Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ sĩ trẻ kỳ vọng tỏa sáng

07:10, 21/10/2017

Từ ngày 4 đến 14-11, tại TP.Biên Hòa sẽ diễn ra cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2017 dành cho nghệ sĩ có tuổi đời không quá 35.

Từ ngày 4 đến 14-11, tại TP.Biên Hòa sẽ diễn ra cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2017 dành cho nghệ sĩ có tuổi đời không quá 35.

Nghệ sĩ Trần Phương Trang (trái) trong trích đoạn Người đánh rơi hạnh phúc.
Nghệ sĩ Trần Phương Trang (trái) trong trích đoạn Người đánh rơi hạnh phúc.

Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) tổ chức 4 năm/lần và đây là lần đầu tiên Đồng Nai đăng cai tổ chức. Đồng Nai góp mặt với 6 nghệ sĩ trẻ đến từ 2 đoàn biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai. Ngoài Trần Phương Trang và Xuân Chúc từng góp mặt trong cuộc thi diễn ra tại TP.Cần Thơ cách đây 4 năm, có 4 gương mặt mới lần đầu thử sức là: Nguyễn Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Phước Dư và Nguyễn Thị Sang Sang.

* Mỗi người một vẻ

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm là người có độ tuổi cao nhất trong 6 nghệ sĩ tham gia cuộc thi (33 tuổi). Lần đầu tham gia cuộc thi, dù trước đó từng là diễn viên của một số đoàn cải lương chuyên nghiệp, nhưng Thanh Tâm vẫn tỏ ra khá lo lắng khi thể hiện vai bà Trần Thị Thưởng - vợ của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định trong trích đoạn Cờ nghĩa giồng Sơn Quy (tác giả Huỳnh Anh, đạo diễn Nguyễn Hữu Diệu Đức).

Theo NSND Giang Mạnh Hà, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch kiêm Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, nghệ sĩ Thanh Tâm sở hữu một giọng ca nhiều cảm xúc, gương mặt sáng sân khấu và có thế mạnh với những vai diễn cần bộc lộ chiều sâu tâm lý, rất thích hợp với vai diễn này.

Còn trích đoạn Trắng hoa mai (tác giả NSND Đào Mộng Long, đạo diễn Nhà giáo ưu tú Lê Xuân Hiểu) do nghệ sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo thể hiện là câu chuyện về nàng Thiên Kiều công chúa vì say mê tiếng sáo mà đem lòng yêu chàng nghệ sĩ trẻ tài hoa. Dù đã sử dụng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến đe dọa nhưng tình yêu của công chúa không được đáp lại. Nghệ sĩ Phương Thảo chia sẻ: “Thời gian diễn xuất không dài song vai diễn phải thể hiện nhiều tính cách. Đây là một vai diễn khó, đòi hỏi phải có sự nhập tâm và sáng tạo”.

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Sang Sang với trích đoạn Hồi xuân dược. Ảnh: S.THAO
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Sang Sang với trích đoạn Hồi xuân dược. Ảnh: S.THAO

Riêng với nghệ sĩ Nguyễn Thị Sang Sang, trích đoạn Hồi xuân dược (soạn giả: Hữu Lộc - Kha Tuấn - Diệp Vàm Cỏ; đạo diễn Lê Xuân Hiểu) thật sự là vai diễn không hề đơn giản với giọng nữ sinh năm 1990. Đây là câu chuyện về một gia đình nghèo, khi bà lão Đoàn Thị bị bệnh, chồng bà là Dương Đạt đã hy sinh đôi mắt để thần y luyện thành hồi xuân dược cứu sống bà. Cũng nhờ thứ thuốc này mà Đoàn Thị biến thành một mỹ nhân và trở thành Chiêu Linh hoàng hậu. Muốn duy trì sự trẻ đẹp, Đoàn Thị đến nhờ thần y giúp nhưng ông đã tự vẫn. Trước khi chết, thần y chế ra thuốc hồi xuân cho Chiêu Linh uống, nhưng kết cục bà trở lại là bà lão Đoàn Thị già nua, ốm yếu hơn trước.

Trong khi đó, diễn viên trẻ Nguyễn Phước Dư dự thi với trích đoạn Kiếp tằm (tác giả Nguyễn Hữu Quốc, đạo diễn Lê Xuân Hiểu). Diễn viên trẻ sinh năm 1992 này vào vai một nghệ sĩ trẻ, tài năng, xuất thân từ gia đình có truyền thống ca cải lương nhưng đã bỏ mẹ cha, bỏ tổ nghiệp về với phố thị phồn hoa, ngày làm người mẫu, tối đắm mình trong các sàn nhảy, quán bar và sau này bị tàn phế, phải ngồi trên xe lăn, trong khi cha mẹ đều đã qua đời. Chàng thanh niên ăn năn vì những sai lầm trước kia và quyết tâm làm lại cuộc đời, trở về với những vai diễn năm xưa.

* Kỳ vọng vào nhân tố trẻ

Theo NSND Giang Mạnh Hà, Ban giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cũng như lãnh đạo nhà hát không đặt ra chỉ tiêu đối với từng cá nhân để tránh làm các nghệ sĩ trẻ bị áp lực, mà chỉ khuyến khích và tiếp lửa để mỗi người cháy hết mình trên sân khấu, qua đó thể hiện hết năng lực của bản thân.

Đây là lần thứ 2 giọng ca nam Trần Phương Trang được nhà hát tiếp tục tạo điều kiện và đặt niềm tin để tham gia cuộc thi. Trong trích đoạn Người đánh rơi hạnh phúc (tác giả Hữu Lộc, đạo diễn Nguyễn Hữu Diệu Đức), nam nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật xấu xí, sống lang thang và nghiện ngập để kể cho khán giả câu chuyện về một nghệ sĩ trẻ vì sa vào con đường nghiện ngập, ăn chơi nên bị sa thải, trở thành kẻ thất nghiệp, không nhà cửa, sống lang thang.

Còn nghệ sĩ Xuân Chúc tham gia cuộc thi với trích đoạn Độc thoại đêm (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Lê Nguyên Đạt). Trong thời gian 25 phút (theo quy định của cuộc thi), Xuân Chúc hóa thân thành Lý Chiêu Hoàng tự sự trong đêm vắng với nhiều cảm xúc vui, buồn, sợ hãi, oán trách và vị tha. Đối với Xuân Chúc, vai diễn lần này nặng về tâm lý, vậy nên để đảm nhận tốt vai diễn nữ nghệ sĩ đã tìm hiểu về nhân vật, hoàn cảnh lịch sử để thể hiện tốt yêu cầu của vai diễn.

Đến thời điểm này, các nghệ sĩ vẫn đang miệt mài khổ luyện để chuẩn bị tham gia cuộc thi  với nhiều kỳ vọng. Bởi nếu tính từ cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1998 và mới đây nhất là năm 2013 thì Đồng Nai mới đoạt được 2 giải nhì mà chưa từng chạm tay vào giải cao nhất. Vậy nên, việc kỳ vọng vào những nhân tố trẻ sẽ làm nên chuyện ở cuộc thi lần này của ngành văn hóa là điều dễ hiểu.  

Sông Thao

Tin xem nhiều