Báo Đồng Nai điện tử
En

Ấn tượng với Cù lao Phố

09:12, 17/12/2018

Trước đây, khi chưa về công tác ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, cái tên "Cù lao Phố" đã gợi lên cho tôi nhiều tò mò nên khi chính thức về Đồng Nai làm việc thì Cù lao Phố chính là địa danh đầu tiên tôi đã tìm đến. Và theo thời gian, đất và người Cù lao Phố đã cho tôi cơ hội để hiểu thêm về một vùng đất có thể được xem là cái "rốn" văn hóa của vùng đất Trấn Biên sau 320 năm hình thành và phát triển.

Trước đây, khi chưa về công tác ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, cái tên “Cù lao Phố” đã gợi lên cho tôi nhiều tò mò nên khi chính thức về Đồng Nai làm việc thì Cù lao Phố chính là địa danh đầu tiên tôi đã tìm đến. Và theo thời gian, đất và người Cù lao Phố đã cho tôi cơ hội để hiểu thêm về một vùng đất có thể được xem là cái “rốn” văn hóa của vùng đất Trấn Biên sau 320 năm hình thành và phát triển.

Cầu Ghềnh (hay còn gọi là cầu Gành) bắc qua sông Đồng Nai, nối phường Bửu Hòa và xã Hiệp  Hòa (TP.Biên Hòa).
Cầu Ghềnh (hay còn gọi là cầu Gành) bắc qua sông Đồng Nai, nối phường Bửu Hòa và xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa).

* Một điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa

Từ trên cao nhìn xuống, Cù lao Phố được bao bọc bởi hai nhánh sông Cái (sông Đồng Nai) nổi bật lên với màu xanh mượt mà của cây cối, tương phản với một bên là Khu công nghiệp Biên Hòa 1 với những nhà máy san sát có tuổi đời đã hơn 40 năm và ở 3 phía là 3 cây cầu vững chãi bắc qua các nhánh sông là cầu Hiệp Hòa, Bửu Hòa và đặc biệt là cầu An Hảo được khánh thành đúng vào dịp 30-4-2017. Nhìn từ xa hơn một chút thì ở một góc nhìn nào đó, Cù lao Phố chẳng khác nào bán đảo Thủ Thiêm của TP.Hồ Chí Minh.

Ấn tượng đầu tiên chính là sự có mặt của các di sản văn hóa mang dấu ấn từ thời khẩn hoang, mở cõi đất phương Nam của triều Nguyễn còn giữ được ở Cù lao Phố. Đó là đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh nằm ngay bên sông khá thuận tiện cho thuyền bè ghé lại mỗi dịp lễ tết, nhất là ngày giỗ của Đức Lễ Thành hầu. Người dân địa phương vẫn duy trì được lễ giỗ ông vào tháng 5 âm lịch hằng năm, thu hút đông người dân và du khách tham gia, và từ rất lâu rồi đã là một trong những ngày lễ trọng của cư dân địa phương, nhất là với bậc cao niên. Gần đó là chùa Đại Giác, cũng là một chứng nhân của thời kỳ đầu người Hoa đến lập ấp, để biến Cù lao Phố trở thành một thương cảng sầm uất cách đây hơn 300 năm. Gần hơn nữa là cây cầu Ghềnh - một trong những cây cầu sắt đầu tiên được người Pháp xây dựng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Và còn có thể kể đến đình Bình Quang, chùa cổ Hoàng Ân… nghĩa là chỉ cần quay tới quay lui, đi vài trăm mét là khách đã có thể bắt gặp để làm dày thêm trên hành trình khám phá mảnh đất Biên Hòa 320 năm.

* Ấn tượng người cù lao

Nhưng gây ấn tượng mạnh hơn với tôi chính là những con người được sinh ra, lớn lên trên đất cù lao. Một trong số ấy là ông Lê Văn Chín nhà ở ngay đầu cầu Ghềnh (hay Gành theo cách gọi của dân địa phương), năm nay đã ngoài 80 tuổi. Thuở thiếu thời, con đường sắt với cây cầu sắt, dòng sông Cái với những chiều tắm sông luôn là những kỷ niệm khó quên trong ông. Bố ông Chín vốn là thợ sắt tham gia làm cầu Ghềnh trong thời gian đầu có kể lại rằng “xây cầu này hao lắm, nhất là khi làm các trụ cầu phải có vòng sắt bao lại, vào mùa nước có những hôm nước dâng, lũ về phải bơm nước ra, có khi công nhân bị ngạt mà chết”. Trước ngày 30-4-1975 thì ông đang làm trong Sân bay Biên Hòa với cấp hàm Chuẩn úy. Ông có người anh ruột tên Lê Văn Bính thời Pháp làm đốc học Bà Rịa sau đi tập kết và năm 1963 về lại Chiến khu Đ chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Ông Chín nhớ lại: xưa nguyên thủy ở đây toàn ruộng lúa mênh mông, chưa có trường học nào, tui phải ra tới chợ Đồng học rồi thi trường tỉnh, dân thì rất ít - thời những năm 1946-1947 chỉ khoảng dưới 1 ngàn dân, còn thời tui còn nhỏ thì xung quanh chỉ có khoảng chục cái nhà, còn nữa thì toàn vườn tược, cây trái. Cầu Gành hồi đó cho xe lửa và ô tô đi chung ở giữa, xe đạp và người đi bộ đi ở hai bên, trong đó xe đạp đi phía bên phải và phải có người gác 2 đầu, giờ làm lại cầu Gành mới tiện hơn không phải gác, tĩnh thông cũng cao hơn”. Cũng nhờ có cây cầu An Hảo mới mà giờ đây người dân như ông “đi thăm con gái ở Long Thành, đi cái rột là ra tới ngã tư Vũng Tàu”.

Dù không có bằng cấp gì cao siêu nhưng hiểu biết của ông về thời cuộc làm tôi ngạc nhiên và nhất là những ưu tư của ông về vận nước, về phát huy sự thông minh, cần cù của người Việt trước xu thế toàn cầu hóa 4.0. Ông trăn trở: Việt Nam mình chậm tiến bộ so với nhiều nước; đồ đạc, xe cộ sao không chế tạo mà toàn lắp ráp? Ông có một cô con gái làm giáo viên nên ông cũng lo “tụi nhỏ lương không đủ sống, không giữ được tinh thần khác trước đây tui làm trong sân bay không phải lo gì cho vợ con, giờ thì gì cũng tiền”.

Chia tay nhau, tôi vẫn còn nhớ lời ví von của ông Chín: “Làm thầy thuốc nếu sai chết một người nhưng nếu làm chính trị có sai lầm thì chết cả ba thế hệ”. Ông mong sao đất nước mình cải tổ để phát triển nhiều hơn, giảm được tham nhũng để tương lai dân tộc mình tươi sáng hơn.

Văn Phong

Tin xem nhiều