Báo Đồng Nai điện tử
En

Ký ức cù lao

09:11, 30/11/2018

Chiều đã dịu dàng vạt nắng, tôi bước trên con đường thênh thang của đất Cù lao Phố mà lòng bâng khuâng lạ thường. Hoàng hôn buông xuống trên những ngọn dừa xanh ngắt bên sông...

Chiều đã dịu dàng vạt nắng, tôi bước trên con đường thênh thang của đất Cù lao Phố mà lòng bâng khuâng lạ thường. Hoàng hôn buông xuống trên những ngọn dừa xanh ngắt bên sông. Gió đồng, hương bưởi, hương cau… quyến vào không gian hoang sơ, yên ả, quyến vào tâm hồn đến ngất ngây. Và tôi nghe đâu đây vọng vang những bước chân bậc tiền nhân thuở xưa đi mở cõi.

Lễ hội Chùa Ông ở Cù lao Phố (TPBiên Hòa)
Lễ hội Chùa Ông ở Cù lao Phố (TPBiên Hòa)

Cù lao Phố được hai nhánh của dòng sông Đồng Nai mát trong dang tay ôm trọn vào lòng. Một dải đất phù sa bồi với hình chiếc chuông chùa treo nghiêng. Theo dòng chảy lịch sử, 320 năm trước, vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào mở cõi phương Nam. Tổng hành dinh đặt tại Cù lao Phố, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Kể từ đó, đất Trấn Biên chính thức thuộc lãnh thổ Đại Việt. Gần 100 năm phát triển, Cù lao Phố phố xá sầm uất, thương cảng vào bậc nhất Nam bộ được Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định thành thông chí: “...phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng liền lạc tới 5 dặm, chia vạch ra ba đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng; ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo, có những sà lan liên tiếp nhau. Ấy là một chỗ đại đô hội, nhà buôn to lớn ở đây là nhiều hơn”.

Vùng đất Cù lao Phố xưa không chỉ nức tiếng Đàng Trong mà ngày nay đã được nhiều người biết đến. Một cù lao lặng lẽ, bình dị, xanh mát cây trái nằm giữa lòng thành phố công nghiệp năng động, phát triển vào loại tốp đầu của cả nước. Đây có lẽ là nét rất riêng, rất đặc biệt hiếm nơi nào có được. Bác Năm - cha người bạn tôi - một ông già đã sống và gắn bó gần chín mươi năm với cù lao đưa tôi về với ký ức của thuở cha ông đi mở đất. Giọng ông xa xăm: “Cù lao thời xưa phồn vinh lắm, buôn bán nhộn nhịp, giàu có bằng nghề dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, đúc đồng, làm mộc, nấu đường… Tiếc thay, cuộc bạo loạn của Lý Văn Quang và cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn và các chúa Nguyễn đã tàn phá chợ búa, phố xá, biến đất cù lao thành gò hoang sơ”. Ông ngậm ngùi với Cù lao Phố qua những thăng trầm, nuối tiếc cho một trung tâm thương mại lớn nhất xứ Nam Kỳ xưa.

Ngày ngoại tôi còn sống, bà thường nói: “Có lẽ cù lao mang dáng dấp cái chuông chùa nên là vùng đất linh thiêng với nhiều đình chùa”. Lời bà thật có lý. Chỉ một xã nhỏ thôi đã có tới 11 ngôi đình, 6 ngôi chùa. Mỗi thôn có một đình làng, đi đâu cũng thấy thấp thoáng mái đình cổ kính dưới bóng những cây dầu cổ thụ xanh tươi lá. Đó là nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng lấp lánh những tinh hoa của người Việt và người Hoa. Người cù lao dù ai đi đâu xa cứ vào những ngày cuối năm lại nhắc nhớ nhau mùa cúng đình để mà trở về. Như đã thành lệ, như đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người dân quê tôi bao đời nay vậy…

Bạn bè tôi quê Bắc, miền Tây, miền Trung, mỗi lần đến Biên Hòa là đòi bằng được phải ghé cù lao miên man với bưởi ngọt, hoa trái thơm lừng, thăm chùa Đại Giác. Ngôi chùa đã chứng kiến và còn đó dấu tích một chuyện tình lãng mạn nhưng bi ai nơi cửa Phật của công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh - con gái của Nguyễn Ánh - năm xưa trên đường chạy trốn quân Tây Sơn đã lánh nạn và tu tại đây. Ngôi chùa cổ kính là điểm đến với tâm linh đã quá thân thuộc của bao người dân Biên Hòa hơn ba trăm năm nay. Để khi đi xa lại mênh mang nhớ tiếng chuông chùa…

Cù lao Phố hôm nay đang vươn mình cất cánh, là mảnh đất lành của bao người đến và chọn nơi đây làm quê hương. Đêm đông lành lạnh, bên ánh lửa bập bùng dưới những cây dầu trăm tuổi nơi đình làng Bình Tự, tôi và người bạn miền Trung làm nghề báo nghe lòng mình thật ấm áp. Người cù lao hồn hậu, chất phác, hào phóng mời ly rượu nồng cay khiến bạn uống mãi không say. Có say chăng là say tình, say nghĩa ngọt ngào, say những tấm lòng tha thiết yêu thương. Để rồi không biết từ bao giờ bạn đã nặng lòng với vùng đất thân thương này.

Tôi yêu Cù lao Phố tha thiết. Yêu con đường làng rợp bóng tre xanh, ruộng đồng ngạt ngào hương lúa, những tên xóm tên làng đã quá đỗi thân quen: Bình Tự, Tân Giám, Hưng Phú, Long Quới, Bình Xương... Yêu dòng Đồng Nai thơ mộng in bóng những nhịp cầu Rạch Cát, cầu Ghềnh. Và tôi yêu những buổi chiều ngồi ngắm hoàng hôn tím trôi bên kia cù lao Cỏ xanh rì cây trái, nghe giọng con gái Hiệp Hòa ngọt ngào, da diết: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”…

Rồi mai này, tôi, bạn bè và những ai dù chỉ một lần đặt chân lên đất cù lao sẽ có một ký ức xanh tươi, đẹp đẽ về một Cù lao Phố sông nước hiền hòa, nặng sâu ân tình…

Hòa Hiệp

Tin xem nhiều