Báo Đồng Nai điện tử
En

Đôi cánh tri thức Biên Hòa - Đồng Nai 320 năm

11:12, 26/12/2018

Trong số các hoành phi, câu đối do Anh hùng lao động, GS.Vũ Khiêu viết hiện đặt trong Văn miếu Trấn Biên, tôi đặc biệt tâm đắc với 2 câu: "Gom hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này". Bởi, chỉ vỏn vẹn 14 chữ mà dường như đã hình dung, cô đọng được hết tinh thần "Hào khí Đồng Nai".

Trong số các hoành phi, câu đối do Anh hùng lao động, GS.Vũ Khiêu viết hiện đặt trong Văn miếu Trấn Biên, tôi đặc biệt tâm đắc với 2 câu: “Gom hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này”. Bởi, chỉ vỏn vẹn 14 chữ mà dường như đã hình dung, cô đọng được hết tinh thần “Hào khí Đồng Nai”.

Hoạt động văn hóa - văn nghệ tại Văn miếu Trấn Biên.
Hoạt động văn hóa - văn nghệ tại Văn miếu Trấn Biên.

320 năm nhìn lại, những thành tựu về kinh tế - xã hội của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là rõ rệt, không cần bàn cãi. Từ vùng đất “Ở đâu xứ sở lạ lùng/ Dưới sông sấu lội, lên rừng cọp um”, Đồng Nai hôm nay nằm trong tốp những địa phương có kinh tế phát triển nhất cả nước, là một trong 5 tỉnh, thành có đóng góp lớn nhất cho ngân sách. Về an sinh xã hội, Đồng Nai được công nhận đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tiêu chí Chính phủ. Các lĩnh vực y tế, GD-ĐT, dạy nghề, chương trình xây dựng nông thôn mới… đều có những phát triển vượt bậc, nằm trong tốp đầu cả nước.

Nhưng “thước đo” về một địa phương không chỉ có các chỉ số kinh tế. Nhà văn André Malraux từng nói: “Văn hóa là những gì còn lại, khi tất cả đã mất đi”. Vì vậy, sự kết tinh và lan tỏa về văn hóa cũng là một trong những thước đo giá trị của một vùng đất. Vậy, lấy công trình văn hóa làm thước đo thì Đồng Nai phát triển như thế nào?

* Tiếp nối và lan tỏa

Văn hóa là giá trị tinh thần cốt lõi của một dân tộc, một cộng đồng, được hun đúc, bồi đắp theo thời gian. 320 năm, Biên Hòa - Đồng Nai còn quá nhỏ bé, mỏng manh so với Thăng Long ngàn năm văn hiến. Nhưng nếu không được vun đắp, phát huy, văn hóa Đồng Nai có thể đứng trước nguy cơ bị phai nhạt.

303 năm trước, chỉ 17 năm sau khi thành lập và định danh cho vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, chúa Nguyễn đã cho xây dựng văn miếu Trấn Biên - công trình văn hóa đầu tiên ở xứ Đồng Nai và cả vùng Đàng Trong. Văn miếu Trấn Biên được ghi nhận như một biểu tượng cho tinh thần “Tôn sư trọng đạo” của cả vùng đất phương Nam. Những năm sau đó bất chấp những biến động của thời cuộc (chiến tranh giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn, đấu tranh chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ…), nhiều tác phẩm, ấn phẩm, công trình văn hóa khác vẫn “vượt khó” ra đời, trong đó phải nhắc đến bộ sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức - một người con của vùng đất Biên Hòa. Ra đời cách đây gần 200 năm nhưng những ghi chép, tư liệu hết sức quý báu trong Gia Định thành thông chí vẫn còn có giá trị đến tận hôm nay, nói nôm na là “xài hoài không hết”.

Sau năm 1975, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đồng tâm hiệp lực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Bên cạnh nhiều ngôi nhà, công trình cao tầng mọc lên thì những ấn phẩm, tác phẩm văn hóa cũng được hình thành, góp thêm bề dày và vun đắp cho nền văn hóa Đồng Nai. Năm 1998, Văn miếu Trấn Biên được phỏng dựng, một lần nữa khẳng định và nêu cao truyền thống trọng học, nhấn mạnh đến quan điểm về văn hóa qua lăng kính của tư tưởng thời đại Hồ Chí Minh đó là lấy “Văn” (văn hóa) làm nền tảng, lấy học hỏi, hiểu biết tri thức làm cốt lõi (Bất học bất tri lý/ Học nhi thời tập chi). Ông cha xưa có tập quán dâng cúng tổ tiên những gì tinh túy, trân quý, thì từ nhiều năm nay đã thành thông lệ, các nhà khoa học, nghiên cứu, giới văn nghệ sĩ ở Đồng Nai khi có những sáng tác, tác phẩm có giá trị, thành tựu lớn đều thực hiện nghi thức dâng hương, báo công, trao tặng thành quả cho Văn miếu Trấn Biên, điều này đã trở thành một nét đẹp văn hóa.

Nhìn lại, hệ thống sách vở, ấn phẩm, tư liệu đang được lưu giữ tại Thư khố của Văn miếu Trấn Biên là một kho tàng quý giá. Về nhóm sưu tầm, nghiên cứu cổ thư có các quyển: Đại Nam nhất thống chí, Gia định thành thông chí, các tác phẩm của nhóm Gia Định tam gia (Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định)… Mới đây, Văn miếu Trấn Biên cũng vừa tiếp nhận một số mộc bản (bản gỗ có khắc chữ, dùng để in), cũng được lưu giữ trong Thư khố như hiện vật quý. Về hệ thống sách cơ bản, Thư khố có rất nhiều sách giá trị như: Địa chí Đồng Nai (5 tập), Văn hóa Đồng Nai, Biên Hùng sử lược (2 tập), Trấn Biên cổ kính, Làng Bến Cá, Địa chí tỉnh Biên Hòa, Địa danh hành chính - văn hóa - lịch sử Đồng Nai, Ấn tượng Đồng Nai, Gieo hạt đất lành, sách về văn hóa các dân tộc bản địa Chơro, Mạ... Hôm nay 27-12, Văn miếu Trấn Biên tổ chức báo công, dâng sách và giới thiệu một số sách mới như: Sáng ngời chất ngọc anh hùng (3 tập), Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai, Hình ảnh Biên Hòa xưa, Văn miếu Trấn Biên - hào khí phương Nam; đồng thời tiếp nhận những bài viết đoạt giải cao qua các lần tổ chức cuộc thi Tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa tỉnh Đồng Nai.

Nói chung, hệ thống ấn phẩm văn hóa ở Đồng Nai thuộc đủ các thể loại (cổ thư, sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, dịch thuật, khoa học - kỹ thuật); tác giả thuộc đủ các thành phần (văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà phê bình văn học, nhà báo); đủ lứa tuổi, thu hút cả lực lượng chuyên và không chuyên. Các câu lạc bộ đọc sách ra đời ở một số địa phương, đơn vị, trường học trong tỉnh cũng bước đầu góp phần lan tỏa văn hóa đọc, dù chưa nhiều. Hệ thống văn hóa phẩm có đặc điểm là làm giàu thêm tri thức cho người viết lẫn người đọc. Như thời điểm tỉnh thực hiện bộ sách Địa chí Đồng Nai, không những đã kết tinh được trí tuệ của những “đại thụ” về các lĩnh vực lịch sử, địa lý, khảo cổ, kinh tế, văn hóa… mà còn là cơ hội đào tạo cho lớp trẻ, có sự truyền nghề, truyền “lửa”.

Học sinh Trường THPT Nam Hà sinh hoạt văn nghệ bên tượng Danh nhân văn hóa Nguyễn Du.
Học sinh Trường THPT Nam Hà sinh hoạt văn nghệ bên tượng Danh nhân văn hóa Nguyễn Du.

Đồng Nai nêu cao tinh thần trọng học không chỉ là học chữ, mà còn có học nghề bởi đây là vùng đất năng động, công nghiệp phát triển sớm. Văn vật khố của Văn miếu Trấn Biên hiện cũng lưu giữ những tác phẩm văn hóa của Đồng Nai như: bộ tranh gốm 8 bức của các nghệ nhân Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, bộ tranh khắc đồng Vinh quy bái tổ, bức tranh thêu Nguyên khí Trấn Biên, tượng Phật điêu khắc đá của nghệ nhân làng đá Bửu Long… cùng một số tác phẩm được giải thưởng cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.

* Nhiều kỳ vọng

Năm 2017, tôi có dịp đưa TS.Jane Gaven, nữ chuyên gia giảng dạy tại trường đại học ở Sydney (Úc) đến Văn miếu Trấn Biên. Chiêm ngưỡng bộ tranh gốm của các nghệ nhân Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai thực hiện năm 1925 đang trưng bày tại đây, TS.Jane đã nghiêng mình bái phục tài hoa của nghệ nhân Đồng Nai. Qua đó, tôi càng thêm suy tư về các sản phẩm gốm Đồng Nai hiện còn “lưu lạc” ở đâu đó cũng như tương lai của ngành gốm mỹ nghệ Đồng Nai.

Có một thời, các sản phẩm gốm Biên Hòa nức tiếng trong và ngoài nước, đặc biệt là màu men xanh đồng Vert de Bienhoa. Vậy thì, những sản phẩm gốm đoạt huy chương vàng tại các hội chợ triển lãm quốc tế năm 1925 và 1932 tại Paris (Pháp); đôi voi gốm đặt ở Bệnh viện tâm thần Biên Hòa, tượng gốm thiếu nữ rửa chân, cùng với những sản phẩm trong gian trưng bày (trên đường 30-4 hiện nay) của Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (tức Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai)... đang ở đâu? Thậm chí, ngay cả những sản phẩm gốm nổi tiếng một thời hiện vẫn chưa được coi trọng, như bộ sản phẩm gốm cá hóa long đặt ở đài phun nước Quảng trường Sông Phố (trước trụ sở UBND tỉnh hiện nay) vẫn đang “chìm nổi” không hề được bảo vệ, bị sơn phết tùy tiện.

Với những sản phẩm gốm Biên Hòa hiện rõ “địa chỉ”, lãnh đạo Trung tâm Văn miếu Trấn Biên từng muốn sưu tầm để gìn giữ, trưng bày nhưng không có kinh phí. Còn ngành gốm mỹ thuật ở Đồng Nai thì hiện “ngắc ngoải”, khó bảo tồn, phát huy vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do không theo được kinh tế thị trường, sản xuất gốm mỹ nghệ theo kiểu thủ công bị xếp loại gây ô nhiễm môi trường. Làm gì để ngành gốm và những ngành nghề truyền thống khác của Đồng Nai một lần nữa được khôi phục, bay cao, vươn xa?

Tôi có một mơ ước, đó là với một tỉnh năng động, phát triển mạnh mẽ như Đồng Nai, hằng năm bên cạnh các công trình kiến trúc, kinh tế sẽ có thêm nhiều ấn phẩm về văn hóa ra đời và đến được với công chúng. Hiện nay, một tín hiệu vui là nhiều địa phương cấp phường, xã, thị trấn, huyện đang tích cực chuẩn bị thực hiện viết mới hoặc nâng cấp sách về lịch sử Đảng bộ địa phương. Qua đó tôi cũng có mong ước bộ sách Địa chí Đồng Nai vốn thực hiện từ năm 2000, nay được tiếp tục bổ khuyết, nâng cao. Với đà phát triển và tiềm lực kinh tế của địa phương trẻ trung như Đồng Nai, tại sao không?

Huỳnh Văn Tới  - Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Tin xem nhiều