Báo Đồng Nai điện tử
En

"Đồng Nai khoai củ" - tình yêu của tôi

10:11, 16/11/2018

Mấy năm trước một câu hỏi lớn đã lơ lửng trước mặt tôi: "Hạ cánh" rồi thì về quê hay ở lại Biên Hòa?

Mấy năm trước một câu hỏi lớn đã lơ lửng trước mặt tôi: “Hạ cánh” rồi thì về quê hay ở lại Biên Hòa?

Sông Đồng Nai đoạn qua Cù lao Phố (TP.Biên Hòa). Ảnh:T.L
Sông Đồng Nai đoạn qua Cù lao Phố (TP.Biên Hòa). Ảnh:T.L

Câu hỏi nhói lòng ấy tôi đã tìm ra đáp án vào một chiều mưa, khi từ Hà Nội trở về. Xe đến chân cầu Hóa An, trong ngực tôi bỗng rộn lên nỗi xúc động lạ kỳ. Dòng sông xao động dưới cơn mưa dày hạt, những dề lục bình dập dềnh trên sóng, tòa nhà nơi tôi từng làm việc vươn cao trên nền trời đùng đục… khung cảnh thân quen đến nao lòng.  Vài phút nữa, tôi sẽ về đến nhà, “chiếc kén tằm” ấm áp, nơi tôi có thể làm 101 điều mình muốn. Tôi chợt nhận ra mình sẽ mãi mãi không thể rời xa “chiếc kén tằm”, rời xa xứ sở đã 35 năm nuôi nấng, bảo bọc đứa con xa nhà bằng tình cảm bao dung, nhiệt thành của đất và người Đông Nam bộ…

Năm 1983, vào vùng đất mới, tôi vừa “cày ải” đủ nghề để mưu sinh, vừa phải tập thích nghi với những gì lạ lẫm: mùi sầu riêng, hũ tương chao, những tô phở ngọt vị đường... Và dĩ nhiên phải đối mặt với nỗi cô đơn dằng dặc khi xung quanh không người thân, không bạn bè. Rất may mùa xuân đầu tiên, tôi đã được nhận món quà quý là tình cảm nồng hậu của người Biên Hòa. Một gia đình gần Trường Ngô Quyền đem biếu tôi đòn bánh tét, khúc giò lụa, để tôi đỡ tủi thân đón tết xa quê. Ngày tôi học đàn tranh trong ngôi nhà ẩn sâu trong con hẻm độc đạo phường Quang Vinh, ông thầy có đôi tay xương xẩu chai sần đã say sưa đàn và hát cho tôi nghe bài Cò lả dân ca Bắc bộ một cách mượt mà, ngọt lịm như con nước êm đềm của dòng Đồng Nai. Món quà tết, những buổi học xàng xê cống líu miễn phí… đó chính là tài sản tinh thần vô giá mà tôi có được những ngày đầu neo đậu bến mới, để tình yêu đất và người phương Nam dần nảy mầm, bắt rễ sâu trong tâm hồn tôi…

(*) “Đồng Nai khoai củ” là chữ dùng của nhà văn Hoàng Văn Bổn

Bây giờ tôi đã đủ “bụi bặm” để thông thuộc các địa danh trong tỉnh, có thể tự hào giới thiệu với khách phương xa tất cả những gì đẹp đẽ, kỳ diệu của vùng đất này, từ sự đa dạng của văn hóa đến nét phong phú, sinh động trong tính cách người muôn phương tụ hội, biến Đồng Nai thành quê hương thứ hai, để rồi yêu quý, gắn bó máu thịt với nó, cùng vun đắp cho nó ngày càng trở nên giàu đẹp, nghĩa tình. Một sử gia Hà Nội đã háo hức theo tôi đến chiêm ngưỡng khu vườn thâm u huyền bí rủ bóng trên những ngôi mộ cổ, những di tích lịch sử rêu phong ở Cù lao Phố, nơi 320 năm trước là một thương cảng sầm uất trên bến dưới thuyền. Tôi từng ngồi rất lâu trên bến nước mát rượi bóng cây trước đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, nhìn ra cây cầu Gành bốn nhịp cũ kỹ, để lắng nghe tiếng vọng thâm trầm từ quá khứ.

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nổi chìm vì tao loạn, chiến tranh giờ đã lột xác hoàn toàn. Bàn tay con người đã gieo trồng màu xanh của sự sống trên những vùng đất chết. Các khu công nghiệp bề thế giờ tan tầm đông đặc sắc áo công nhân, những trang trại nông thôn mới cây trái ngút ngàn. Biết bao máu xương, mồ hôi và nước mắt của các thế hệ người Việt đã đổ xuống vì sự phồn vinh của vùng đất này. Trong sự tất bật của nhịp sống công nghiệp, dường như đâu đó vẫn vang vọng lời thơ hào sảng của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ “Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Lời thơ như thôi thúc, gợi nhớ về một quá khứ hào hùng, về những gì đã làm cho sông núi Đồng Nai lắng hồn suốt 320 năm lịch sử, kể từ ngày Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào khai mở đất phương Nam...

35 năm, tôi đã lặn sâu, đã tan hòa vào đời sống dân sinh những năm khốn khó cũng như thời đổi mới, để cảm nhận những ấm lạnh của tình đời, để sẻ chia nỗi lo cơm áo, những khát vọng gần và xa của người Đồng Nai. Tôi đã có những ký ức đẹp khiến lòng rưng rưng mỗi lần nhớ lại. Đó là những đêm ngủ rừng, những ngày rong ruổi qua nhiều thôn ấp, đến những vùng sâu vùng xa. Tấm vải may áo dài, hũ khổ qua rừng muối, thùng trái cây và rau sạch… những món quà đơn sơ tôi nhận được trong những chuyến tác nghiệp ở cơ sở… mang đến cho tôi bao xúc cảm, nhắc tôi phải sống tử tế với người, với đời. Thời gian lấy đi tuổi thanh xuân, nhiều thứ phôi phai, chỉ vẹn nguyên trong tôi tình yêu sâu đậm đối với sông núi, đất đai, phong tục, nếp sống của xứ “Đồng Nai khoai củ”(*). Đây là nơi tôi nhận ra chính mình sau những loay hoay, lận đận kiếm tìm. Tôi yêu vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai tươi đẹp, hào phóng, nghĩa tình còn vì ở đây tôi có những người bạn chân thành, có những buổi chiều thả hồn phiêu diêu trong dạt dào sóng nước Đồng Nai, để nhấm nháp vị ngọt ngào của cuộc sống. Những điều nho nhỏ ấy như phù sa đắp bồi, làm nên hạnh phúc của tôi…

HỘP THƯ

Tuần qua, Ban tổ chức cuộc thi viết “Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi” đã nhận được tác phẩm dự thi của các tác giả: Phan Đình Dũng, Trần Phi Châu, Hồng Ngọc, Đào Sỹ Quang, Hòa Hiệp, Nguyễn Hồng Nam (TP.Biên Hòa), Mai Thị Nhung (huyện Định Quán), Nguyễn Minh (huyện Vĩnh Cửu), Trần Thanh Hùng (huyện Thống Nhất), Phạm Văn Hoàng, Phạm Vũ Thanh Quyên (TX.Long Khánh), Tuyết Nhung (tỉnh Phú Thọ) và Đinh Thành Trung (Hà Nội).

Ban tổ chức cuộc thi chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận các tác phẩm dự thi.     

      Ban tổ chức

 Hồng Ngọc

Tin xem nhiều