Báo Đồng Nai điện tử
En

Cái duyên với một vùng đất

10:12, 19/12/2018

Sau khi tốt nghiệp Khoa Trung văn Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội năm 1982, tôi trở về nhà chờ phân công công tác. Mãi không thấy nhà trường thông báo, bố tôi bảo: "Con là thanh niên đã trưởng thành, đừng ở nhà chờ đợi nữa, hãy chủ động tìm việc cho mình". Thế là tôi quyết định nhảy tàu vào Nam.  Ấy là năm 1983, tôi vừa tròn 24 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Trung văn Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội năm 1982, tôi trở về nhà chờ phân công công tác. Mãi không thấy nhà trường thông báo, bố tôi bảo: “Con là thanh niên đã trưởng thành, đừng ở nhà chờ đợi nữa, hãy chủ động tìm việc cho mình”. Thế là tôi quyết định nhảy tàu vào Nam.  Ấy là năm 1983, tôi vừa tròn 24 tuổi.

Lễ hội Kỳ Yên đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa).
Lễ hội Kỳ Yên đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa).

Dừng chân ở đất đầy nắng gió Thuận Hải (nay là tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận), tôi được ông  Phan Minh Đạo - lúc ấy là Giám đốc Ty Văn hóa - thông tin tỉnh Thuận Hải gợi ý về làm việc ở Phòng Bảo tồn - bảo tàng. Trong thời gian làm việc ở đây, tôi được cơ quan quan tâm cử đi học khóa bồi dưỡng về nghiệp vụ bảo tồn di tích và quản lý cổ vật do Bộ Văn hóa - thông tin và Trường đại học văn hóa Hà Nội tổ chức. Và như là cái duyên, đến năm 1984 trong một lần đi dự hội thảo về bảo tồn di tích các tỉnh phía Nam do Bộ Văn hóa - thông tin tổ chức tại Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), tôi được gặp và làm quen với chú Đỗ Bá Nghiệp (Tư Nghiệp) - lúc ấy là Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai. “Kết” chàng trai trẻ gốc Nam Định học chuyên ngành Hán - Nôm, chú Tư ngỏ ý mời tôi về “đầu quân” cho Bảo tàng Đồng Nai. Tuy nhiên, thời điểm đó do tình hình chiến tranh biên giới Tây Nam căng thẳng, tôi đã lên đường nhập ngũ, hẹn chú Tư Nghiệp hoàn thành nghĩa vụ quân sự xong sẽ về Đồng Nai làm việc. Sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Hải đội 3 Biên phòng Thuận Hải, tôi chính thức về công tác tại Bảo tàng Đồng Nai.

Ngày đầu tiên nhận việc, tôi được chú Lâm Hiếu Trung (Bảy Trung) và chú Tư Nghiệp trực tiếp giao nhiệm vụ. Tôi vừa vinh dự, vừa cảm thấy áp lực với trọng trách mà lãnh đạo ngành Văn hóa Đồng Nai tin tưởng giao phó. Với sức trẻ và nhiệt huyết sẵn có của người lính, tôi tự nhủ “phải làm được điều gì đó để đáp lại sự tin tưởng của hai chú lãnh đạo”. Với những kiến thức nghiệp vụ đã học, đồng thời được chú Tư Nghiệp thường xuyên hướng dẫn, trao đổi về lịch sử, văn hóa của vùng đất Đồng Nai với sự say mê và thông hiểu, tôi cảm thấy tự tin bắt tay vào công việc cùng 2 cộng sự  của Tổ di tích là Lương Thúy Nga và Lâm Thị Vân Thoa, do tôi làm tổ trưởng.

Để lập một hồ sơ di tích lịch sử, văn hóa trình Bộ Văn hóa - thông tin thẩm định và phê duyệt cấp quốc gia đòi hỏi rất nhiều điều kiện cần phải chứng minh, giải thích đi kèm với các bằng chứng thuyết phục. Những năm tháng đó mọi thứ còn khó khăn thiếu thốn, toàn bộ nội dung hồ sơ phải đo vẽ thủ công như: vẽ sơ đồ vị trí và chỉ dẫn đường đến di tích; vẽ sơ đồ tổng thể di tích theo tỷ lệ 1/500 với các mặt bằng, mặt cắt ngang, cắt dọc; thuyết minh kết cấu kiến trúc và họa tiết chạm khắc tiêu biểu của di tích theo tỷ lệ 1/50; thực hiện một bộ ảnh khảo tả di tích; lập bản thống kê di vật, cổ vật và sơ đồ bố trí...

Ban ngày chúng tôi chia nhau đi thu thập tư liệu, tối về lại tra cứu tự điển, dịch các nội dung hoành phi, câu liễn và sắc thần liên quan đến di tích. Tôi còn nhớ khi đó, để chụp được sắc Thần ở các đình không hề đơn giản: phải báo cho Ban quản lý đình biết trước để chọn ngày làm lễ khai sắc với đầy đủ lễ nghi. Thậm chí có đình còn phân công người cất giữ sắc Thần ở nhà chứ không để ở đình, chúng tôi phải thuyết phục mãi sắc Thần mới được đưa đến đình làm lễ khai sắc. Vất vả nhưng thật vui.

Sau gần 3 năm miệt mài với công việc, tôi và các cộng sự đã đón nhận tin vui là những hồ sơ di tích như: Đài Chiến sĩ/Đài Kỷ niệm, Đình An Hòa, Đình Tân Lân, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Nhà hội Bình Trước và Chùa Ông (Thất phủ Cổ miếu)... được Bộ Văn hóa - thông tin cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Thấm thoắt đã 30 năm sống và làm việc ở vùng đất miền Đông “gian lao mà anh dũng” này, tôi đã cảm mến và gắn bó với Biên Hòa - Đồng Nai như quê hương thứ hai mình. Tôi cũng cảm thấy tự hào vì đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa của Đồng Nai. Mỗi dịp đọc báo, nghe tin những di tích trên được tổ chức các hoạt động nghi lễ một cách trịnh trọng, giữ gìn được truyền thống văn hóa của tổ tiên, lòng tôi lại thấy nao nao, ấm áp.

Đặng Thế Công

Tin xem nhiều