Báo Đồng Nai điện tử
En

Phật giáo Đồng Nai thời "mở cõi"

09:11, 25/11/2018

Nếu năm 1698 là năm mà Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chính thức thiết lập nền hành chính ở vùng đất phương Nam, trong đó có Biên Hòa - Đồng Nai, thì Phật giáo đã có mặt trước đó và là một "cái nôi của Phật giáo Đàng Trong" (Địa chí Đồng Nai).

Nếu năm 1698 là năm mà Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chính thức thiết lập nền hành chính ở vùng đất phương Nam, trong đó có Biên Hòa - Đồng Nai, thì Phật giáo đã có mặt trước đó và là một “cái nôi của Phật giáo Đàng Trong” (Địa chí Đồng Nai).

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới thực hiện nghi thức tắm phật tại thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa).
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới thực hiện nghi thức tắm phật tại thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa).

Theo nhà văn Sơn Nam: “Trước Nguyễn Hữu Cảnh, nghĩa là hơn 300 năm về trước, ở Sài Gòn và phía đồng bằng, dân số khoảng 4 vạn hộ, đã có chợ Cù lao Phố ở Biên Hòa và chợ Mỹ Tho…” và trong buổi đầu mở nước, người lưu dân vào Nam mang theo mấy chữ “từ bi bác ái”, “trọng nghĩa khinh tài”, “phổ độ chúng sanh”.

Có người cho rằng Phật giáo, nhất là Phật giáo đại thừa truyền vào Nam bộ từ những năm 1181-1218 (?), tuy nhiên cũng chưa đủ cứ liệu để xác nhận điều này. Nhưng có thể chắc chắn rằng Phật giáo (đại thừa) đến vùng đất này trước năm 1698. Các sư tăng từ miền Thuận - Quảng vào theo các đoàn di dân khai hoang lập ấp cũng chỉ đơn lẻ và ẩn tu, lập am, cốc ở các hang núi, ít truyền bá giáo lý. Trong Đại Nam nhất thống chí cũng có nói đến cách lập chùa và cách ẩn tu của các nhà sư vào buổi xa xưa ấy. Nhưng càng về sau, chùa chiền càng nhiều, tín đồ càng đông.

Khác với chùa ở Đàng Ngoài, chùa Nam bộ phần nhiều không do người xuất gia lập nên, mà được dân làng dựng lên làm nơi thờ cúng, như chùa Châu Thới (Chiêu Thái Sơn) có vào năm Tự Đức thứ 3, được đưa vào Quốc sử quán; Long Ẩn Cổ tự, có từ năm 1613... Về sau, khi các vị Tổ trong hai dòng Nguyên Thiều và Liễu Quán vào hoằng hóa ở Đàng Trong, các chùa mới do các tăng sĩ “khai sơn”. Điển hình là vị Thiền sư, sơ Tổ của đất Nam bộ là Bổn Kiểu (Bổn Khao) đã khai sơn chùa Long Thiền (Bửu Hòa - Biên Hòa) vào năm 1664. Và từ đó liên tiếp những ngôi chùa được mọc lên như: Đại Giác (1665), Bửu Phong (1679), Hoàng Ân (1726)... Đặc biệt chùa Quốc Ân Kim Cang, được dựng vào đúng năm 1698 (năm Chánh Hòa thứ 19 - đời Chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu). Cũng từ đây, Phật giáo lan tỏa đến các vùng lân cận, như Bình Dương với chùa Hội Khánh (1741), Sắc tứ Thiên Ân (1773). Gia Định với chùa Phước Tường (1741), Giác Lâm (1744)...

Một trong những yếu tố góp phần lớn cho công cuộc phát triển Phật giáo còn là sự hiện diện của các nhà sư, cả Việt, cả Hoa. Cùng với Sơ Tổ Bổn Kiểu, có thể kể ra đây một loạt Thiền sư đạo cao, đức trọng thời bấy giờ như: Nguyên Thiều (1648-1728), Thành Nhạc - Ẩn Sơn (?), Minh Vật - Nhứt Tri (?-1786), Thành Đẳng - Nguyệt Ân(1686-1769), Phật Ý - Linh Nhạc (1725-1821) Viên Quang (?-1828), Tiên Giác - Hải Tịnh (1788-1875), Thiệp Thành - Liễu Đạt (1759-1823), Thành Chí - Pháp Thông...

Điều đặc biệt là Phật giáo, chùa chiền lúc này phần lớn tùy thuộc vào sự trợ duyên của chính quyền. Chính quyền lập đến đâu, chùa được dựng lên ở đó, không ít chùa do Vua, Chúa dựng lên hoặc ban cho “Sắc tứ”, tức là được liệt vào tín ngưỡng chính thống.  Kể cả khi không được “sắc tứ”, một số chùa vẫn còn in đậm sự trợ duyên của Vua, Chúa hoặc hoàng thân, quốc thích như: chùa Kim Cang có Tháp Phổ Đồng, tương truyền là mộ phần của công chúa Ngọc Vạn; chùa Đại Giác, gọi là chùa Tượng, do vua ra lệnh cho các quan trấn thành Gia Định, cho voi đến dẫm nền, và do Vua đã chú tạo ngôi tượng Phật A Di Đà cao đến 2,25m và hơn nữa đệ tam công chúa (con vua Gia Long) đã cúng biển hoành ba chữ “Đại Giác tự” sơn son thếp vàng vào năm Minh Mạng nguyên niên để kỷ niệm.

Có thể nói rằng Phật giáo thời này đã trở thành một thực thể văn hóa, tôn giáo hiện hữu sinh động giữa “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, tạo nên một dáng vẻ vừa uy nghiêm của một tín ngưỡng lâu đời, vừa linh hoạt trong phong thái của nền văn hóa tại vùng đất Nam bộ, trong đó có Biên Hòa - Đồng Nai này.

Triết lý của Phật giáo là “tùy duyên bất biến”, đây chính là bản năng sinh tồn của đạo Phật. Và với cái lý tùy duyên bất biến này, mà đạo Phật với con người Việt Nam gần như gắn bó đến độ bất khả phân. “Tùy duyên bất biến” lấy con người làm gốc để phát triển cái đẹp tự nhiên vốn có nơi đó lên, nhưng đạo Phật lại không làm mất bản sắc của mình.

Trên vùng đất cộng cư: Việt, Hoa, Khmer, Chơro, Mạ, S’tiêng, Chăm... mỗi dân tộc đều có niềm tin vào Phật pháp riêng có, và cũng vì vậy mà Phật giáo từ buổi đầu đã mang nhiều màu sắc và hình ảnh phong phú, đa dạng trong một chủ thể mang tên Phật giáo, nó vừa tương đồng, vừa dị biệt mà Phật giáo Đàng Ngoài không hề có.

Đây là hệ quả tất yếu của tính chất “đa tộc” của cộng đồng cư dân Nam bộ nói chung, Biên Hòa nói riêng, dẫn đến tính chất đa dạng của Phật giáo ở vùng đất này. Ngoài các tông phái Phật giáo từ Thuận - Quảng truyền vào, có Phật giáo Hoa tông, Phật giáo Tiểu thừa Khmer…

 Các dòng thiền từ Trung Hoa đã không còn thuần túy phong phái Thiền Lâm Tế của Trung Quốc, mà mang nặng ảnh hưởng của phái Thiền Trúc Lâm của Việt Nam. Phái Thiền Lâm Tế ở Việt Nam, không còn thuần túy “tham công án”, “hét”, “bổng” (đánh), mà là sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa Thiền tông - Mật tông  và Tịnh độ. Đa số Thiền sư Việt Nam không chuyên tu trong các thiền viện như quan niệm “xuất thế” của Thiền tông Trung Quốc, mà sống trong xã hội, vừa tu học, vừa hành đạo theo quan niệm “nhập thế” của Thiền tông Việt Nam.

Quá trình cộng tồn trong lịch sử có nhiều biến động đã nảy sinh nơi đây hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, ở đó tạo nên một phúc thể phong phú và đa dạng trong cơ cấu các tông phái - hệ phái của Phật giáo.

Tất nhiên, nói đến Biên Hòa - Đồng Nai không nên và không thể cố định trong không gian địa lý, hành chính thời này, mà cần đặt nó trong không gian Nam bộ, trong không gian miền đất “Mô Xoài” và “Đồng Nai” xưa và vì vậy, Phật giáo cũng không ngoại lệ.

Trần Thanh Hùng

Tin xem nhiều