Báo Đồng Nai điện tử
En

Bên dòng sông tôi yêu…

09:01, 06/01/2019

"Man mác dòng sông Đồng Nai êm trôi, nghe tiếng hò ơ chiều vàng mênh mông". Ca từ và giai điệu bài hát Dòng sông Đồng Nai (nhạc Trương Quang Lục, lời Xuân Sách) thật dịu dàng, tha thiết mà lại đượm buồn khiến tôi bồi hồi…

“Man mác dòng sông Đồng Nai êm trôi, nghe tiếng hò ơ chiều vàng mênh mông”. Ca từ và giai điệu bài hát Dòng sông Đồng Nai (nhạc Trương Quang Lục, lời Xuân Sách) thật dịu dàng, tha thiết mà lại đượm buồn khiến tôi bồi hồi…

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Cù lao Phố.
Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Cù lao Phố.

Tôi yêu Biên Hòa - Đồng Nai bắt đầu từ tình yêu với dòng sông. Trong mắt tôi, sông Đồng Nai hiền hòa cả khi nước chảy liu riu hay trong cơn mưa bong bóng, cả khi dữ dội lũ về, sóng vỗ bờ oàm oạp. Sinh thời, nhà văn Hoàng Văn Bổn gọi nó là “con sông linh thiêng”, bởi nó dâng hiến phù sa không mệt mỏi, tạo nên những xóm ấp trù mật, hình thành một vùng văn hóa đặc sắc, hun đúc nên tâm hồn, khí phách người Đồng Nai. Hơn ba thế kỷ thăng trầm, dòng sông in bóng quá khứ vàng son lẫn nước mắt của bao thế hệ từng sống, làm lụng, sinh con đẻ cái, đánh đuổi giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi. Cù lao Phố một thời phồn thịnh “mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng… ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo” rồi lụi tàn vì tao loạn.

Ba trăm năm sau, thương cảng xưa thức dậy với sức mạnh Phù Đổng, trở thành đô thị Biên Hòa sầm uất, tấp nập màu áo thợ, những khu công nghiệp bề thế, những đại lộ vươn ra mọi hướng. Ven sông bát ngát những trang trại “nông thôn mới” với cà phê, tiêu, điều, sầu riêng, măng cụt… Nhưng dù rũ bỏ lớp áo cũ sờn thời quá vãng, trong không gian xanh bóng cây, Cù lao Phố vẫn bảo toàn những giá trị vĩnh hằng của vùng đất Phật. Còn đó 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh, 11 ngôi đình, đền lưu giữ sắc phong của nhà Nguyễn, 40 ngôi mộ hợp chất. Còn đó những lễ hội đua thuyền rộn ràng trên sông khi mùa xuân về. Những vườn bưởi Tân Triều vẫn trĩu quả, vị ngọt phù sa làm nên hương vị thanh tao, khó nơi nào sánh kịp. Người thợ gốm vẫn miệt mài bên bàn xoay với dáng ngồi cần mẫn đến nao lòng, vô vàn sản phẩm tinh tế đã từ làng gốm ven sông tỏa đi khắp thế giới. Đây đó vẫn hiện diện những ngôi mộ lỗ rỗ như tổ ong - nhắc nhớ nghề “chỏi đá ong” độc nhất vô nhị ở Biên Hòa. Cầu An Hảo như cánh tay nối hai bờ sông xanh ngắt thay cho con đò mong manh ngày nào, nhưng cái tên Bến đò An Hảo vẫn hằn trong ký ức người Biên Hòa.

Những địa danh Văn miếu Trấn Biên, Hiệp Hòa, Nhứt Hòa, Bình Quới, làng đá Bửu Long, rạch Lò Gốm… vẫn làm tôi bồi hồi vì kết tụ bề dày lịch sử và tinh túy của vùng đất phương Nam. Ngược lên thượng nguồn, nơi dòng sông như chú ngựa hoang tung bờm qua lô xô đá dựng, rừng Cát Tiên vẫn xanh ngời bên những xóm ấp của đồng bào Mạ, Stiêng, Chơro ấm nồng mùi khói bếp. Và Chiến khu Đ như chấm son rực rỡ trên bản đồ tỉnh Đồng Nai đón du khách đến tìm hiểu, thưởng ngoạn “đại bản doanh” của những người đã làm nên huyền thoại trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc…

Sông Đồng Nai, con sông thơ, sông nhạc với sóng nước mênh mang kỳ vĩ cũng là nguồn cảm hứng vô tận, là đề tài và chất liệu dồi dào cho văn học, nghệ thuật. Những vui buồn trầm tích bên sông thành huyền sử Chuyện tình bên thác Trị An, dệt nên giai điệu bài hát Trị An âm vang mùa xuân ngày nhà máy thủy điện Trị An phát điện lần đầu, làm triệu con tim vỡ òa hạnh phúc. Sẽ mãi là điều bí ẩn khi một khúc sông “ngắn chẳng tày gang” đã sinh ra nhiều tướng lĩnh kỳ tài, nhiều tác giả của những “ tuyệt bút” tiêu biểu cho văn chương đẹp và lạ xứ “Đồng Nai khoai củ”. Đó là Bình Nguyên Lộc tài hoa với Đò dọc, Nhốt gió; là chiến binh huyền thoại Huỳnh Văn Nghệ làm thơ trên lưng ngựa; là Lý Văn Sâm huyền bí Truyện đường rừng; là Hoàng Văn Bổn của những thiên tiểu thuyết đậm chất sử thi về Miền đất ven sông... Tôi từng ngang qua quê hương các văn tài trên con thuyền du lịch bồng bềnh, tâm hồn ngập tràn sự ngưỡng mộ nhiệt thành của kẻ hậu sinh đối với bậc tiền bối. Trên đầu tôi nắng gió ngạt ngào hương vị phù sa, dưới chân tôi là dòng sông thao thiết chảy...

Ai đó bảo tôi, đặc sản của Đồng Nai là... lịch sử. Lịch sử của những chiến công ghi tạc bằng những tượng đài tráng lệ, lịch sử của đất đỏ bazan và rừng cao su, lịch sử của những làng nghề, của tiếng chuông nhà thờ gióng giả ngân vang mỗi chiều, của mái cong đình chùa, đền miễu, lịch sử của sự dung hợp những sắc màu văn hóa và của tinh thần bao dung nghĩa hiệp “Nước sông trong chảy lộn sông ngoài. Thương người xa xứ lạc loài đến đây…” và còn vô vàn những điều khác khiến cho Biên Hòa - Đồng Nai trở thành xứ sở của hội tụ, giao hòa, của khát vọng bay cao bay xa. Biết bao điều quý giá đã hình thành, kết tụ bên dòng sông Đồng Nai xinh đẹp, để hôm nay tôi yêu mảnh đất này như yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình…

Hoàng Ngọc

Tin xem nhiều