Báo Đồng Nai điện tử
En

Sự vượt trội đáng mừng

10:09, 20/09/2017

Đã thành thông lệ, cứ 5 năm một lần, Đồng Nai lại tổ chức vinh danh các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nền văn nghệ tỉnh nhà bằng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức.

Đã thành thông lệ, cứ 5 năm một lần, Đồng Nai lại tổ chức vinh danh các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nền văn nghệ tỉnh nhà bằng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức.

Ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, đồng tác giả và có mặt trong danh sách 3 giải (A, B, C) bộ môn văn nghệ dân gian của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV đang sinh hoạt chuyên đề văn hóa, lịch sử về danh nhân văn hóa dân tộc với học sinh Trường THCS Võ Trường Toản, huyện Vĩnh Cửu.
Ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, đồng tác giả và có mặt trong danh sách 3 giải (A, B, C) bộ môn văn nghệ dân gian của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV đang sinh hoạt chuyên đề văn hóa, lịch sử về danh nhân văn hóa dân tộc với học sinh Trường THCS Võ Trường Toản, huyện Vĩnh Cửu.

* Tín hiệu tích cực

Khi nói về những chuyển biến trong lần trao giải thứ IV của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nguyễn Khánh Hòa cho biết: “Năm nay bên cạnh những văn nghệ sĩ mà tên tuổi và tác phẩm đã trở nên quen thuộc với công chúng, từng nhiều lần được nhận giải thì có rất nhiều gương mặt mới, trẻ với những dấu ấn rất riêng trong từng tác phẩm và chất lượng được giới chuyên môn đánh giá rất cao”.

Trước hết là 10/11 bộ môn xét giải lần này đều đã tìm được tác phẩm xứng đáng để trao giải A, thay vì khuyết giải cao nhất như những lần trước. Đặc biệt, những gương mặt văn nghệ sĩ trẻ đã có sự bứt phá mạnh mẽ để ganh đua, từ đó vươn lên đoạt các giải cao bên cạnh những văn nghệ sĩ lão thành. 

Đơn cử như ở bộ môn văn xuôi và thơ, nếu những lần trao giải trước người đoạt giải cao đều là những cây viết lão làng, gắn bó với văn chương hàng chục năm, thì ở lần trao giải thứ IV, giải A đã tìm ra chủ nhân là cô giáo trẻ Phạm Thanh Vân (37 tuổi, bút danh Hạnh Vân, bộ môn thơ) cùng nhà văn mới chỉ có chưa đầy 7 năm cầm bút là Nguyễn Trí (bộ môn văn xuôi).

“Tôi rất vui, tự hào với giải thưởng cao nhất bộ môn thơ của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV” - Hạnh Vân chia sẻ.

Nhà điêu khắc Nguyễn Quang Hoàng được trao giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV đang giới thiệu tác phẩm của mình với du khách nước ngoài.
Nhà điêu khắc Nguyễn Quang Hoàng được trao giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV đang giới thiệu tác phẩm của mình với du khách nước ngoài.

Hay ở bộ môn mỹ thuật, nếu như cả 3 lần trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức trước đây, những gương mặt kỳ cựu luôn chiếm lĩnh hầu hết giải thưởng và hiếm hoi lắm mới có một giải khuyến khích dành cho người trẻ, thì nay mọi chuyện đã xoay chuyển.

Ngoài những cái tên đã bước qua tuổi 50, như: Phạm Công Hoàng (giải A) hay Nguyễn Quang Hoàng (giải B) thì Trần Đình Thắng, một chàng trai 29 tuổi đã được trao giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV.

Ngoài Trần Đình Thắng, những gương mặt 8X chiếm đến 4/10 giải thưởng của bộ môn mỹ thuật lần này. “Những gương mặt trẻ có sự sáng tạo, phong cách rất riêng trong thể hiện tác phẩm. Điều này rất đáng mừng vì “tre chưa già” đã có “măng mọc”, thế hệ tiếp nối đã thể hiện rõ” - nhà điêu khắc Phạm Công Hoàng nói.

Ở lần trao giải này cũng chứng kiến số lượng tác phẩm thuộc bộ môn văn nghệ dân gian được trao giải tăng hơn gấp đôi với 9 giải được trao so với 4 giải của lần thứ III. Chất lượng mỗi công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian cũng được nâng lên rõ rệt.

* Còn đó những trăn trở

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng của nền văn học nghệ thuật của tỉnh, vẫn còn sự phát triển không đồng đều giữa các bộ môn văn học nghệ thuật khi nhiều bộ môn không có sự xuất hiện nhân tố mới thật sự nổi trội, hay thậm chí mất hút suốt thời gian dài cũng đặt ra nhiều suy ngẫm.

NSƯT Đồng Thị Quế Anh (vai Mạc Hà) và NSƯT Chiêu Hùng (vai Trần Đại) trong vở Ánh đèn khuya - vở diễn góp phần đưa 2 diễn viên đoạt các giải A và giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV.
NSƯT Đồng Thị Quế Anh (vai Mạc Hà) và NSƯT Chiêu Hùng (vai Trần Đại) trong vở Ánh đèn khuya - vở diễn góp phần đưa 2 diễn viên đoạt các giải A và giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV.

Chẳng hạn, nếu ở Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ III ở bộ môn điện ảnh có đạo diễn Nguyễn Thanh Tùng được trao giải A với bộ phim tài liệu Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long, thì đến đợt trao giải lần thứ IV không tìm được tác giả có tác phẩm xứng đáng để trao giải. 

Hay như ở bộ môn biểu diễn nghệ thuật, sân khấu, nghiên cứu - lý luận - phê bình, nhiều năm qua NSND Giang Mạnh Hà (sân khấu), Đồng Thị Quế Anh (biểu diễn nghệ thuật), Bùi Quang Huy, Bùi Công Thuấn (nghiên cứu - lý luận - phê bình) vẫn chiếm lĩnh vị trí tiên phong và chưa có gương mặt nào nổi trội có thể thay thế.

Theo Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nguyễn Khánh Hòa, những hạn chế của văn học nghệ thuật trong tỉnh cũng là tình trạng chung của cả nước. Làng văn nghệ Đồng Nai vẫn phát triển không đều, có bộ môn thiếu hẳn những nhân tố mới, nhân tố trẻ đủ sức kế thừa. Vì vậy, việc tìm kiếm, bồi dưỡng những nhân tố mới là rất cần thiết trong thời gian tới...

Những “cái nhất” của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV

Người cao tuổi nhất nhận giải

Là tác giả Huỳnh Ngọc Ẩn với tập thơ Tiếng lòng tôi được xét chọn trao giải khuyến khích bộ môn thơ. Nhà thơ Huỳnh Ngọc Ẩn năm nay 80 tuổi và không phải là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Người trẻ nhất đoạt giải cao

Trong số những người trẻ đoạt giải, Trần Đình Thắng (29 tuổi) vừa có tuổi đời trẻ nhất lại vừa đoạt giải cao của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần (2011-2015). Trần Đình Thắng được trao giải B bộ môn mỹ thuật cho chùm tác phẩm điêu khắc tượng: Đô thị, Chiêm bao.

Số lượng giải thưởng nhiều nhất

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015) có 61 giải được trao cho các tác giả, nhóm tác giả. Số lượng giải thưởng ở lần này cao nhất so với 3 kỳ trao thưởng trước kia, cụ thể: lần thứ I có 35 giải, lần thứ II có 39 giải và lần thứ III có 48 giải.

Công trình nghiên cứu có đông tác giả nhất

Đó là tác phẩm Nghi và văn cúng chữ Hán ở TP.Biên Hòa được xét để trao giải B bộ môn văn nghệ dân gian. Công trình nghiên cứu này do nhóm tác giả 10 người (gồm: Lý Việt Dũng, Trần Quang Toại, Cao Văn Vĩnh, Trịnh Văn Lý, Lê Xuân Hậu, Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Đặng Hữu Trí, Trần Minh Trí, Nguyễn Trần Kiệt, Nguyễn Thị Tuyết Trinh) thực hiện.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai đoạt nhiều giải nhất

Có 7 cá nhân của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV. Trong đó, NSND Giang Mạnh Hà và NSƯT Đồng Thị Quế Anh lần lượt đoạt 2 giải A ở bộ môn sân khấu và biểu diễn nghệ thuật; NSND Ngân Vương và NSƯT Chiêu Hùng được trao 2 giải B; nghệ sĩ Xuân Vương, nghệ sĩ Việt Trang và nghệ sĩ Thành Vinh được trao 3 giải C ở bộ môn biểu diễn nghệ thuật.

Văn Truyên

Võ Tuyên

Tin xem nhiều