Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự hào 2 tiếng Đồng Nai

09:07, 28/07/2018

Gia Định thành thông chí trong phần Sơn xuyên chí có viết: "Đồng Nai là tên duy nhất của trấn Biên Hòa. Đất Gia Định có 5 trấn riêng biệt: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên.

Gia Định thành thông chí trong phần Sơn xuyên chí có viết: “Đồng Nai là tên duy nhất của trấn Biên Hòa. Đất Gia Định có 5 trấn riêng biệt: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên. Trong đó tên đất cũng nhiều, nhưng theo cư dân ở đây thường nói thì chỉ gọi đất là Đồng Nai, Bà Rịa; đất Phiên An là Bến Nghé, Sài Gòn; đất Định Tường là Vũng Gù, Mỹ Tho; đất Vĩnh Thanh là Long Hồ, Sa Đéc; đất Hà Tiên là Cà Mau, Rạch Giá. Ấy là tên chỗ lỵ sở hay chỗ địa đầu, hoặc chỗ quần tụ cư dân đông đúc, ấy là nói tổng quát mà không phải kê cứu mô tả kỹ lưỡng vụn vặt một cách phiền phức”.

Từ phần ghi chép này, cho thấy trước đây tên gọi Đồng Nai “thịnh hành” hơn tên gọi Biên Hòa, dù lúc ấy tên chính thức là tỉnh Biên Hòa.

Cũng theo Gia Định thành thông chí: “Còn như Gia Định mà gọi là Đồng Nai cũng có cơ sở. Nguyên Gia Định khi bắt đầu khai thác thì từ chỗ Đồng Nai trước, cho nên người đời trước có ý dùng cái gốc để tóm cái ngọn, lấy chỗ đầu để kéo được cả đuôi, bèn gọi chung là Đồng Nai. Ngày nay cứ noi theo mà không xét cho rõ. Người bản xứ đã gọi bừa là Đồng Nai, thì người hạt khác cũng nghe theo là Đồng Nai, chẳng tìm hiểu cho rõ. Khi gặp việc phải làm, hoặc khi bàn luận, hay tìm thăm bà con thì ngờ nghệch chẳng biết tông tích của xứ sở nằm ở đâu, phần nhiều là vậy”. Như vậy, có thể thấy “danh tiếng” Đồng Nai có phần lấn át cả “đơn vị quản lý cấp trên” là Gia Định.

“Trải từ lúc Tây Sơn dấy loạn, Thế tổ Cao hoàng đế ta đem quân Đồng Nai lấy lại kinh thành Phú Xuân, bình định Bắc Hà, quét sạch giặc biển, dẹp 3 kẻ thù lớn, thì lúc ấy Đồng Nai mới lan tận Trung Quốc. Vì mùa thu năm Nhâm Tuất (1802) niên hiệu Gia Long năm đầu, nước ta qua nạp cống nhà Đại Thanh thì đã thấy sử sách Trung Quốc chép người Đồng Nai là người Nông Nại, tức cái tên ấy đã được cả thiên hạ biết tới. Tuy tên gọi ấy xưa nay có khác, nhưng nguyên ủy sự sửa đổi dị đồng thì không thể biết cho rõ được” - Gia Định thành thông chí được viết trong khoảng năm 1802-1820, qua đó cho thấy thời điểm này 2 tiếng Đồng Nai đã được trong và ngoài nước biết đến.            

Thanh Thúy

Tin xem nhiều