Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện về ấn Đền Trần…

10:01, 30/01/2019

Vẫn chưa đến Tết Nguyên đán, chưa đến rằm tháng Giêng - ngày chính thức diễn ra lễ khai ấn đền Trần tại Khu di tích Đền Trần (phường Lộc Vương, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) nhưng câu chuyện xung quanh việc phát ấn, xin ấn lại đã rộ lên.

Vẫn chưa đến Tết Nguyên đán, chưa đến rằm tháng Giêng - ngày chính thức diễn ra lễ khai ấn đền Trần tại Khu di tích Đền Trần (phường Lộc Vương, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) nhưng câu chuyện xung quanh việc phát ấn, xin ấn lại đã rộ lên.

Người dân đi lễ ở đền Trùng Hoa (trong quần thể Đền Trần ở Nam Định) Ảnh: THANH THÚY
Người dân đi lễ ở đền Trùng Hoa (trong quần thể Đền Trần ở Nam Định) Ảnh: THANH THÚY

Lễ khai ấn năm nay, lãnh đạo tỉnh Nam Định tổ chức họp báo và khẳng định sẽ có đủ ấn để phát cho người dân ở 4 địa điểm phát ấn; lắp đặt 16 camera để phục vụ công tác giữ gìn an ninh trật tự, hạn chế cảnh chen lấn, giẫm đạp lên nhau để “cướp ấn” hay hành vi phản cảm như ném tiền lên kiệu rước ấn… như những năm trước. Sự cẩn trọng này của chính quyền địa phương cho thấy việc xin ấn Đền Trần vẫn còn độ “hot” trong tín ngưỡng của người dân.

* Ý nghĩa của ấn Đền Trần

PGS-TS.Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết, lễ khai ấn Đền Trần là sự hồi ảnh của tập tục cổ, xa xưa khi bắt đầu nghỉ tết thì chính quyền phong kiến “niêm ấn”, đình chỉ các hoạt động cho đến hết thời gian nghỉ tết - thường là từ rằm tháng giêng thì triều đình cũng như chính quyền cơ sở làm lễ khai ấn để trở lại làm việc bình thường. Lễ khai ấn Đền Trần được thực hiện từ năm 1239 (thế kỷ 13), sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông, ngày 14 tháng Giêng vua Trần Thái Tông mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường và phong chức, tước cho những người có công chống giặc ngoại xâm. Từ đó đã trở thành tập tục, cứ vào ngày này các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời cũng là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền.

Nghi lễ khai ấn lúc ấy có ý nghĩa nhân văn là cầu mong cho quốc thái dân an, thái bình thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc để bước sang năm mới mạnh khỏe, lao động - sản xuất tốt, vì thế sau này khi nhà Trần sụp đổ, nghi thức này vẫn được người dân địa phương duy trì và trở thành tín ngưỡng dân gian.

PGS-TS.Lương Hồng Quang cho biết với ý nghĩa mang tính nhân văn như trên, năm 2011 ông tham gia nhóm nghiên cứu xây dựng đề án Bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị lễ hội Đền Trần do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nam Định thực hiện, với mục tiêu bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân cũng như ghi nhớ công lao to lớn của nhà Trần trong quá trình xây dựng, mở mang bờ cõi và bảo vệ đất nước qua chiến công lẫy lừng 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông.

* Cần trả lại giá trị ban đầu

PGS-TS.Huỳnh Văn Tới nhận xét, không biết từ bao giờ ấn Đền Trần được “mặc định” là mang ý nghĩa phù hộ cho người xin ấn được “thăng quan, tiến chức”. Vì thực tế trên ấn Đền Trần chỉ khắc 4 chữ “Trần Triều Tự Điển” (có nghĩa là Điển lễ tế tự ở miếu nhà Trần), còn cạnh dưới của ấn khắc 4 chữ “Tích Phúc Vô Cương”, trong đó chữ Phúc là phúc đức (không phải phúc lộc), với ý nghĩa giáo dục thế hệ sau phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì càng bền vững. Thậm chí, ấn Đền Trần hiện nay không phải “chính chủ” vì trải qua thời gian và chiến tranh với nhiều biến cố, ấn cũ không còn mà đến năm 1822 vua Minh Mạng triều Nguyễn mới cho khắc lại.

Đền Trần Nam Định
Đền Trần Nam Định

Về mặt lịch sử, phủ Thiên Trường là nơi ở của các thái thượng hoàng nhà Trần sau khi nhường ngôi vua, vì thế nơi đây không là trung tâm chính trị như kinh đô Thăng Long. Sau này trên nền phủ Thiên Trường xưa, người dân xây dựng khu di tích Đền Trần để thờ 14 vị vua nhà Trần, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cùng các quan văn, võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, cần phải nhấn mạnh đến vai trò của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, người được nhân dân tôn là “nhân thần”, trong quần thể Đền Trần ở Nam Định Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được thờ ở đền Cố Trạch. PGS-TS Huỳnh Văn Tới cho biết với công lao to lớn trong việc 3 lần đánh thắng kẻ địch hùng mạnh bậc nhất thế giới thời đó, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được thờ phụng ở nhiều địa phương và tại một số nơi có ảnh hưởng của Đạo giáo, ông còn nằm trong hàng Tứ Phủ của Đạo Mẫu, được tôn xưng là Đức Thánh Trần, là vị thần cai quản miền sông nước hoặc phù hộ cho phụ nữ khi sinh sản (xuất phát từ huyền tích Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chém đầu tướng giặc Phạm Nhan - người được cho là cho phép thuật chém đầu này mọc đầu khác). Đền Trần Nam Định cho thấy có dấu ấn của Đạo giáo thông qua việc cấp lá bùa Tứ tung Ngũ hoành “cấp linh điều thần an hộ gia môn”, dùng để ngăn chặn sự xâm phạm của ma quỷ.

PGS-TS.Lương Hồng Quang cho biết, Đạo giáo thường có những hình thức bùa chú dùng để trấn yểm, phù trợ cho con người. Trong đền, phủ luôn có các ấn mang tính chất hộ mệnh và ấn Đền Trần cũng có ý nghĩa như vậy, không mang lại lợi lộc như thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc như nhiều người lầm tưởng. Do có sự đứt gãy trong trao truyền, giáo dục về di sản, cộng thêm tính thực dụng của con người trong xã hội hiện nay nên ý nghĩa của lễ hội đã bị biến tướng. Vì vậy, theo PGS-TS.Lương Hồng Quang, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để lễ hội trở về với mục đích ban đầu chớ không nên cấm đoán hay chế giễu, lên án.

Hà Lam

Tin xem nhiều