Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến khu Đ trong lòng tôi

10:12, 24/12/2018

… Từ một chàng trai Hà Nội, tôi đã vào Chiến khu Đ trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh theo tiếng gọi của non sông và sự vẫy gọi của những trang sách viết về miền Nam chiến đấu. Tôi trở thành người của Chiến khu Đ không phải với tư cách là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu mà là một nhà giáo dạy học trong rừng.

… Từ một chàng trai Hà Nội, tôi đã vào Chiến khu Đ trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh theo tiếng gọi của non sông và sự vẫy gọi của những trang sách viết về miền Nam chiến đấu. Tôi trở thành người của Chiến khu Đ không phải với tư cách là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu mà là một nhà giáo dạy học trong rừng.

​Đài tưởng niệm Trung ương Cục miền Nam (Chiến khu Đ​).
​Đài tưởng niệm Trung ương Cục miền Nam (Chiến khu Đ​).

Cuối năm 1973 từ Trung ương Cục tôi được phân công làm cán bộ của Ban Tuyên giáo tỉnh Biên Hòa, ở Ban được một thời gian thì được phân qua huyện Thống Nhất dạy học. Huyện Thống Nhất thuộc tỉnh Biên Hòa thời chiến tranh do đồng chí Tám Hải làm Bí thư, Hai Liên làm Phó bí thư có chủ trương mở trường văn hóa để thu nhận cán bộ, con em cán bộ, nhân dân vào học nhằm đào tạo lực lượng cho cách mạng sau này. Trường văn hóa huyện Thống Nhất nằm ở xã Cây Gáo (nay thuộc huyện Trảng Bom), cán bộ xã phần lớn là bộ đội biệt phái.

Ở ngoài Bắc trường lớp có sẵn chỉ lo dạy, ở đây bắt đầu phải từ cái kèo, cái cột, mái lợp, cái bàn cái ghế, gạo và rau để ăn, hầm để trú ẩn. Vốn vụng về tôi cũng theo các anh cán bộ xã và học sinh lớn tuổi đi chặt tre làm cột, cưa cây làm bàn ghế. Chúng tôi còn lủi vào rừng cao su, muỗi nhiều như trấu, những bát đựng mủ nằm lăn lóc dưới đất. Cảnh hoang vắng đến rợn người. Dò dẫm đến mấy căn nhà đổ nát do bom pháo còn sót lại mấy cánh cửa, chúng tôi nạy ra lễ mễ khiêng về sửa sang làm bàn học. Phòng học muốn chắc chắn phải lợp thiếc nên các em học trò ra tận Bàu Hàm tải thiếc. Đến lúc dựng phòng học thì tôi chẳng phải thợ nên chỉ giữ chân sai vặt, giúp đưa cưa, bào, búa đinh… Hai lớp học vững chãi đã dựng lên, hầm hào, lán trại đã ổn học sinh lục tục kéo đến. Đủ các dân tộc: Kinh, Chơro, S’tiêng, Hoa… Đủ lứa tuổi; hai mươi tuổi là du kích xã chưa biết chữ, ba bốn tuổi còn đái dầm. Khoảng sáu mươi em tạm chia làm hai lớp: lớp vỡ lòng và lớp bốn.

Lúc này Khu miền Đông tăng cường thêm anh Trần Sĩ Huấn, nguyên là Hiệu trưởng Trường cấp ba Mỹ Lộc (tỉnh Nam Hà). Anh Huấn dạy vỡ lòng, tôi dạy lớp bốn. Dạy được vài tháng thì tôi được “cấp giấy chứng nhận” là người của Chiến khu Đ: bệnh sốt rét. Toàn thân ớn lạnh, run lên bần bật. Có những buổi trưa đứng dưới nắng khoác chăn bông mà vẫn lạnh toát. Chị Ba Chót, y tá xã Cây Gáo tiêm ký ninh vào bả vai nhiều đến nỗi bả vai cứng đờ, mỗi lần đi tiểu nước tiểu đỏ như máu. Ăn cơm miệng nhạt thếch chỉ húp chút cháo loãng. Chừng mười ngày cơn sốt rét tạm lui, khi yếu trong người bị quật trở lại.

Ở Cây Gáo ăn uống rất kham khổ, thực đơn chỉ có cơm độn bắp, canh loãng với vài ba cọng rau, vài lát xoài ngâm trong dĩa nước mắm. Thỉnh thoảng được ăn tươi, mấy anh cán bộ xã chèo xuồng ra giữa sông đánh trái, nước vọt lên, cá chết nổi lềnh phềnh, một anh nhảy tùm xuống sông vớt cá, trên xuồng không có bao tải họ buộc túm ống quần nhét cá vào. Nồi cá kho với măng rừng đun bằng củi gộc cháy rừng rực suốt ngày đêm, cá nhừ, măng mềm ăn rất ngon. Rau thì cực thiếu, xã có một cái rẫy nhỏ trồng rau nhưng không đủ chu cấp cho từng ấy người. Nan giải nhất là gạo, hơn sáu mươi cái tàu há mồm đang sức ăn sức lớn nên cứ vài ngày lại hết gạo. Khi gạo tụt xuống sát đáy thùng, các em học trò lớn lại mang bòng đi trong rừng cao su, tuôn ra Bàu Hàm mua gạo tải về.

Thầy trò chúng tôi chẳng thể nào có cuộc sống bình yên để dạy và học. Máy bay địch vè vè trên đầu, pháo từ Dốc Mơ dội về, biệt kích truy lùng. Vào tháng 1-1975 một  “chị nuôi” (cấp dưỡng) của trường trong đêm khuya lặng lẽ chèo xuồng đi chiêu hồi, trường lập tức phải chuyển qua bên kia sông tới cứ của một đơn vị bộ đội - khi họ vừa mới chuyển đi. Thầy trò lại bòng bị, nồi niêu, xoong chảo, gạo rau theo con xuồng sang chỗ mới.

Cuối tháng 1-1975 anh Ba Thảo và tôi được cử đi dự hội nghị giáo dục toàn miền Nam ở Tây Ninh. Hồi từ Tây Ninh xuống Biên Hòa tôi phải lẽo đẽo đi bộ cả tháng trời, nay được đi bằng xe vận tải quân sự nên chỉ mất có vài ngày. Từ lộ ủi Trần Lệ Xuân tới Bù Đốp, Lộc Ninh chúng tôi tới điểm họp là một cánh rừng ở Tà Xia. Cuộc họp do Bộ Giáo dục Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam chủ trì, chủ đề là làm sao để phát triển giáo dục vùng giải phóng. Lúc ấy đã rục rịch kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (Chiến dịch Hồ Chí Minh) nhưng do bí mật quân sự nên bên giáo dục vẫn chưa biết gì. Họp xong chúng tôi theo xe chở sách giáo khoa trở về Biên Hòa. Tới Bù Đốp thì đụng ngay ba mươi tết. Cái tết dọc đường đạm bạc mà ấm cúng. Đêm giao thừa nấu được một nồi thịt kho và một nồi chè. Tôi đi vào nhà bà con trong thị trấn xin được hai đòn bánh tét. Thế là đủ. Đúng mười hai giờ súng nổ rầm rộ sáng rực trên bầu trời Bù Đốp, chúng tôi ngửa mặt lên trời hò reo. Lúc này tận mắt thấy vùng giải phóng ngày càng mở rộng, lực lượng ta ngày càng lớn mạnh ai cũng tin tưởng chỉ vài năm nữa sẽ giải phóng. Chẳng thể ngờ khi về trường chỉ vài tháng đã diễn ra cuộc tháo chạy hốt hoảng của kẻ bại trận, đoàn quân giải phóng rầm rập tiến vào giải phóng Sài Gòn. Thầy trò chúng tôi múa hát, mổ heo ăn mừng suốt mấy ngày đêm.

Đến giữa tháng 5-1975 tôi tạm biệt Cây Gáo, vùng đất ven sông Đồng Nai “đã hóa tâm hồn” trong tôi. Tạm biệt các học trò - những khuôn mặt xanh rờn vì sốt rét và thiếu ăn, ham học ham hiểu biết, lo cho bạn, thương thầy. Hẹn ngày gặp lại…     

Bùi Quang Tú

Tin xem nhiều