Báo Đồng Nai điện tử
En

Sài Gòn xưa trong truyện của Lê Văn Nghĩa

10:03, 03/03/2017

Khó có thể tưởng tượng rằng trên gương mặt thường trực âu sầu của ông lại cho ra những trang sách dí dỏm khiến người đọc bật cười như Lê Văn Nghĩa.

Khó có thể tưởng tượng rằng trên gương mặt thường trực âu sầu của ông lại cho ra những trang sách dí dỏm khiến người đọc bật cười như Lê Văn Nghĩa.

Có hàng chục năm làm chủ biên tờ báo Tuổi Trẻ cười với hàng ngàn bài viết và hàng chục cuốn sách thể loại châm biếm, Lê Văn Nghĩa được biết đến với danh xưng nhà văn trào phúng. Vì vậy, nhiều người ngạc nhiên khi những tác phẩm ông in gần đây lại thể hiện một góc hoàn toàn khác về Sài Gòn xưa.

Các tác phẩm viết về Sài Gòn xưa của Lê Văn Nghĩa.
Các tác phẩm viết về Sài Gòn xưa của Lê Văn Nghĩa.

Sài Gòn xưa qua các tác phẩm Mùa hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, hay mới nhất là cuốn Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ của Lê Văn Nghĩa thể hiện một Sài Gòn yên bình vào đầu những năm 60 thế kỷ trước.

Bối cảnh các truyện này ở khu vực Chợ Lớn - Sài Gòn, nơi tuổi thơ của Lê Văn Nghĩa trải qua trong một xóm nghèo. Nơi đó, tác giả có những người bạn học cũng là con nhà nghèo nhưng thương yêu nhau. Từ câu chuyện của tụi con nít, bọn học trò nghịch ngợm, tác giả tái hiện không gian sinh hoạt của Sài Gòn một thời với lời ăn tiếng nói hàng ngày gần gũi như đời sống cần lao.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi đọc Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, dù là tay viết về tuổi hoa niên thuộc loại “trùm” hiện nay, đã không khỏi ngạc nhiên về Lê Văn Nghĩa khi cho rằng: “Đọc truyện này của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học”.

Nguyễn Nhật Ánh nhận xét: “Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển”.

Viết truyện về Sài Gòn xưa mà được một “ông trùm” về truyện thiếu nhi như Nguyễn Nhật Ánh đem so với các bậc thầy biên khảo Sơn Nam, Vương Hồng Sển, cho thấy Lê Văn Nghĩa rành Sài Gòn như “ma xó”.

Bây giờ, gia đình nào có con nhỏ đi học đều phải lo nào tiền học phí, nào sữa uống, cơm ăn, áo mặc… Đọc truyện của Lê Văn Nghĩa mới giật mình về sự “thụt lùi” của nhà trường hiện nay, ít nhất là trên phương diện chăm lo vóc dáng của dòng giống Lạc Hồng. Ví dụ, tụi con nít thời ấy bị nhà trường “bắt uống sữa miễn phí” đến nỗi thấy sữa là ngán. Chẳng bù hiện nay, các bậc phụ huynh đau đầu khi nghĩ đến việc kiếm tiền mua sữa cho con uống, mà giá sữa và chất lượng sữa lại cứ phập phù…

Ông Phan Thanh Bình (trái), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, là thế hệ đàn em của nhà văn Lê Văn Nghĩa khi học Trường Petrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.Hồ Chí Minh) tặng hoa chúc mừng ông Lê Văn Nghĩa (phải) khi nhà văn về giao lưu với thầy cô và học trò.
Ông Phan Thanh Bình (trái), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, là thế hệ đàn em của nhà văn Lê Văn Nghĩa khi học Trường Petrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.Hồ Chí Minh) tặng hoa chúc mừng ông Lê Văn Nghĩa (phải) khi nhà văn về giao lưu với thầy cô và học trò.

Đến độ tác giả Nỗi buồn chiến tranh Bảo Ninh, khi đọc truyện của Lê Văn Nghĩa cũng phải thốt lên: “Không đến nỗi phải ngã ngửa ra vì sửng sốt, song tôi thấy ngạc nhiên vô cùng trước thực cảnh của Sài Gòn, nhất là của các trường học ở Sài Gòn thuở xưa hiện lên trong những trang sách. Thôi thì không nói rằng sự học hành ấy tốt hơn của tôi, mà là ngang bằng, nhưng ngay cả thế cũng đâu có thể. Phải kém xa tôi chứ, làm sao mà nhà văn Lê Văn Nghĩa và các bạn đồng niên lại có thể được hưởng một môi trường giáo dục học ra học, chơi ra chơi, trò ra trò, thầy ra thầy như vậy. Phải, nhất là những người thầy. Như tôi vẫn tưởng thì ở Sài Gòn ngày trước, không thể nào các thầy giáo lại là những nhà trí thức mẫu mực đáng kính, thông tuệ và nhân hậu nhường ấy, tạo tấm gương sáng và để dấu ấn sâu sắc bền lâu trong tâm khảm, tâm tính, lối sống, lối nghĩ của học trò đến như vậy”.

Trong tập truyện dài vừa phát hành Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ, Sài Gòn đầu những năm 60 một lần nữa hiện lên qua các trang viết của Lê Văn Nghĩa. Những người yêu Sài Gòn sẽ gặp lại Sài Gòn vào thời điểm đó với bối cảnh cũ và con người xưa như: nhà ảo thuật Lê Văn Quý (cha của nghệ sĩ Mạc Can), tờ báo Sài Gòn mới, nghệ sĩ Bạch Tuyết, các rạp hát lừng danh một thời, giá cả sinh hoạt… Trong đó, có sinh hoạt của dòng người di cư từ năm 1954 đang ổn định cuộc sống bằng nhiều nghề lao động phổ thông.

Sài Gòn những năm đầu 60 trong truyện của Lê Văn Nghĩa cũng như Sài Gòn hiện nay luôn rộng mở vòng tay cho tất cả mọi người biết yêu quý vùng đất này.

“Dầu hèn cũng thể…” - những câu nói cửa miệng như thế này thể hiện tính cách của người Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung, thường được Lê Văn Nghĩa đưa vào tác phẩm. Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại quận 6 (Chợ Lớn), thời trẻ ông trải qua nhiều nhà tù, trong đó có nhà tù Côn Đảo, do tham gia phong trào học sinh, sinh viên tại Sài Gòn.

Hoàng Nhân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích