Báo Đồng Nai điện tử
En

Bí ẩn ngôi mộ cổ dần được hé mở

09:12, 02/12/2018

Trong các di chỉ khảo cổ được khai quật ở Đồng Nai, thì khu vực Hàng Gòn, Suối Chồn (TX.Long Khánh) có lẽ là nơi phát hiện được nhiều hiện vật hơn cả...

Trong các di chỉ khảo cổ được khai quật ở Đồng Nai, thì khu vực Hàng Gòn, Suối Chồn (TX.Long Khánh) có lẽ là nơi phát hiện được nhiều hiện vật hơn cả.

Nếu như Biên Hòa đã hình thành cách đây khoảng 320 năm, thì ngôi mộ đá cổ Hàng Gòn (Mộ cự thạch Hàng Gòn) đã hiện hữu cách đây trên 2 ngàn năm (khoa học đã minh chứng), một niên đại mà công cụ lao động bằng đá phát triển rất mạnh, có người cho rằng, người Việt cổ đặt chân đầu tiên lên đất Đồng Nai có lẽ tại Long Khánh (Xuân Lộc xưa).

Lễ hội Vía ông Đá do Ban quý tế miếu Ông Đá thực hiện theo lễ thức truyền thống.
Lễ hội Vía ông Đá do Ban quý tế miếu Ông Đá thực hiện theo lễ thức truyền thống.

Khi phát hiện ra ngôi mộ đá này (năm 1927), cư dân ở đây quen gọi là Mộ ông Đá vì xung quanh ngôi mộ toàn là những phiến đá ghép lại. Điều khá đặc biệt là trên nắp mộ là phiến đá mang hình lưỡi rìu đá được người Việt cổ sử dụng làm công cụ sản xuất khá phổ biến.

Không biết từ khi nào đã xuất hiện lễ tục “Vía ông Đá”, chỉ biết rằng xưa kia, vùng đất này toàn là rừng, rất hoang vu và nhiều thú dữ, bệnh tật... Một số ít người dân sinh sống ở đây hầu hết được chiêu mộ từ đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh (miền Bắc) vào làm phu cho các đồn điền cao su của chủ tư sản người Pháp. Cư dân sống cơ cực, làm công nhân cao su quần quật suốt ngày nhưng không đủ ăn đành phải đi rất xa phá rừng, làm rẫy trồng thêm cây lúa, cây khoai để cải thiện cuộc sống.

Chuyện xưa kể rằng, xứ này xa xưa hoang vu và cơ cực lắm, dân xứ này toàn đi phu cho chủ tư sản người Pháp, một số người có sức khỏe thì vào rừng đốn củi, đốt rẫy trồng thêm hoa màu để cải thiện cuộc sống. Mỗi khi đi làm về khuya vào những đêm trăng người ta thường thấy hướng bên ngôi mộ đá thấp thoáng bóng người, lúc ẩn lúc hiện rồi biến mất trong đêm tối. Nhiều lần thấy vậy, người dân mới bàn bạc với nhau lập bàn thờ cúng vong linh những người đã khuất (đối tượng thờ chính là Ông Đá), mong sao cho những vong linh ấy mau siêu thoát phù hộ cho dân làng. Và thế là từ đó, bóng người trong đêm không còn xuất hiện bên ngôi mộ nữa, dần dà dân làng có cuộc sống sung túc hơn, bàn thờ ấy được dân làng ngưỡng vọng xây nên ngôi miếu thờ, gọi là miếu Ông Đá. Từ đó, họ cảm thấy cuộc sống thanh bình hơn, bệnh tật giảm hẳn, cuộc sống được cải thiện. Lễ Vía Ông Đá từ đó xuất hiện, diễn ra đều đặn hằng năm vào ngày 12 đến 13-9 âm lịch.

Cũng theo cư dân địa phương, thời điểm lễ tế này phù hợp với sự xuất hiện của “Ông Đá” xưa kia. Ông Năm Nô - người dân sống lâu năm ở Hàng Gòn cho biết: “Từ lâu đã thành thông lệ, cứ đến tháng 9 âm lịch dân làng Hàng Gòn tổ chức lễ cúng ông Đá theo nghi thức tế lễ truyền thống, mong Ông phù hộ, độ trì cho dân làng được tai qua, nạn khỏi, làm ăn khấm khá, con cháu trong làng mau tiến bộ, đất nước mãi hòa bình…”. Điều đó cũng minh chứng tục thờ Đá đã được cư dân người Việt cổ rất tôn sùng.

Gần đây, lễ hội  Vía ông Đá do Ban quý tế miếu Ông Đá thực hiện theo lễ thức truyền thống, các nghi thức lễ dâng hương và cúng Ông Đá theo lễ Kỳ yên nhưng giản lược hơn. Đây là lễ hội thường niên diễn ra tại di tích nhằm cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Và cũng là dịp để nhân dân địa phương gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy con cái, thắt chặt mối quan hệ tình làng nghĩa xóm thể hiện niềm tin, sự ngưỡng vọng của người dân đối với bậc tiền nhân…

Dù có thế nào đi chăng nữa, người dân địa phương nơi đây vẫn quen gọi Mộ Cự thạch Hàng Gòn với tên gọi thiêng liêng như bao đời nay vẫn gọi là “Mả Ông Đá”. Gần đây, trong các tuyến du lịch của tỉnh Đồng Nai, tuyến Xuân Lộc - Long Khánh đã có nhiều du khách đến với di tích quốc gia đặc biệt Mộ Cự thạch Hàng Gòn. Với tiềm năng hiện có và nếu được sự đầu tư, quảng bá hợp lý, di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn hứa hẹn sẽ trở thành một điểm tham quan và hoạt động văn hóa hấp dẫn cho nhân dân và du khách, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, phát triển dịch vụ du lịch ở địa phương cũng như bảo vệ, phát huy các giá trị di sản khảo cổ học độc đáo cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Mộ đá cổ Hàng Gòn, ngoài các giá trị khảo cổ học, việc khai thác phát triển du lịch tâm linh, tham gia các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí tại di tích cũng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng của xứ Biên Hòa - Đồng Nai 320 năm.

Hoàng Long

Tin xem nhiều