Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi sự tử tế đi vắng

10:01, 19/01/2018

Suốt 2 tuần qua, việc giải thưởng văn chương hàng năm của Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh gây sốt dư luận dường như vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Đáng buồn, sự chú ý này không vì tác phẩm đạt giải quá xuất sắc mà bởi sự bất minh và nhì nhằng của quá trình trao giải thưởng này.

Suốt 2 tuần qua, việc giải thưởng văn chương hàng năm của Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh gây sốt dư luận dường như vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Đáng buồn, sự chú ý này không vì tác phẩm đạt giải quá xuất sắc mà bởi sự bất minh và nhì nhằng của quá trình trao giải thưởng này.

Cần nhắc lại vụ việc, khi ban chung khảo của giải thưởng này đưa 2 tập thơ chưa lọt qua vòng đề cử của hội đồng thơ chuyên môn thì liền nhận được đơn tố cáo. Sự việc bắt đầu sôi động trên báo chí khi Phó chủ tịch Hội đồng thơ Trần Hữu Dũng lên tiếng thanh minh và xin rút khỏi chức danh này ở Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh.

Điều này lập tức gây chú ý của dư luận. Và sau đó, tập thơ được xét giải của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long bị phát hiện có dấu hiệu đạo thơ, còn tập thơ được xét qua chung khảo của Lê Mai Thi Gia thì bị cho là chất lượng nghệ thuật không xứng tầm được trao giải.

Sau các bức bối đó, cuối cùng 2 tác giả này đã xin rút khỏi giải thưởng và ngày 18-1 Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh đã chấp nhận.

Chuyện đúng sai chưa bàn tới nhưng sự việc này lại một lần nữa cho thấy văn chương trong nước gần đây cứ nổi tiếng vì những scandal… ngoài văn chương. Từ giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đến giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Nếu minh bạch và êm xuôi thì không mấy ai để ý nhưng hễ được chú ý là ắt có vấn đề.

Đồng ý rằng ngày nay, vấn đề thơ ca nói riêng và văn chương nói chung không thu hút cộng đồng như trước kia nữa nhưng văn giới đâu phải là showbiz tại sao cứ phải chọn cách tạo scandal để nổi tiếng? Những lùm xùm kiểu này dễ kéo theo nhiều hệ lụy xấu và gây cái nhìn không mấy thiện cảm của công chúng đối với các giải thưởng văn chương trong nước.

Nó đồng thời cũng cho thấy sự tử tế đang dần đi vắng ở đây. Vắng sự tử tế của người sáng tạo nghệ thuật ngôn từ với tác phẩm của mình khi trang viết của họ có dấu hiệu đạo thơ. Vắng sự tử tế của những người cầm cân nảy mực khi xét giải. Dư luận bức xúc cũng phải khi mà tập thơ của Lê Mai Thi Gia thật sự không xuất sắc đến mức phải được vượt rào đặc cách xét giải như Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh đã làm. Điều này làm sao tẩy rửa?

Nếu sự tử tế được duy trì ở 2 trường hợp trên thì có thể văn chương nước ta những năm gần đây tuy không có nhiều tác phẩm nổi trội, gây hứng thú với độc giả nhưng ít ra nó cũng không để lại những cái nhìn không mấy thiện cảm của công chúng như bây giờ.

Bảo Bình

Tin xem nhiều