Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc "hôn phối" thành công giữa thơ và nhạc

10:07, 07/07/2017

Từ trước năm 1975 ở các đô thị miền Nam ngay khi nhạc bolero đang thịnh hành thì vẫn song hành những dòng nhạc khác được công chúng yêu thích. Và các bản nhạc do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên - sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa - Đồng Nai là một trong số đó.

tải xuống.jpg

Từ trước năm 1975 ở các đô thị miền Nam ngay khi nhạc bolero đang thịnh hành thì vẫn song hành những dòng nhạc khác được công chúng yêu thích. Và các bản nhạc do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên - sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa - Đồng Nai là một trong số đó.

Với vị thế là một nhà thơ, Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) được nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy trong công trình khá đầy đặn Văn học Đồng Nai - Lịch sử & diện mạo (Nhà xuất bản Đồng Nai, 2011) dành hơn 3 trang sách nói đến và trong cuốn ký sự - biên khảo Theo dòng chảy Đồng Nai, nhà văn Khôi Vũ cũng nhắc đến với tình cảm mến thương và công nhận thơ tình học trò Nguyễn Tất Nhiên “là hoài nhớ của biết bao người”...

Trước năm 1975, học sinh làm thơ in roneo phát không hoặc vận động người mua ủng hộ là chuyện thường tình và Nguyễn Tất Nhiên là một trong số đó. Thế nhưng chỉ đến khi thơ Nguyễn Tất Nhiên được những người thầy dạy ở Trường trung học Ngô Quyền, nơi ông học ở đó (sau nhà văn Khôi Vũ 2 lớp), gửi đăng trên tạp chí Sáng Tạo thì Nguyễn Tất Nhiên mới được biết đến. Theo nhà thơ Du Tử Lê, chính bút danh Nguyễn Tất Nhiên do ông đặt, trước đó Nguyễn Tất Nhiên lấy bút danh Hoài Thi Yên Thi khi tặng ông tập Thiên tai.

Có tư liệu cho rằng, người phổ nhạc đầu tiên thơ Nguyễn Tất Nhiên là người chủ xướng du ca Nguyễn Đức Quang với bài Vì tôi là linh mục và chính Nguyễn Đức Quang giới thiệu thơ Nguyễn Tất Nhiên cho Phạm Duy. Theo ca sĩ Quỳnh Giao ở Sài Gòn trước năm 1975, lúc ấy Phạm Duy có nhu cầu sáng tác những nhạc phẩm tuổi mới lớn, tuổi chớm yêu cho con trai ông là Duy Quang và con gái Thái Hiền (em Duy Quang) trình diễn trong phong trào nhạc trẻ lúc ấy nên ông đã phổ nhạc Nguyễn Tất Nhiên và qua tiếng hát của Duy Quang, Thái Hiền đã quá thành công, nhất là Duy Quang với các bài Thà là giọt mưa, Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Hai năm tình lận đận…

Ngoài Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, bài thơ Trúc đào của Nguyễn Tất Nhiên được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc khá nổi tiếng nhưng ít người nhắc đến thơ của Nguyễn Tất Nhiên; Nguyễn Hữu Nghĩa phổ nhạc bài thơ Nỗi sầu khổ dịu dàng. Nguyễn Tất Nhiên còn cùng với Duy Quang viết nhiều bản nhạc khác và chính ông cũng sáng tác nhạc.

Thơ của Nguyễn Tất Nhiên qua các nhạc sĩ phổ nhạc mang âm hưởng rất khác nhau. Thế nhưng chính “cuộc hôn phối” thơ Nguyễn Tất Nhiên với tượng đài nhạc Phạm Duy, thơ Nguyễn Tất Nhiên mới thăng hoa và là một “gu thưởng thức khác, nhất là giới trẻ đô thị miền Nam trước năm 1975.

Trong số 2.597 bản nhạc sáng tác trước năm 1975 được Cục Nghệ thuật biểu diễn cho phép biểu diễn có 6 bài do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Nguyễn Tất Nhiên, ngoài 4 bài nổi tiếng là Hai năm tình lận đận, Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Em hiền như Ma Soeur, Thà là giọt mưa; còn 2 bài khác ít biết hơn là bài Anh vái trờiHãy yêu chàng.

Trần Phi Châu

Tin xem nhiều