cư dân trọng các tập tục, nghi thức cúng chợ tại Bến Cá (huyện Vĩnh Cửu), Đại Phước (huyện Nhơn Trạch), Bến Gỗ (TP.Biên Hòa). Đây là nét sinh hoạt văn hóa của cư dân buôn bán trong môi trường kinh doanh gắn liền với các chợ từ xưa cho đến nay, dù có thay đổi nhưng vẫn duy trì cho đến ngày nay.

Bên cạnh đó, từ cách nhìn gắn với thực tiễn xã hội, tác giả đã khảo sát, công bố những thông tin thú vị về loại hình chợ các tỉnh miền Đông Nam bộ. Gắn với chợ không chỉ đơn thuần là hoạt động cộng đồng mà có nhiều sự tham gia với vai trò, chức năng của  giới, của giai tầng trong xã hội được nhận diện rõ qua người dân, tiểu thương, doanh nghiệp tư nhân, phụ nữ, tâm lý của cư dân đô thị… Đặc biệt, một số chuyên khảo mang hơi thở của chính sách phát triển hiện tại của loại hình chợ, từ phân tích chợ truyền thống gắn bối cảnh thời kỳ hội nhập, gợi mở những giải pháp trong bảo vệ môi trường, đô thị, xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Công trình của tác giả có những góc nhìn mới, góp phần trong việc nhìn nhận lịch sử, văn hóa của sự phát triển của miền Đông Nam bộ và tham khảo hữu ích trong xây dựng chính sách phát triển đối với loại hình chợ của các địa phương.

 PGS-TS.Nguyễn Quang Hồng (Viện Sư phạm xã hội, Trường đại học Vinh) nhận xét về công trình nghiên cứu Chợ ở miền Đông Nam bộ - một góc nhìn: “Mối duyên tình sâu nặng với chợ ở miền Đông Nam bộ thôi thúc Lê Quang Cần tiếp tục trong cuộc hành trình đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng đầy thú vị, hấp dẫn nhằm tái hiện bức tranh đa chiều về quá trình hình thành, phát triển của các loại hình chợ ở miền Đông Nam bộ; nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về vai trò, ảnh hưởng của chợ đối với đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của các thế hệ cư dân trên vùng đất miền Đông với bề dày văn hóa - văn minh, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng suốt bao thế kỷ qua”.

Phan Đình Dũng

 

 

 

Tin xem nhiều